Tại sao cứ chen vào khu vực Nhà hát Lớn để xây nhà hát?

29/05/2023 16:15

Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Hà Nội đang mở rộng ra ngoại ô, tại sao cứ phải xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam chen vào khu vực Nhà hát Lớn?

Nhà hát Lớn.

Trao đổi với VietNamNet xung quanh đề xuất của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng về việc xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam đằng sau Nhà hát Lớn, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Xây thêm nhà hát tôn vinh văn hóa các dân tộc rất đáng trân trọng, nhất là với thành phố gần 10 triệu dân như Hà Nội, nhu cầu văn hóa ngày càng lớn. Nhưng trước khi triển khai, cần phải điều tra nhu cầu cần thiết, cấp bách tới mức độ nào ở thời điểm này để tìm địa điểm hợp lý chứ không nhất thiết tại Hà Nội”.

Phân tích ở khía cạnh cấp bách cần có một thêm một nhà hát, ông Dương Trung Quốc cho rằng chưa phải lúc. Ông bày tỏ lo ngại bởi thời điểm hiện tại, các nhà hát chưa sáng đèn thường xuyên.

“Tại sao chúng ta không dùng tiền xây nhà hát như thế để tăng cường nguồn lực cho các địa phương mà cứ phải đầu tư ở trung ương. Ví như Bắc Ninh có Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh rất đẹp, không gian thoáng đãng. Tại sao không xây nhà hát kiểu điển hình văn hoá của vùng miền như thế mà cứ phải làm gần Nhà hát Lớn khi Hà Nội đang mở rộng ra ngoại ô?

Trong khi đó, Nhà hát Hồ Gươm rất hiện đại gần khu vực Nhà hát Lớn sắp khánh thành, chưa biết có sáng đèn thường xuyên không, tại sao không tận dụng những cơ sở đó?”, ông Dương Trung Quốc đặt loạt câu hỏi.

Là người sống ở khu vực Nhà hát Lớn, ông Dương Trung Quốc băn khoăn không biết xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở khu vực này sẽ như thế nào. “Nhà hát Lớn, Viện Viễn Đông Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà hát Kịch Việt Nam… đều nằm cạnh nhau. Kể cả giải tỏa nhà dân khu vực gần đó, tôi thấy cũng rất bất cập, chưa hình dung nổi Nhà hát các dân tộc Việt Nam sẽ ‘mọc lên’ kiểu như thế nào”, ông Quốc nêu quan điểm.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho biết, nếu nhất nhất phải có một nhà hát xứng tầm quốc gia với tên gọi Nhà hát các dân tộc Việt Nam chắc gì nội hàm của nó đã chứa đựng đủ mong muốn của người xây dựng ý tưởng.

“Kích thích du lịch không phải dồn về Thủ đô mà tiềm năng du lịch nằm rải trên khắp cả nước. Cứ nghĩ đây là ý tưởng mới, là tư duy mới nhưng thực ra không bằng tầm nhìn của các thế hệ cha ông ta ngày xưa. Chẳng hạn việc xây dựng Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên là thể hiện tầm nhìn rất xa, mang lại lợi ích cho chính đồng bào nơi đó”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tai-sao-cu-chen-vao-khu-vuc-nha-hat-lon-de-xay-nha-hat-2148370.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tai-sao-cu-chen-vao-khu-vuc-nha-hat-lon-de-xay-nha-hat-2148370.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao cứ chen vào khu vực Nhà hát Lớn để xây nhà hát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO