Suy ngẫm về chuyện 'nhất SEA Games nhưng tụt hậu ở Asiad'

08/10/2023 19:25

Sự thật cho thấy, đó vốn là hệ lụy của cả một thời gian dài đầu tư chưa đầy đủ cho các môn, nội dung, vận động viên trọng điểm.

Các cuộc tranh tài của Đại hội Thể thao châu Á - Asiad 19 - đã khép lại vào tối 7/10. Đoàn chủ nhà Trung Quốc giành đúng 200 huy chương vàng (HCV), thành tích chưa từng có trong lịch sử 72 năm của Đại hội. Còn đoàn thể thao Việt Nam cũng hoàn thành chỉ tiêu với 3 HCV, 5 huy chương bạc (HCB) và 19 huy chương đồng (HCĐ). "Hoàn thành chỉ tiêu", nhưng liệu chúng ta đã có thể hài lòng, và có gì đáng để suy ngẫm sau một kỳ Đại hội như vậy?

Sân chơi chung ý nghĩa và bước chạy đà hướng tới Olympic

Những ai am tường về thể thao hẳn đều có cảm giác, nếu Trung Quốc "muốn" thêm HCV nữa cũng được, nhưng họ đã quyết định chỉ dừng ở con số dễ nhớ ấy mà thôi. Với con số 200 HCV, Trung Quốc đã tự vượt qua kỷ lục 199 HCV năm 2010, khi họ là chủ nhà của Asiad 16.

Vị trí số một châu Á của thể thao Trung Quốc bắt đầu xác lập từ Asiad lần thứ 9 ở Ấn Độ vào năm 1982 (lần đầu vượt qua cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc). Cụ thể hơn, tốp 3 của thể thao châu Á gồm "bộ 3" Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hình thành từ Asiad 8 năm 1978 tới nay, và từ Asiad năm 1982 thì chỉ có sự thay đổi ở vị trí số 2 và 3 giữa Nhật Bản với Hàn Quốc mà thôi.

Suy ngẫm về chuyện nhất SEA Games nhưng tụt hậu ở Asiad - 1

Asiad 19 đã khép lại (Ảnh: Getty).

Lần này, Nhật Bản, chủ nhà của Asiad 20 năm 2026, giành được 51 HCV, lấy lại vị trí thứ 2 châu Á từ tay Hàn Quốc sau 29 năm chờ đợi (từ khi làm chủ nhà ở Asiad Hiroshima 1994). Nhưng con số ấy cũng chỉ tương đương hơn... 1/4 số HCV của Trung Quốc một chút mà thôi. Vậy mới thấy khoảng cách của trình độ thể thao đỉnh cao Trung Quốc vượt xa so với phần còn lại của châu Á như thế nào. Công tác tổ chức của Asiad 19 cũng vô cùng ấn tượng, chu đáo và chuyên nghiệp đến mức... chả chê được vào đâu.

Từ đây, giới quan sát của thể thao châu lục đang chờ đợi một cuộc cạnh tranh gay cấn mới giữa Trung Quốc với nền thể thao số một thế giới - Mỹ - tại Olympic Paris 2024 sắp tới. Liệu kỷ lục mới ở Asiad có đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ vươn lên số một thế giới tại kỳ Olympic mà họ không phải chủ nhà hay không (lần duy nhất Trung Quốc từng đứng đầu bảng tổng sắp huy chương của Olympic là tại Bắc Kinh 2008)?

Với các nền thể thao lớn khác của châu lục đông dân nhất hành tinh, Asiad 19 cũng chính là cơ hội tuyệt vời để tạo đà hướng tới đỉnh cao Olympic vào năm tới.

Những suy ngẫm đằng sau một kỳ Á vận hội "hoàn thành chỉ tiêu"

Riêng với các đoàn thể thao thuộc khu vực Đông Nam Á, Thái Lan khẳng định họ vẫn là "anh cả" theo đúng nghĩa với 12 HCV, 14 HCB và 32 HCĐ, xếp hạng 8 chung cuộc. Còn Việt Nam có 3 HCV, 5 HCB và 21 HCĐ, đứng thứ 21 châu lục, hạng 6 trong các đoàn thể thao Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore). Rõ ràng, dù kém Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua, nhưng với nhiều thế mạnh được sự đầu tư có chiều sâu, nền thể thao đỉnh cao của xứ sở chùa Vàng đã vượt xa chúng ta ở sân chơi châu lục.

Tại Asiad lần này, Thái Lan là đoàn cử đông vận động viên tham dự nhất (thậm chí còn hơn cả chủ nhà Trung Quốc). Và họ cũng là nước duy nhất có tới 11 kênh truyền hình trực tiếp (hoàn toàn miễn phí) các môn thi của Đại hội. Thái Lan đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền phát sóng, còn với chúng ta thì người hâm mộ vẫn hỏi nhau là "xem ở đâu?".

z47439594339199777001bcaab509e472eaebf8288a4fa-1696443685774.jpg
Thể thao Việt Nam hoàn thành mục tiêu tại Asiad 19

Trong quá khứ, Thái Lan cũng từng có tới 4 lần là chủ nhà của Asiad, nhiều lần góp mặt trong tốp 10 (thậm chí từng đạt tới hạng 4 của Đại hội). Có thể khẳng định, sự đầu tư của họ dành cho thể thao vượt chúng ta rất xa, và đã từ rất lâu, vì vậy rất khó để so sánh.

Với 29 tấm huy chương (trong đó có 3 HCV), đoàn thể thao Việt Nam đã rất cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu, nhưng chưa thể cải thiện ngay thứ hạng như mong muốn. Không phải tự nhiên mà chỉ tiêu huy chương vàng của đoàn dao động trong một biên độ lớn đến thế (từ 2-5), bởi chúng ta thiếu những vận động viên chủ lực đang ở phong độ cao nhất có thể (đủ tạo niềm tin cạnh tranh huy chương vàng). Nói như những gì ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, tâm tình với báo giới trong nước trước khi bế mạc Đại hội, việc chúng ta đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore cũng không phải bất ngờ.

Mỗi quốc gia đều có những thế mạnh riêng ở một vài môn thể thao, và có sự đầu tư mạnh mẽ cho các niềm hy vọng ấy. Trong khi đó, bên cạnh kết quả thi đấu ở một số nội dung chưa được như kỳ vọng, thì vấn đề mấu chốt là sự đầu tư, chăm lo cho thể thao thành tích cao của Việt Nam còn nhiều điều bất cập, chưa thể giải quyết trong "ngày một, ngày hai"…

Tình trạng "nhất SEA Games nhưng tụt hậu ở Asiad" đương nhiên là đáng suy nghĩ. Nhưng sự thật cho thấy, đấy vốn là hệ lụy của cả một thời gian dài đầu tư chưa đầy đủ cho các môn, nội dung, vận động viên trọng điểm.

Trong bối cảnh kinh phí từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp chúng ta còn thiếu sự đồng bộ giữa Trung ương với địa phương, thiếu các nguồn lực xã hội từ các Liên đoàn - hiệp hội thể thao quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn lực tiềm năng cực lớn từ xổ số thể thao chưa được khai thác do còn nhiều vướng mắc.

Cũng bởi thiếu kinh phí nên thể thao Việt Nam chưa thể áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao thành tích cao… Rõ ràng, để tạo nên sự phát triển một cách vững chắc ở tầm cỡ châu lục, thể thao Việt Nam rất cần có sự đầu tư đồng bộ, toàn diện và những tư duy thật sự đột phá trong một thời gian dài.

Không có gì để nghi ngờ vào tác động tích cực của thể dục thể thao với đất nước nói chung, người dân Việt Nam nói riêng. Những biển người xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại vòng chung kết bóng đá U.23 châu Á, AFF Cup 2008 hay AFF Cup 2018 đã nói lên tất cả.

Nhưng sự thật cũng cho thấy, ngay cả vị thế của "ngành thể dục thể thao"  theo nghĩa một hệ thống hoàn thiện, từ cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất ở Trung ương tới các địa phương vẫn chưa tương xứng với sự kỳ vọng và tiềm năng phát triển.

Rất nhiều điều đáng suy ngẫm sau một kỳ Á vận hội như thế này. Và cũng rất rõ ràng, chúng ta cần có nhiều sự thay đổi một cách đồng bộ để mong sẽ có bước phát triển mới, thực sự nâng tầm thể thao nước nhà trên đấu trường châu lục, thay vì những sự oán trách, hay những lời hô hào chủ quan duy ý chí!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Suy ngẫm về chuyện 'nhất SEA Games nhưng tụt hậu ở Asiad'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO