Đối với ô tô mới, các mốc bảo dưỡng cần thiết thường đến khi xe đã lăn bánh 1.000 km, 5.000 km, 10.000 km, 15.000 km, 20.000 km, 40.000 km. Trong vòng đời của một mẫu ô tô mới, thời hạn bảo hành thường ở mức 100.000 km hoặc 3 năm, tùy điều kiện nào đến trước.
Khi xe đến mốc bảo dưỡng, chủ xe thường được nhân viên các đại lý chăm sóc, gọi điện nhắc nhở lịch bảo dưỡng định kỳ. Hầu hết những người sở hữu ô tô mới thường nghe lời răm rắp nhưng cũng có không ít khách hàng ngại đưa xe đến xưởng dịch vụ của các đại lý chính hãng. Lý do là bởi khách hàng có tâm lý sợ bị chặt chém và với xe mới, chỉ cần thay dầu máy, lọc xăng, lọc dầu và vệ sinh cơ bản là đủ.
Anh Q.B., trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Xe của tôi mua mới hoàn toàn. Tôi rất tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Từ mốc bảo dưỡng 5.000 km trở đi, tôi chỉ mang xe ra các garage để thay dầu máy, lọc xăng vệ sinh sạch sẽ, chi phí thường rơi vào khoảng 500.000 - 800.000 đồng. Trong khi đó, cùng mốc đó, đưa xe đến các trung tâm chính hãng, chi phí có thể lên đến 3-5 triệu đồng".
Đồng quan điểm với chủ sở hữu trên, chị N.H., làm việc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Tôi thấy bảo dưỡng xe hơi ở các đại lý chính hãng khá đắt, thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng. Vì vậy khi dùng xe mới, tôi vẫn đưa ô tô ra các gara để giảm tối đa chi phí".
Về vấn đề này, anh Thanh, chủ một gara tại bán đảo Linh Đàm, Hà Nội giải thích: "Dù biết việc bảo dưỡng xe mới tại các đại lý chính hãng có thể tốn kém hơn, nhưng tôi vẫn luôn khuyên khách hàng hết sức cân nhắc về vấn đề này. Vì ở những lần bảo dưỡng ô tô đầu tiên, nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo về các bộ phận cần kiểm tra. Và với cấu trúc phức tạp, xe sở hữu các tính năng hiện đại, người tiêu dùng nên tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất để có trải nghiệm tốt nhất".
"Mặc dù vậy, khi đưa xe đến các đại lý chính hãng, khách hàng cũng nên xem xét kỹ các gói bảo dưỡng. Chúng ta chỉ nên sử dụng các gói bảo dưỡng cơ bản, thực sự cần thiết. Hãy tránh sử dụng những gói bảo dưỡng quá cao cấp, để hóa đơn có thể lên đến hàng chục triệu đồng, chịu cảnh chặt chém", vị chủ garage bổ sung thêm.
Đồng quan điểm với anh Thanh, ông Nguyễn Mạnh Thắng, admin của diễn đàn ô tô chia sẻ: "Về bản chất, trong lịch bảo dưỡng đối với một chiếc xe mới, nhà sản xuất đã đưa ra khuyến cáo rõ ràng về các mốc thời gian, phụ tùng nên kiểm tra. Và các đại lý sẽ có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu không tuân thủ theo điều đó mà xe xảy ra tình trạng hỏng hóc, chắc chắn đại lý có quyền từ chối bảo hành".
"Vì vậy, người sử dụng ô tô hãy lưu ý rằng, trong thời hạn ô tô vẫn đang trong thời gian bảo hành mà xảy ra sự cố về chất lượng sản phẩm, cần đưa xe tới các đại lý chính hãng để có những biện pháp phù hợp nhất, chớ tự ý sửa chữa rồi có thể nhận lại rủi ro", ông Thắng nói thêm.
Cũng theo các chuyên gia ô tô, chủ sở hữu phương tiện vẫn là người quyết định về chi phí, địa điểm bảo dưỡng ô tô. Do đó, trước khi đưa ra lựa chọn, họ nên tìm hiểu kỹ để đảm bảo độ an toàn, tin cậy cho "xế cưng".