Cơ duyên nào đã giúp anh bén duyên với nghệ thuật?
Mình lớn lên trong môi trường có yếu tố nghệ thuật. Mẹ từng theo học để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, bố biết chơi nhiều nhạc cụ. Em gái biết chơi piano và mình cũng học lỏm được một chút. Nhưng do hát không hay, không chơi nhạc cụ giỏi nên mình theo đuổi một bộ môn khác - nhảy. Về mặt hình ảnh, bố vẽ rất đẹp và ông truyền lại tình yêu vẽ cho con. Mình vẽ rất nhiều từ nhỏ còn em gái đang theo học chuyên ngành Thiết kế.
Sống trong môi trường như vậy hỗ trợ anh phát triển nghệ thuật như thế nào?
Mình có điều kiện phát triển về mặt tâm hồn. Cái tôi trong nghệ thuật thường rất cao và tự do, việc được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ giúp mình khám phá ra cái tôi của bản thân tốt hơn. Mình tự hỏi: Tôi giỏi và kém cái gì? Tôi thích màu sắc nào? Tôi thích chất liệu gì trong cuộc sống? v.v…
Làm việc trong lĩnh vực sản xuất hình ảnh mang lại cho anh những lợi ích gì?
Mình làm việc cho Antiantiart từ tháng 12/2023. Trước đó mình làm freelancer (nghề nghiệp tự do), làm phim và chủ yếu là thiết kế đồ hoạ từ năm 2 đại học. Đây đều là những trải nghiệm quý giá và cho mình nhiều bài học. Bên cạnh việc trau dồi kỹ năng thiết kế hình ảnh, mình học được cách quản lý thời gian, cách nói chuyện với khách hàng và nhiều kỹ năng khác nữa.
Nghệ thuật có phải là một công việc khó?
Vấn đề đầu tiên của người hoạt động nghệ thuật là sự mâu thuẫn giữa “những gì tôi muốn” và “những gì tôi phải làm”? Cái tôi của người làm nghệ thuật rất cao và mỗi người lại có “gu” riêng. Họ đều yêu thích và trân quý cái đẹp theo cách của họ, dù đó là vẻ đẹp hình thể, âm thanh hay màu sắc. Thế nhưng sống mà chỉ có cái tôi thì không được vì chúng ta còn cần “cơm”. Họ cần tìm được điểm cân bằng.
Thứ hai, lựa chọn làm nghệ thuật là một lựa chọn khó khăn. Chúng ta vẫn thường nghe “làm nghệ sĩ nó bạc lắm”, tức là làm nghệ thuật không kiếm được nhiều tiền. Nhiều người nghệ sĩ phải sống chật vật, những gì họ tạo ra là “phi vật thể”, khó định giá. Người sống được bằng đam mê thực sự may mắn. Hoặc là họ giảm những nhu cầu cá nhân xuống đủ thấp để những gì họ kiếm được đủ nuôi sống họ, hoặc là họ thành công và có danh tiếng nhất định. Nhưng để có sự nổi tiếng, họ phải đánh đổi nhiều thứ khác. Càng được nhiều người yêu quý, mỗi bước đi của họ càng phải chuẩn xác, chỉ cần đi lệch một chút là có thể mất hết mọi thứ. Và cái mất của người có nhiều sẽ rất “khổng lồ” so với cái mất của người không có gì.
Anh có những phương pháp nào để kích thích sự sáng tạo trong tư duy nghệ thuật của mình?
Mình xem nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều blog. Từ khi làm việc ở Antiantiart và tiếp xúc với Anh Mọc (Anh Vũ Minh Đức - đồng sáng lập Antiantiart), mình có thêm một thói quen phục vụ việc sáng tạo. Đó là xem các video trên Vimeo. Website này có nhiều video mang tính hàn lâm và tính nghệ thuật, họ không làm thương mại mà đăng tải những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao nhất của mình. Những người học thiết kế hay những nhà làm phim đều đăng video trên nền tảng này. Xem những video đó giúp mình trau dồi được tư duy nghệ thuật.
Làm thế nào để anh cân bằng trong cuộc sống?
Mình không hẳn có thể cân bằng mọi thứ giỏi. Tuy nhiên như mình đã đề cập, mình là một người quy củ và có luật lệ cho bản thân nên phần nào mọi việc diễn ra khá ổn. Theo mình, bạn chỉ cần 24 giờ để biến bản thân từ một người không biết gì về một lĩnh vực nào đấy thành một người biết về nó.
Ví dụ một ngày bạn đàn đi đàn lại một bản nhạc duy nhất thì chắc chắn sau ngày hôm đó bạn sẽ học được nhiều điều mới hơn về bản nhạc đó. Nếu bạn thực sự tập trung, cố gắng và để tâm đến những thứ bạn cần phải làm thì việc bạn thực hiện nó không khó đến thế.
Sự sáng tạo Antiantiart là vô cùng khác biệt trong nghệ thuật. Theo anh, sáng tạo theo quy củ để vươn tới thành công vững chắc hay phá cách để thử những điều mới quan trọng hơn?
Chúng ta cần cân bằng giữa 2 yếu tố: quy tắc và phá cách. Antiantiart là một tổ đội không ngại thử những điều mới. Gần đây, chúng mình đang thực hiện một video mở đầu cho giải đấu JUSTE DEBOUT. Anh Phương Vũ (đạo diễn) đã phác thảo ý tưởng cho một cảnh hiệu ứng thị giác khi dancer (vũ công) nhảy sẽ có hiệu ứng gãy xương, sau đó liền lại. Sự sáng tạo đó không được khách hàng chấp nhận vì đối với họ, cơ thể dancer rất đáng trân quý.
Mình là người quy củ từ những việc nhỏ, như đúng giờ. Mình tin mọi thứ tốt nhất trong trạng thái mà nó tạo ra được thành quả một cách bền bỉ. Có thể sự phát triển không quá nhiều nhưng phải dần dần đi lên, hoặc đi ngang rồi đi lên. Để làm được điều đó, chúng ta cần quy tắc. Kể cả làm tự do như Antiantiart cũng có những quy tắc nhất định trong cách mọi người làm việc với nhau.
Ngược lại, nếu chỉ cố định bản thân vào những quy tắc thì dần dần sẽ bị tụt lại. Dám phá vỡ quy tắc không có nghĩa là vi phạm luật lệ, mà là dám thử nghiệm những cách tiếp cận mới mẻ, táo bạo, miễn là nó nằm trong khuôn khổ cho phép.
Theo anh, thế nào là thành công?
Thành công có nhiều kiểu, có thể là kiếm được tiền hoặc có được sự tôn trọng từ người khác. Tuy nhiên, dù thành công theo kiểu nào, người đó cũng cần 2 yếu tố tiên quyết: sự thông minh và hiểu chuyện.
Đạo diễn Trần Anh Hùng là một người mà mình và nhiều anh em làm nghề khác rất ngưỡng mộ. Để có nhiều hơn một bộ phim có khả năng lay động khán giả là một điều khó. Chú đã làm được điều ấy, thực sự đáng ngưỡng mộ và học hỏi.
Anh có thể gửi thông điệp tới các bạn trẻ đam mê nghệ thuật?
Ai cũng có thể vẽ những đường thẳng, ai cũng có thể tạo nên các đường cong. Những bức tranh nổi tiếng trên thế giới đều được tạo ra từ đường thẳng và đường cong. Quan trọng là bạn chịu vẽ những đường thẳng, những đường cong và vẽ đủ nhiều để tạo thành một bức tranh hay không.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh.
Tâm Lê (sinh 2002) theo học Đại học Kinh tế Quốc dân. Từ 2023 là cố vấn tại Hall of Arts Club (CLB Kịch Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), làm việc tại Antianitiart - đội ngũ làm phim trẻ bứt phá của Việt Nam, đứng sau loạt MV đình đám: Nấu ăn cho em (Đen Vâu), Nâng chén tiêu sầu (Bích Phương), Hit me up (Binz), Call Me (Wren Evans)... Năm 2024 tham gia viết lời cho ca khúc “Chân dung” (Nguyên Vũ).
"Antiantiart (AAA) là nhóm nghệ sĩ thị giác và làm phim trẻ tại Hà Nội đang “gây bão" trong giới làm phim underground lẫn quảng cáo chính thống tại Việt Nam hiện nay. Các sản phẩm hình ảnh độc đáo của họ trải dài từ thời trang, điện ảnh, tới âm nhạc, quảng cáo, thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu thích sáng tạo từ trong nước tới quốc tế. Xuất phát điểm là những thanh niên đam mê hip-hop tập tành làm phim với không tiền trong túi, AAA dần đưa mình trở thành một cái tên uy tín hợp tác cùng nhiều thương hiệu lớn như Apple, Piaggio, Netflix, 88Rising..." (NGUỒN: FANPAGE AAA)