Tại sao các tổ hợp ICBM hạt nhân cơ động lại là "đặc sản" của Nga?

29/09/2024 17:21

Điểm đặc biệt trong năng lực răn đe hạt nhân của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay là bên cạnh các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đặt trong giếng phóng cố định, thì còn có các đơn vị cơ động đặt trên khung gầm xe chuyên dụng hoặc đường sắt.

Những tổ hợp ICBM loại này luôn là “cơn ác mộng” đối với Mỹ và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhờ khả năng cơ động cao và được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công phủ đầu từ bất kỳ vị trí nào trên lãnh thổ rộng lớn của nước Nga. Điều này biến chúng trở thành “đặc sản” của Nga không có đối trọng trên thế giới.

Các tổ hợp ICBM cơ động Topol-M và Yars

Hiện tại, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga được trang bị các dòng ICBM chính: RS-20M Voevoda, RS-18A, RS-12M Topol, RS-12M2 Topol-M và RS-24 Yars. Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, ICBM cơ động cao RS-24 Yars cùng với dòng ICBM hạng nặng RS-28 Sarmat được coi những vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất của Nga hiện nay.

Điểm khác biệt của ICBM Topol-M và Yars chính là việc chúng được đặt trên khung gầm xe vận tải chuyên dụng, có khả năng cơ động cao. Khi tình huống chiến đấu xảy ra, các đơn vị ICBM loại này sẽ được cơ động để né tránh các đòn tấn công hạt nhân phủ đầu và đưa ra đòn giáng trả tương ứng.

Tổ hợp ICBM RS-24 Yars đặt trên khung gầm xe chuyên dụng. Ảnh: Lenta

Một điểm đặc biệt khác của ICBM Topol-M và Yars là chúng sử dụng nhiên liệu tên lửa dạng rắn có thời gian chuẩn bị, chuyển trạng thái chiến đấu và tốc độ bay, độ cao hoạt động tốt hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Việc đánh chặn ICBM nhiên liệu rắn sẽ khó khăn hơn do thời gian chuẩn bị và đối phó ngắn hơn. Điều này rất quan trọng khi muốn xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.

Cùng với đó, ICBM nhiên liệu rắn được chứa trong ống phóng kiêm bảo quản kín có cơ cấu đơn giản, không có các đường ống dẫn nhiên liệu với các tiêu chuẩn ngặt nghèo như trên ICBM nhiên liệu lỏng, ICBM nhiên liệu rắn có độ tin cậy về mặt kỹ thuật cao hơn.

ICBM nhiên liệu rắn có kích thước và khối lượng nhỏ gọn hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng, khoảng dưới 100 tấn. Nhờ yếu tố này, việc vận chuyển và ngụy trang dễ dàng hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Ngoài ra, thiết kế tin cậy, khả năng chống chịu với các biến đổi đột ngột của môi trường cũng giúp ICBM nhiên liệu rắn có khả năng sống sót cao hơn trước các đòn tấn công phủ đầu để sau đó tung đòn đánh trả.

Xét về mặt chiến lược, Topol-M và Yars được sử dụng để tung các đòn tấn công phủ đầu nhờ lợi thế của ICBM nhiên liệu rắn, còn các đòn tấn công chủ lực sẽ do ICBM nhiên liệu lỏng như RS-20M Voevoda và RS-28 Sarmat đảm nhận.

Một điểm mạnh quan trọng khác của ICBM Yars là việc được trang bị đầu đạn có thể tự cơ động quỹ đạo – MIRV. Đầu đạn MIRV sau khi rời tên lửa mẹ có thể tự thay đổi quỹ đạo bay của mình để tăng khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.

Khả năng chuyển trạng thái nhanh khiến các đòn tấn công từ ICBM cơ động rất khó đối phó. Ảnh: Topwar

Các đoàn tàu hạt nhân chiến lược

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và đồng minh từng đau đầu để xác định các đoàn tàu hạt nhân Molodets với hình dáng y hệt các đoàn tàu chở hàng hoạt động không nghỉ trong hệ thống đường sắt quốc gia Liên Xô.

Các biện pháp theo dõi của Mỹ và NATO đã bó tay với loại vũ khí này. Cơ quan phân tích ảnh vệ tinh Mỹ không thể tìm ra dấu vết các đoàn tàu hạt nhân Liên Xô bằng ảnh vệ tinh lẫn ảnh quang phổ (tìm dấu vết đồng vị phóng xạ) và nhiều phương pháp khác. Thậm chí, Mỹ đã tính tới kế hoạch triển khai các container hàng trá hình, trong lắp đặt các thiết bị giám sát tinh vi trà trộn vào hệ thống đường sắt Liên Xô để theo dõi “đoàn tàu ICBM”, nhưng cũng thất bại.

Hiện tại, công nghệ đoàn tàu hạt nhân đã được nâng cấp với tên gọi Barguzin. Nó được coi là vũ khí chiến lược của Nga đối trọng với chiến lược Tấn công nhanh toàn cầu – PGS, cũng như việc triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa giáp biên giới Nga của Mỹ và đồng minh.

Giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá, đoàn tàu hạt nhân mới Barguzin không chỉ vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO, mà còn biến học thuyết PGS của Lầu Năm Góc trị giá nhiều tỷ USD trở nên vô nghĩa. Đoàn tàu hạt nhân cũng làm hệ thống phản công của đối phương bị tê liệt, thậm chí là bị tiêu diệt. PGS chỉ đạt hiệu quả với các mục tiêu cố định hoặc đã xác định được vị trí triển khai, còn đối với Barguzin thì điều đó vô hiệu. Các thành phần lá chắn tên lửa của Mỹ áp sát lãnh thổ Nga là nhằm mục tiêu theo dõi, phát hiện sớm các vụ phóng ICBM để có phương án ngăn chặn ngay trong pha phóng đầu tiên, khi ICBM tăng tốc để lấy độ cao, không thể cơ động thay đổi quỹ đạo bay. Đối với đoàn tàu Barguzin, việc các đơn vị ICBM đặt trên tàu hỏa ẩn mình trong hệ thống đường sắt rộng lớn của Nga và có thể tung đòn tấn công bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, việc ngăn chặn sẽ là vô hiệu.

Các đoàn tàu hạt nhân luôn khiến Mỹ và phương Tây chú ý và đề phòng. Ảnh: Topwar

“Điểm mạnh của Barguzin là việc nó được thiết kế giống với các đoàn tàu chở hàng thông thường của Nga và rất khó để nhận diện được nó. Mặt khác, do được thiết kế là đơn vị tiến công chiến lược độc lập, đoàn tàu có đủ chức năng của một trung đoàn ICBM và nhận lệnh chỉ huy trực tiếp người lãnh đạo đất nước”, chuyên gia quân sự Nga Andrei Kots đánh giá.

Chuyên gia Nga Andrey Kotz nhận định, đoàn tàu hạt nhân Barguzin là “người kế thừa xứng đáng” của tổ hợp RT-23 Molodets (tên mã NATO: SS-24 Scalpel). Mỗi đoàn tàu hạt nhân Barguzin trang bị 6 đạn tên lửa ICBM RS-24 Yars có thể chuyển trạng thái chiến đấu trong vòng vài phút. Yếu tố này có thể làm bó tay những hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Hiện tại, dù chương trình phát triển Barguzin đang bị đóng băng, nhưng với việc Nga và Mỹ khó có thể gia hạn tiếp Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới thì khả năng Moscow nối lại phát triển đoàn tàu hạt nhân Barguzin là hiện hữu.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, vpk)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-cac-to-hop-icbm-hat-nhan-co-dong-lai-la-dac-san-cua-nga-796585
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-cac-to-hop-icbm-hat-nhan-co-dong-lai-la-dac-san-cua-nga-796585
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tại sao các tổ hợp ICBM hạt nhân cơ động lại là "đặc sản" của Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO