Tạo hiện trường giả vụ án bị xử lý thế nào?

09/03/2023 18:10

Tạo hiện trường giả có thể bị coi là thủ đoạn phạm tội trong trường hợp tạo ra nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ, qua đó chiếm đoạt tài sản của người khác.

Câu hỏi:
Vừa qua, tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc tạo dựng hiện trường bị cướp nhằm trốn tránh không trả các khoản vay nợ sắp hết hạn. Như vậy, trong những trường hợp này, người tạo hiện trường giả có phải chịu trách nhiệm hình sự không? 

Trả lời:

Thời gian gần đây, nhiều người hoang tin bị trộm, cướp tài sản, báo cháy, báo bị cóc... nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc muốn "moi" tiền của người nhà. Hành vi này ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phải tốn nhiều thời gian, công sức để xác minh, điều tra vụ việc.

Hiện nay, một số người vẫn nghĩ rằng báo tin giả sẽ không bị xử lý nên đã khai báo không đúng sự thật. Nhiều trường hợp người trình báo còn không nhận thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật và không ý thức được sự nghiêm trọng của hành vi này.

Thực tế, hành vi này gây ra rất nhiều tác hại, không chỉ làm mất thời gian, công sức điều tra của cơ quan chức năng mà còn khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự địa phương. Trong các vụ báo tin giả, trình báo sai sự thật, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an sẽ dễ dàng phát hiện. Đến khi đó, người tung tin giả sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạo hiện trường giả vụ án bị xử lý thế nào? - 1

Ngày 8/3, Nguyễn Văn Đông (ở Thái Bình) tạo hiện trường giả vụ con gái ruột bị bắt cóc  để dễ vay mượn tiền người thân trả nợ.

Theo quy định của pháp luật, hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Trường hợp báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả mức phạt sẽ từ 4 đến 6 triệu đồng.

Ngoài ra, người báo tin giả, sai sự thật còn có thể phải bồi thường nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định thiệt hại do hành vi này gây ra. Trong trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng.

Ví dụ bản thân hành vi tạo dựng hiện trường vụ cướp giả không phải là hành vi phạm tội nhưng hành vi này có thể bị coi là thủ đoạn phạm tội trong trường hợp người tạo dựng ra vụ cướp nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ và qua đó chiếm đoạt tài sản của người cho vay. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi nêu trên có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Minh Anh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tạo hiện trường giả vụ án bị xử lý thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO