Tại sao lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng lại được tổ chức hằng năm tại Nga?

09/05/2024 13:41

Trong nhiều thập kỷ qua, trong những cuộc điều tra xã hội học tại Nga, chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) luôn được coi là sự kiện khiến người dân Nga tự hào nhất trong thời kỳ lịch sử đương đại.

Liên Xô chịu mất mát đau thương nặng nề trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Dưới thời Liên Xô, hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng được tổ chức vào ngày 9-5 không chỉ dành để tưởng nhớ thế hệ cha anh đã chiến đấu và chiến thắng phát xít Đức, mà còn là dịp đoàn kết mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Theo các hoạt động điều tra xã hội tại Nga, cứ 6 người dân Nga thì có 1 người đã từng tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ít nhất một lần trong đời.

Điểm nhấn của Ngày Chiến thắng tại Nga chính là các lễ duyệt binh với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ cùng khí tài quân sự hiện đại và sự xuất hiện của Tổng thống Vladimir Putin và nhiều lãnh đạo đất nước khác. Điều này tạo ra sự khác biệt khi cả Mỹ và phương Tây không thường xuyên có hoạt động duyệt binh lớn để kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến lần thứ 2.

Chính sự mất mát, đau thương trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã khiến việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng là hoạt động truyền thống và quan trọng của cả Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Ảnh: Rian 

Một trong những hình ảnh biểu tượng nhất của Ngày Chiến thắng đó chính là những đóa hoa cẩm chướng dành tặng các cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và nhiều hoạt động đáng chú ý khác.

Vì nhiều lý do khác nhau, dưới thời Liên Xô, hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng thường được tổ chức khiêm tốn hơn rất nhiều so với nước Nga sau này. Sau cuộc duyệt binh quy mô lớn tổ chức vào ngày 24-6-1945 trên Quảng trường Đỏ, Liên Xô đã không tổ chức hoạt động duyệt binh kỷ niệm nào trong 20 năm sau đó.

Nhà sử học Denis Babichenko đánh giá, có nhiều vấn đề lịch sử liên quan tới những con người tham gia vào Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chính vì thế tới tận năm 1965, Ngày Chiến thắng mới được công nhận là ngày lễ quan trọng tại Liên Xô.

Dưới thời nhà lãnh đạo Leonid Brezhnev, Ngày Chiến thắng đã trở thành ngày lễ cấp nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động duyệt binh lớn chỉ được tổ chức vào những năm chẵn. Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng cuối cùng dưới thời Liên Xô được tổ chức vào năm 1990. Sau khi Liên Xô tan rã, hoạt động này bị gián đoạn tới năm 1995, khi nước Nga nối lại hoạt động duyệt binh và biến nó thành sự kiện thường niên.

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hằng năm đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân Nga, nhắc nhở họ về lịch sử anh hùng của dân tộc đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Ảnh: Rian 

Sự kiện giúp gắn kết người dân Nga

Nhà sử học Dmitri Andreev nhận xét, các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng hằng năm, trong đó có lễ duyệt binh, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước Nga hiện đại. Nó được coi như “chất kết dính” tinh thần, tính cách Nga trong một sự kiện cụ thể trong lịch sử.

“Ngày Chiến thắng và những hoạt động kỷ niệm tạo ra sự gắn kết, hòa hợp các dân tộc trong Liên bang Nga”, nhà sử học Dmitri Andreev nhận định.

Tất cả các hoạt động như duyệt binh, bắn pháo hoa, diễu hành Binh đoàn bất tử… đều mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết và tưởng nhớ về quá khứ huy hoàng của dân tộc. Chính phủ Nga luôn giữ Ngày Chiến thắng như một biểu tượng và bản sắc của nước Nga hiện đại, quốc gia kế thừa di sản của Liên Xô.

Các cuộc khảo sát của Trung tâm điều tra xã hội học Levada đã chứng minh, mặc dù có một số ý kiến phản đối các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng, nhưng đa số người dân Nga (khoảng 96%) ủng hộ việc gìn giữ truyền thống này và tiếp tục tổ chức hoạt động duyệt binh thường niên.

Mỗi người dân Nga đều biết về Ngày Chiến thắng và coi đó như hoạt động giúp kết nối và đoàn kết dân tộc. Ảnh: Lenta 

Nhiều người Nga hiện đại đã quen với việc có một lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng thường niên và mong hoạt động này được duy trì cho các thế hệ mai sau. Chị Yulia Kovaleva, cư trú ở Moscow, chia sẻ: “Ngay từ khi còn bé, tôi đã được bố mẹ cho đi xem các lễ duyệt binh hằng năm. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến những chiến sĩ trong bộ quân phục mạnh mẽ, cũng như sự hiện diện của các khí tài quân sự hiện đại. Khi nghe thấy tiếng hô “Ura”, tôi cảm thấy tự hào và được bảo vệ, đó là truyền thống tốt đẹp và nên được duy trì”.

TUẤN SƠN (theo Lenta, rbth…)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng lại được tổ chức hằng năm tại Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO