Sữa giả qua mặt quản lý khi tự công bố, livestream bán hàng

Lệ Hà| 15/04/2025 12:11

Lỗ hổng trong quản lý và thiếu kiểm tra nghiêm ngặt đã tạo cơ hội cho sữa giả xâm nhập, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sữa giả qua mặt quản lý khi tự công bố, livestream bán hàng
Một trong số loại sữa giả bị cơ quan chức năng thu giữ để điều tra. Ảnh: P.Tâm

Sữa giả tiêu thụ qua các kênh không chính thức

Vụ sữa giả bị Bộ Công an triệt phá liên quan đến Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, với quy mô lớn và doanh thu gần 500 tỉ đồng. Các sản phẩm sữa giả này chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh không chính thức, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý.

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết về vụ triệt phá đường dây sản xuất sữa giả, Bộ Công Thương không quản lý trực tiếp sản phẩm của các công ty này mà chỉ kiểm tra khi phát hiện vi phạm trong phạm vi chức năng. Các sản phẩm này chủ yếu được phân phối qua các kênh không chính thức, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Để tăng cường quản lý, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các kênh bán nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử, và mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế và ngành nông nghiệp để ngăn chặn sữa giả và không đảm bảo chất lượng. Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát và đề xuất cải thiện cơ chế phối hợp liên ngành nhằm xử lý hiệu quả các hành vi gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm.

Tăng cường hậu kiểm

PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, sữa giả có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và người có bệnh nền. Hiệp hội sữa Việt Nam kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả để bảo vệ người tiêu dùng và niềm tin vào ngành sữa.

Hiệp hội đã gửi công văn tới các bộ Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu tăng cường phòng chống hàng giả trong ngành sữa. Tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền, đang gia tăng và chủ yếu tiêu thụ qua các kênh trực tuyến.

PGS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - cho biết, các sản phẩm sữa giả hiện chủ yếu nhắm tới nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có bệnh nền. Những sản phẩm này thường được rao bán trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, livestream… dưới dạng "thần dược", khiến công tác kiểm soát và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, hậu kiểm và xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm sản xuất và phân phối sữa giả trên toàn quốc. Hiệp hội cũng cam kết sẽ đồng hành cùng cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sữa giả.

​Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - cho rằng, ​sau gần 7 năm thực thi, nhiều nội dung trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 02.02.2018, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã bộc lộ bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.​

Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (dự thảo sửa đổi Nghị định 15). Một trong những điểm có đề cập đề xuất cơ quan quản lý kiểm soát các hồ sơ do doanh nghiệp tự công bố để tránh tình trạng doanh nghiệp tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất, tự quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm.

Dự thảo quy định kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm; bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm để kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, yêu cầu công bố lại khi thay đổi các yếu tố quan trọng của sản phẩm (tổ chức cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất; xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần, khối lượng thành phần) và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm sau công bố.

Dự thảo Nghị định 15 vẫn duy trì các quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hiện hành, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố. Tuy nhiên, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được UBND cấp tỉnh chỉ định phải đăng tải hồ sơ tự công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị trong 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; đồng thời phải rà soát hồ sơ trong vòng 3 tháng sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện tự công bố (về phân loại sản phẩm, công dụng, đối tượng sử dụng, thành phần) đảm bảo sản phẩm được công bố đúng bản chất, đúng quy định."Việc công bố thành phần và định lượng hoạt chất trong sản phẩm thực phẩm chức năng chưa được quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng quảng cáo sai sự thật và thiếu minh bạch. Ông đề xuất cần có thông tư bổ sung quy định về tiêu chuẩn chất lượng và định lượng của sản phẩm, yêu cầu doanh nghiệp phải công bố rõ ràng hàm lượng các thành phần nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng", ​dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/sua-gia-qua-mat-quan-ly-khi-tu-cong-bo-livestream-ban-hang-1491748.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/sua-gia-qua-mat-quan-ly-khi-tu-cong-bo-livestream-ban-hang-1491748.ldo
    Nổi bật
        Mới nhất
        Sữa giả qua mặt quản lý khi tự công bố, livestream bán hàng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO