Bánh mì Xin Chào là thương hiệu của hai anh em Bùi Thanh Duy (37 tuổi) và Bùi Thanh Tâm (32 tuổi) trên đất Nhật Bản sau nhiều nỗ lực, trăn trở. Tâm và Duy là những lưu học sinh đã có nhiều năm sinh sống, học tập, làm việc tại đất nước Nhật Bản.
Khi phải xếp hàng dài ở Tokyo để mua một ổ bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, hai chàng trai đã có ý tưởng mang ẩm thực đường phố của Việt Nam để khởi nghiệp tại Nhật Bản, đồng thời cũng là cách để quảng bá văn hóa quê hương ra thế giới.
Thực khách đông đúc tại quán Bánh mì Xin Chào ở Nhật Bản (Ảnh: FBNV). |
Bắt tay vào dự án khởi nghiệp, hai anh em vấp phải không ít khó khăn, phải huy động vốn từ gia đình kết hợp với sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản; phải tìm người bảo lãnh bản địa, tìm xưởng nhận sản xuất bánh mì theo kiểu Việt Nam, tìm địa điểm mở quán, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng khắt khe của người Nhật...
Đến tháng 10/2016, một cửa hàng nhỏ mang tên Bánh mì Xin Chào đã ra mắt trên phố Waseda Dori. Quán lựa chọn tên là Xin Chào, câu nói đơn giản mà bất cứ người nước ngoài nào muốn tìm hiểu về ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam sẽ nghĩ đến. Phiên bản bánh mì ở đây được học hỏi từ bánh mì Phượng (Hội An), cũng gồm nước sốt, bơ, pate, thịt xá xíu,... nhưng được điều chỉnh một chút để ra công thức cuối cùng.
Sau 4 tháng mở ra, cửa hàng bán được khoảng 200 ổ bánh mì mỗi ngày, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/ổ. Đến nay, hệ thống Bánh mì Xin Chào có 15 điểm bán, phục vụ khoảng 1.800 suất ăn mỗi ngày với nhiều loại bánh mỳ truyền thống Việt Nam như bánh mỳ chả, bánh mỳ ốp la... Dự kiến thời gian tới, Bánh mì Xin Chào sẽ đẩy mạnh nhượng quyền và tìm kiếm đối tác để mang bánh mỳ Việt không chỉ đi khắp Nhật Bản mà còn sang cả nhiều quốc gia khác.
Theo ông Bùi Thanh Tâm, đồng sáng lập Bánh mì Xin Chào, khởi nghiệp chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng ở một quốc gia đang già hóa, nổi tiếng khó tính như Nhật Bản. Bởi vậy, khi bắt đầu dự án phải lên một kế hoạch rõ ràng, tìm hiểu rõ thị trường, thị hiếu khách hàng, tiềm năng phát triển, tính pháp lý và một bạn đồng hành. "Phần còn lại là sự nỗ lực, niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt vào những gì mình đã chọn và không ngừng học hỏi, tin rằng mình sẽ sớm thành công", ông nói.
HSC STATION, doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu có trụ sở ở thành phố Fukuoka, miền Nam Nhật Bản cũng có khởi đầu là một cửa hàng bán lẻ trên khu phố Hakozaki, quận Higashi, thành phố Fukuoka. Từ khi ra đời vào tháng 11/2017 đến nay, HSC STATION đã có thêm 2 điểm bán lẻ, 1 cửa hàng online, 2 tổng kho buôn bán với diện tích hơn 500m2, cung cấp hàng hoá cho gần 1.000 đối tác là cửa hàng, tiệm tạp hoá của người Việt, người Trung Quốc và người bản địa trên khắp nước Nhật. Ngoài ra, HSC STATION còn mở thêm hình thức nhượng quyền thương hiệu để hỗ trợ cho các bạn trẻ Việt nam có ý định lập nghiệp, định cư lâu dài tại Nhật Bản.
Một cửa hàng HSC STATION ở Fukkodai (Ảnh: VOV). |
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Thanh Hoàng, một thành viên sáng lập nên HSC STATION kể, những ngày đầu tiên, cửa hàng bày bán khá ít mặt hàng, danh mục nghèo nàn và được trưng bày trong một tiệm tạp hoá vỏn vẹn 60 m². Nhưng rồi doanh nghiệp nỗ lực không ngừng, bổ sung thêm đầu mục sản phẩm, thêm hàng hoá, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng mỗi lúc một hài lòng. Từ cuối năm 2021, HSC STATION mạnh dạn đầu tư vào thương hiệu Asia no eki, mở siêu thị đồ châu Á quy mô lớn nhất Nhật bản với gần 1.000 mã sản phẩm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để xâm nhập vào mảng khách hàng quốc tế và người bản địa. Mảng này vốn từ trước đến nay thuộc về các siêu thị đồ châu Á của các ông lớn địa phương như Kaldi, Gyomu... Asia no eki hiện nay đã có 2 chi nhánh tại Fukuoka.
Đối với thị trường được mệnh danh là khó tính với những tiêu chuẩn cao về chất lượng như Nhật Bản, việc đưa được hàng Việt vào là một điều không hề dễ dàng. Nhưng HSC STATION và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư HSC tại Việt Nam (HSC Investment Corp) luôn kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức OEM, trải qua rất nhiều khâu nghiên cứu phát triển để cho ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn Nhật mà vẫn giữ nguyên hương vị Việt và đã thành công nhập khẩu thành công rất nhiều thương hiệu Việt vào Nhật. Trong đó tiêu biểu có thương hiệu: Bánh tráng Tinh Nguyên, đỗ xanh, các loại túi nilong và túi hút chân không…