Tây Nam ký sự: Quần đảo Hải Tặc

17/04/2024 09:40

Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm trên Vịnh Thái Lan thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Trong đó, đảo Hòn Đốc hay còn gọi là Hòn Tre lớn là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 11km2, nằm cách đất liền 20km. Trên đảo còn bia chủ quyền do chính quyền Việt Nam Cộng hoà lập năm 1958.

images1365108_20200224_084149.jpg

Những giai thoại ly kỳ

Giống như hải trình đến mấy đảo trước đó, chúng tôi tạm biệt quần đảo Nam Du – “Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam” vào buổi tối để đến quần đảo Hải Tặc vào sáng sớm hôm sau.

Cầu cảng đảo Hòn Đốc – trung tâm của xã đảo Tiên Hải được xây dựng chắc chắn, rộng rãi. Hai bên phải, trái của cảng được kè bê tông chống sóng biển xói mòn. Từ cầu cảng đi lên, chúng tôi theo con đường bê tông sạch sẽ đi vòng về bên phải để lên Trạm Rada 625. Hai bên đường có nhiều ngôi nhà mới xinh xắn. Cuộc sống người dân trên đảo bình lặng, yên ả như trái ngược hẳn với tưởng tượng của tôi về cái tên dữ dội của đảo – Đảo Hải Tặc.

 Ngay khi lên cầu cảng, tấm biển này đã đủ sức gây tò mò cho du khách.
Ngay khi lên cầu cảng, tấm biển này đã đủ sức gây tò mò cho du khách.

Hải Tặc là một trong những địa danh ly kỳ nhất Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới. Tại sao có tên đảo như vậy? Trong lúc dừng chân quán nước mía bên đường, tôi đem tò mò ấy ra hỏi một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi có dáng vẻ ngư dân. Ông giới thiệu tên là Ngọc, nhà ở khu vực Bãi Nồm, mé bên đảo. Ông Ngọc cười cho biết, khá nhiều khách lên đảo hỏi như vậy. Sinh ra và lớn lên trên đảo, ông cũng chỉ nghe các cụ truyền miệng lại các giai thoại về tên đảo.

 Cuộc sống người dân trên đảo Hòn Đốc rất bình dị.
Cuộc sống người dân trên đảo Hòn Đốc rất bình dị.

Truyền rằng, tên gọi quần đảo Hải Tặc ra đời gắn liền với liền với sự xuất hiện của một băng cướp biển tên gọi “Cánh buồm đen” hoạt động trên vùng biển này. Chúng lấy những hòn đảo hoang trong vịnh Xiêm La làm hang ổ ẩn mình. Từ đây, bọn cướp bất ngờ xuất hiện, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay. Tiền, vàng cướp được, chúng mang lên đảo cất giữ. Vài chục năm trước, từng có người nước ngoài xâm nhập đảo với ý đồ truy tìm kho báu. Ngoài ra, lời kể về một tấm bản đồ cổ chỉ dẫn đến kho báu cất giấu trên đảo cùng với một lượng lớn tiền cổ tìm được ở đây càng khiến đảo Hải Tặc trở nên vô cùng kỳ bí và đặc biệt.

  Hòn Đốc còn rất hoang sơ.
Hòn Đốc còn rất hoang sơ.

“Lại có những câu chuyện khá rõ và dễ hiểu hơn” – ông Ngọc tỏ ra là người nắm rõ lịch sử quê hương. Ấy là cách đây khoảng 250 năm, vùng đất Hà Tiên khi đó thuộc quyền cai quản của Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích là tuyến hàng hải thương mại quan trọng, tấp nập tàu buôn nước ngoài vào buôn bán. Quân Xiêm nhiều lần sang quấy phá, bọn cướp biển cũng vì thế thừa cơ hoành hành. Chúng ẩn náu tại một số đảo nằm trên tuyến đường biển để phục kích, đánh cướp các tàu buôn. Cái tên “hải tặc” được dùng gọi cho tên đất ra đời từ đó.

Điểm đến hoang sơ hấp dẫn

Từ quần đảo Hải Tặc năm nào, giờ đảo Hải Tặc có tên gọi Hòn Đốc là trung tâm của xã đảo Tiên Hải. Toàn xã có hơn 480 hộ, với hơn 1.900 nhân khẩu, sinh sống rải rác ở các đảo Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đồi Mồi nhưng tập trung đông ở Hòn Tre Lớn – Hòn Đốc. Người dân đất đảo được biển vàng ban tặng, hậu đãi nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế như cá, tôm, ghẹ, mực, ốc... nên từ bao đời qua, ngư dân sống nhờ vào nguồn tài nguyên này.

 Du lịch tới quần đảo Hải Tặc sẽ để lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.
Du lịch tới quần đảo Hải Tặc sẽ để lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.

Không giống như Phú Quốc hay Nam Du, mặc dù là một quần đảo xinh đẹp nhưng du lịch ở đảo Hải Tặc vẫn rất hoang sơ. Trên đảo chỉ có một số nhà nghỉ kiểu homestay mới được xây dựng. Về phương tiện, du khách đến đảo có thể thuê xe đạp tự đi, hoặc thuê xe ôm sẽ có cơ hội tìm hiểu hơn về đảo qua các bác tài kiêm hướng dẫn viên. Ngoài ra, khách cũng có thể thuê thuyền đi thăm một số đảo xung quanh, theo thuyền ngư dân đi câu cá, bắt nhum (người Quảng Ninh gọi là con cầu gai), lặn ngắm san hô hay câu mực ban đêm. Môi trường biển xung quanh đảo Hòn Đốc cũng như quần đảo Hải Tặc rất sạch sẽ, ra xa bờ hơn chục mét vẫn nhìn rõ đáy. Có được điều đó, một phần người dân đảo có ý thức giữ gìn, một phần do trên đảo đã có khu xử lý rác thải (trái ngược với Nam Du).

 Những bãi cát tít tắp, sạch sẽ.
Hòn Đốc có những bãi cát tít tắp, sạch sẽ.

Nếu nghỉ qua đêm, sáng sớm, khách có thể ra cảng hoặc gặp người dân bán rong trên đường để mua hải sản, giá cả không đắt, nhờ người dân chế biến hoặc trực tiếp đốt lửa nướng trên bãi biển để thưởng thức. Khách cũng có thể mua đồ hải sản khô về làm quà, giá rẻ chỉ bằng 1/3 trên đất liền.

Bia cột mốc chủ quyền của quần đảo Hải Tặc trên đảo Hòn Đốc.
Bia cột mốc chủ quyền của quần đảo Hải Tặc trên đảo Hòn Đốc.

Đến đảo Hòn Đốc, du khách thường tìm đến cột mốc chủ quyền trên đảo, nằm bên bờ biển, ven con đường từ cảng rẽ phải lên Trạm Rada 625. Đây là cột mốc do Hải quân Việt Nam Cộng hoà dựng năm 1958, cùng đợt với một số mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Cột mốc ghi “Việt Nam Cộng hoà. Quần đảo Hải Tặc (Archipel des Pigate), vĩ tuyến 10° 10' B, kinh tuyến 120° 20' Đ. Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giong, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bờ Đập, hòn Đồi Mồi. Quần đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 26/7/1958 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam. Hải quân Việt Nam”. Từ lâu, bia chủ quyền đã trở thành niềm tự hào của người dân đảo và là điểm đến cho du khách khi đến Hòn Đốc.

 Một quảng cáo về du lịch ở Hòn Đốc.
Một quảng cáo tư nhân về dịch vụ du lịch ở Hòn Đốc.

Theo báo cáo của UBND xã Tiên Hải, năm 2019, quần đảo Hải Tặc đã đón trên 71.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 14,93% so với năm 2018; doanh thu đạt 31,5 tỷ đồng. Một đột phá trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân quần đảo Hải Tặc là cuối tháng 12/2019, điện lưới quốc gia đã được kéo ra đảo. Giống như đảo Cô Tô của Quảng Ninh, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch trên quần đảo Hải Tặc sẽ có cơ hội phát triển.

Chiều xuống nhanh trên cầu cảng Hòn Đốc. Chúng tôi xuống tàu, mang về đất liền những cảm nhận đầy thú vị về một quần đảo chứa đựng kho tàng giai thoại về cướp biển nhưng nay quá đỗi yên bình.

- Năm 2018, quần đảo Hải Tặc (và quần đảo Nam Du) đã được tỉnh Kiên Giang công nhận là Khu du lịch địa phương. Việc được công nhận là Khu du lịch địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để quần đảo này đón thêm nhiều du khách.

- Du khách có thể tới thăm quần đảo Hải Tặc vào tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, thời gian đẹp nhất là vào từ tháng 12 đến tháng 4. Đây là khoảng thời gian biển khá êm và trong xanh. Từ Hà Tiên, khách có thể đi ra quần đảo Hải Tặc bằng tàu cao tốc mất 30 phút, hoặc tàu thường thì mất 75 phút là tới đảo.

- Hiện nay, du khách nước ngoài đến Kiên Giang đa số là tham quan Phú Quốc vì được hưởng chính sách miễn thị thực trong thời gian 30 ngày. Còn các khu vực khác như quần đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc… du khách muốn đến các nơi này phải có thân nhân tại các đảo bảo lãnh hoặc là đi tour theo hình thức tham quan của công ty du lịch (công ty bảo lãnh).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tây Nam ký sự: Quần đảo Hải Tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO