Mấy chục năm trước, Tây Nguyên không thế. Khoảng năm 1981, một buổi chiều tôi đạp xe ra hướng Biển Hồ, phía bắc Pleiku, cách trung tâm chừng mươi cây số bỗng nghe đạn nổ vèo vèo, bộ đội chạy rầm rập, và tất nhiên tôi bị ngăn lại. Thì ra có một tốp FULRO kéo về cái làng ngay ở đấy, và bộ đội ta tấn công. Kết quả: không tiêu diệt và cũng không bắt được tên nào vì họ chạy hết vào rừng.
Thời ấy, rừng viền quanh thành phố.
Và giờ, Tây Nguyên thênh thang.
Có 2 thứ oanh tạc Tây Nguyên nhiều nhất là cao su và thủy điện. Hàng triệu héc ta rừng nguyên sinh đã biến khỏi bản đồ để thành những ô vuông ngằn ngặt rất đẹp khi ta ngồi trên máy bay ấy. Và cũng như thế là những công trình vĩ đại với "Giật mình tưởng thác điện quay giữa trời", chả giật mình gì nữa, liên hoàn các công trình thủy điện lớn bé đang lộng lẫy tàn phá Tây Nguyên. Người Tây Nguyên xưa họ sống hoàn toàn vào rừng, "ăn rừng" như tên một cuốn sách của Công Đô Mi Nát, nhưng họ có văn hóa ăn rừng chứ không ăn tạp, ăn sạch sành sanh như hiện nay. Họ chỉ bắt những con gì đã lớn, chỉ chặt những cây có thể chặt, du canh du cư đốt rẫy không phải đốt tràn lan lấy được, mà đốt có chọn lọc. Những khu rừng đã đốt ấy sau mấy mùa rẫy khi đã hết chất họ bỏ hoang để mấy mùa sau lại quay lại chứ không phải bỏ đi vĩnh viễn. Con người với rừng sống hòa hợp và văn minh, nương tựa vào nhau trong một mối quan hệ tương hợp và hàm ơn nhau. Đồng bào quan niệm vạn vật hữu linh nên bất cứ cái gì của rừng cũng có thần, mà đã có thần thì phải tôn trọng, không được báng bổ. Chúng ta bây giờ nhiều khi báng bổ rừng, báng bổ tự nhiên nhiều quá. Và tự nhiên nổi giận, bằng chứng là những cơn lũ, lụt, những cơn bão quăng quật hết từ miền Bắc qua miền Trung vào miền Nam, năm sau cao hơn năm trước, dữ dội hơn năm trước...
Cái làng Tây Nguyên cũng thế, nó là một sự đau đớn để phát triển, nó mâu thuẫn nặng nề giữa phát triển và bảo tồn, giữa hiện đại và dân tộc, giữa văn minh và văn hóa. Không thể nhân danh bảo tồn rồi cứ để nó lụp xụp mãi được, nhưng bê tông rồi tôn các loại đưa vào, làng Tây Nguyên còn lại gì? Và từ cái vỏ làng ấy, toàn bộ phần hồn của làng, tâm linh của làng, những truyền thống thẳm sâu của làng... sẽ ra sao?
Đã đành phát triển là phải hy sinh, nhưng cố gắng làm sao để sự hy sinh ấy ít hơn, ít nhất có thể, là một đòi hỏi đầy tính nhân văn và biện chứng và nó chứng tỏ chúng ta là những người biết lo cho muôn đời con cháu mai sau như lời cụ Hồ dặn.
Tất nhiên là rất khó, khó từ ngàn đời nay, càng ngày càng khó hơn, và vì thế mà đời nào cũng đau đáu những câu hỏi: ta là ai, ta làm gì, ta để lại gì và ta còn lại gì...
Những câu hỏi không thênh thang...
Trong các câu chuyện cổ của người Tây Nguyên, đặc biệt là các trường ca, rất hay nhắc đến biển. Có nhiều cách lý giải, ví dụ như đấy là khát vọng, nhưng điều này không vững vì phải thấy thì mới... khát vọng chứ. Cách nữa là do tạo sơn gì đấy nên biển hóa Cao nguyên, mà dấu tích vẫn còn trong cổ tích... vân vân... liệu có một trường hợp này xảy ra không: trăm năm nữa, trong một văn bản nào đó, người ta giải thích về Tây Nguyên: Nơi đây từng có... rừng.
Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng, thậm chí có thông tin là rừng đã kịp... hết. Cách đây vài ba chục năm, chỉ ra khỏi nội ô Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... ta đã lạc vào rừng. Bây giờ cả ngày đi trên đường Hồ Chí Minh chang chang nắng chỉ gặp toàn... nắng. Trước đó là hàng đoàn xe chở gỗ nối nhau suốt ngày đêm, giờ gỗ hết rồi, nắng thênh thang, nắng mênh mang. Muốn dừng xe dưới bóng mát nghỉ mà không có cây. Rừng như chỉ còn trong cổ tích...
Sẽ ra sao nếu Tây Nguyên không còn rừng?
Cổ tích Việt nói rằng mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, năm mươi con ở lại cùng cha, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Dằng dặc thời gian, tháng năm, thăng trầm dâu bể, năm mươi người con ấy làm nên một phần đất Việt. Họ sống cùng rừng, chết cùng rừng, hòa quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một văn hóa rừng bền vững và đậm chất nhân văn, hợp quy luật và hợp lẽ sống.
Văn hóa rừng ấy giờ đang trôi về biển, trên những chuyến xe khổng lồ rùng rùng lún đất suốt ngày đêm đưa sản vật về xuôi, mà nhất là gỗ. Để trơ lại những khu rừng... không cây. Mà thực ra, những chuyến xe ấy giờ cũng hết rồi, vì còn gỗ đâu mà chở.
Văn hóa rừng ấy giờ đang được... thay máu. Người ta quan niệm cao su, cà phê, bạch đàn... cũng là rừng và thế là hàng chục ngàn héc ta rừng được phá để... trồng cao su, cà phê... mà người ta không biết rằng những cái cây trơ trọi kia có thể nó làm ra đồng tiền ngay trước mắt, nhưng nó không có đời sống, nó vô tri vô giác, nó không phải là nơi đất lành chim đậu, không có những tầng những vỉa, những bí ẩn tâm linh, những phập phồng thức mở để rừng là lá phổi của hành tinh và là mái nhà của con người.
Mà đau đớn nữa, cả loạt quan chức của Tập đoàn cao su Việt Nam vừa lần lượt... nhập kho.
Văn hóa rừng ấy còn bị thủy điện giết chết. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mấy năm trước, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền. Không phải ngẫu nhiên mà bà con Tây Nguyên ở nhà sàn. Nó phù hợp với tập tính và môi trường sống mà phải những ai am hiểu mới biết.
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của người Tây Nguyên. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa, bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa, với cái gì cũng phong cho lễ hội như "lễ hội cồng chiêng", "lễ hội đâm trâu", "lễ hội rượu cần"... trong khi nó chỉ là một thành tố của lễ hội, người ta phục dựng những cái ấy theo ý chí của người... Kinh.
Cũng như thế, người ta phong văn hóa cho đủ thứ, từ nhà rông văn hóa, làng buôn văn hóa, đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, "thập cẩm" văn hóa... mà chính người phong ấy có khi không hiểu văn hóa là gì? Người ta đề cao "văn hóa" rượu cần bằng cách trước khi uống rượu tây, uống bia, mang rượu cần ra mời khách trước trong nhà hàng muôn muốt trắng với dao nĩa ly tách mà không biết rằng, cách ly ra khỏi làng, rượu cần chỉ còn là... nước lã. Cũng như thế, bứng cồng chiêng mang ra phố dưới ánh sáng đèn màu trên sân khấu vuông loằng ngoằng dây điện là một cách để chiêng diệt vong nhanh nhất...
Vì thế, tôi đau đớn thấy Tây Nguyên đang... thênh thang...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: MXH