Với khả năng làm mát, máy điều hòa trở thành vật không thể thiếu trong các gia đình, nhất là ở đô thị, giúp mọi người dễ "sống qua mùa hè" hơn. Nó cũng là thiết bị "ngốn" điện nhiều nhất trong gia đình.
Để hóa đơn tiền điện không đội lên quá cao, nhiều gia đình cố gắng tiết kiệm điện tối đa khi sử dụng điều hòa, trong đó có việc tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh để kiết kiệm điện. Họ cho rằng đây là cách thông minh để không những giảm lượng điện năng tiêu thụ mà còn kéo dài tuổi thọ của máy nhờ giảm thời gian vận hành. Điều này liệu có đúng?
Tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh có tiết kiệm điện?
Thực chất, cách làm này chẳng những không tiết kiệm được điện hay tăng tuổi thọ của máy mà còn khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt, máy lại nhanh hỏng hơn.
Việc tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh có tiết kiệm điện? Câu trả lời là không, thậm chí hóa đơn tiền điện còn tăng cao. (Ảnh: The National)
Mỗi khi bạn bật lại điều hòa, thiết bị cần phải hoạt động với công suất lớn hơn lúc đang chạy đều để khởi động máy nén và động cơ quạt, nhanh chóng làm lạnh căn phòng đến nhiệt độ mà bạn cài đặt. Nói một cách khác, điều hòa sẽ tiêu tốn lượng điện năng gấp khoảng 3 lần cho việc bật - tắt liên tục để duy trì được nhiệt độ lý tưởng mà bạn "ra lệnh" cho nó.
Hơn nữa, thói quen này còn ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của điều hòa và giảm tuổi thọ sản phẩm đáng kể.
Trả lời trên Vnexpress, TS Phạm Thế Vũ, khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, máy điều hòa được chia làm hai loại: Điều hòa không inveter (không tiết kiệm điện) và điều hòa có inveter.
Với máy điều hòa không inveter, khi nhiệt độ phòng đạt giá trị thấp hơn nhiệt độ bạn cài đặt 2-3 độ C, máy sẽ tự động tắt cục nóng và chỉ chạy quạt ở cục trong nhà. Lúc này, chi phí điện năng chỉ bằng quạt gió thông thường. Khi nhiệt độ trong phòng cao hơn nhiệt độ được cài đặt 2-3 độ C, máy sẽ tự động chạy cục nóng bên ngoài. Chi phí điện năng bằng công suất của máy.
Còn với điều hòa inveter, máy sẽ vẫn oạt động, nhưng tự điều chỉnh nhiệt độ lạnh sao chonhiệt độ phòng được duy trì ở mức được cài đặt và lượng điện năng tiêu thụ nhỏ nhất.
Như vậy, không nên tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh. Thay vào đó, để tiết kiệm điện, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức độ phù hợp (khoảng 25-27 độ C), hạn chế trao đổi nhiệt giữa trong phòng và bên ngoài cũng như việc phát sinh các nguồn nhiệt trong phòng.
Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện và tốt cho sức khỏe
Để tiết kiệm điện và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các chuyên gia khuyên nên duy trì nhiệt độ trong phòng điều hòa ở khoảng 25 - 27 độ C, hoặc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng chênh lệch khoảng 5 - 7 độ C so với ngoài trời.
Nếu nhiệt độ ngoài trời là 32 độ C thì bạn nên điều chỉnh điều hòa ở mức 25 - 27 độ C.
Một cách khác là vừa mở điều hòa vừa bật quạt. Nhiều người nghĩ rằng việc vận hành cùng lúc cả 2 thiết bị sẽ làm tốn nhiều điện hơn, nhưng thực chất không phải vậy. Quạt có tác dụng phân bố đều luồng khí tỏa ra và điều hòa chỉ cần thực hiện một nhiệm vụ là làm lạnh; máy làm việc ít hơn nên tuổi thọ và năng suất đều cao hơn, tiêu thụ điện ít hơn.
Theo VTC News