Sống chung khi chưa kết hôn: Tiền ai người nấy giữ, sinh hoạt phí thì chia cách nào cho rạch ròi?

11/10/2023 08:16

Sống chung khi chưa kết hôn, nhiều cặp đôi cho rằng điều đầu tiên cần lưu ý chính là nên thẳng thắn, sòng phẳng chuyện tiền bạc.

Đối với một bộ phận người trẻ hiện đại, quan điểm về việc sống chung trước khi cưới được nhìn nhận khá cởi mở, thoải mái. Bởi thực tế ngoài tình cảm, kết hôn là cột mốc quan trọng cần cả hai người phải chuẩn bị nhiều hơn thế. Từ việc thấu hiểu tính cách, quan điểm sống của nhau đến lối chi tiêu, vấn đề tài chính đều cần chia sẻ rõ ràng.

Do đó, không ít người quan niệm, sống chung trước hôn nhân như một “phép thử” để biết cả hai có thực sự phù hợp để kết hôn. Bên cạnh đó, việc sống cùng nhau cũng là một cách hay trong việc tiết kiệm khi có người cùng san sẻ gánh nặng tài chính như tiền nhà, tiền sinh hoạt,...

Tuy nhiên vì chưa phải vợ chồng, cần quản lý chi tiêu ra sao khi sống chung cũng là câu hỏi mà những người trẻ đặt ra: “Nên gộp vào quỹ chung một người nắm hay mạnh ai người đó chi?”. Dưới đây là chia sẻ của những cặp đôi đã và đang sống chung về quan điểm tài chính, tiền bạc.

- Minh Hoàng (28 tuổi, Hà Nội) đang làm công việc tự do, đã có hơn 1 năm sống cùng bạn gái.

- Trang Ngân (26 tuổi, TP.HCM) đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, mới quyết định sống chung 7 tháng.

Sống chung khi chưa kết hôn: Tiền ai người nấy giữ, sinh hoạt phí thì chia cách nào cho rạch ròi?-1

Mỗi người đảm nhiệm một phần, tiền ai người đó tự quản lý

Đều đã có thời gian tìm hiểu đối phương khá lâu và dự định sẽ tổ chức đám cưới trong tương lai gần nên các cặp đôi mới quyết định dọn về sống chung để hiểu nhau hơn. Nguyên tắc đầu tiên mà cả Minh Hoàng và Trang Ngân cho biết đều thỏa thuận trước với người yêu mình chính là phải thẳng thắn và sòng phẳng trong vấn đề tài chính.

Minh Hoàng chia sẻ: “Với mình, tiền bạc phân minh là cách tốt nhất để giữ sự tốt đẹp cho mọi mối quan hệ. Do vậy, trước khi dọn về ở chung, mình và bạn gái đã cùng ngồi xuống và cởi mở bày tỏ về thói quen chi tiêu của cả hai. Có một điều mình rất thích ở bạn gái, cô ấy không bao giờ hỏi mức thu nhập cụ thể của mình là bao nhiêu. Thay vào đó, người yêu mình sẽ hỏi về mong muốn đóng quỹ chung hay tự quản lý tài chính cá nhân khi về ở chung”.

Sống chung khi chưa kết hôn: Tiền ai người nấy giữ, sinh hoạt phí thì chia cách nào cho rạch ròi? - Ảnh 1.
Nhiều bạn trẻ cho rằng nguyên tắc đầu tiên khi sống chung là phải thắng thắn, sòng phẳng trong tài chính (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Được biết, Minh Hoàng may mắn khi đã có sẵn nhà ở Hà Nội nên khi đưa người yêu về ở cùng, cả hai không mất chi phí thuê nhà. Tuy nhiên, các khoản chi khác xoay quanh cuộc sống thường ngày cũng được cặp đôi hoạch định và phân công rõ ràng, mỗi người sẽ có trách nhiệm chi trả một phần.

“Chúng mình quyết định không đóng quỹ chung mà sẽ phân chia mỗi người đảm nhiệm một phần. Vì mình làm tự do, ở nhà nhiều hơn là ra đường nên khoản điện, nước trong nhà mình sẽ chi trả. Còn người yêu mình cần ra ngoài nhiều hơn, cô ấy sẽ lo chi phi xăng xe, cơm nước.

Hoặc như khi đi du lịch, mình sẽ tìm chỗ ở và lo chi phi này còn bạn gái sẽ đảm nhận phần di chuyển. Nghe có vẻ rạch ròi nhưng chúng mình vẫn áp dụng tốt và hòa hợp trong hơn 1 năm nay”, Minh Hoàng nói.

Tuy nhiên, Hoàng cũng cho hay cả hai sẽ có trách nhiệm với những khoản lớn, chung còn những chi phí như đi hẹn hò, mua quà,... vẫn du di tùy theo từng tình huống. “Phần lớn khi ra ngoài, mình sẽ dành phần trả tiền. Bạn gái cũng chủ động đưa ra lựa chọn rằng có thể chia đôi hoặc cô ấy sẽ mời lại một bữa khác. Nói chung vẫn là thẻ ai người đó quẹt, thẳng thắn, thoải mái mà vẫn tiết kiệm”, Minh Hoàng bày tỏ.

“Qua rồi thời bố mang một phong bì lương về đưa cho mẹ”

Tương tự Minh Hoàng, Trang Ngân và bạn trai của mình cũng lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng trước khi sống chung. Chỉ có điều, Trang Ngân và bạn trai lựa chọn vẫn sẽ góp quỹ chung nhưng cả hai cùng quản lý, không để trách niệm nắm giữ riêng cho một người nào.

Theo đó, thay vì đóng bao nhiêu phần trăm trên tổng số thu nhập, Trang Ngân và bạn trai lựa chọn cân đối 1 con số mà cả hai cảm thấy thoải mái khi góp quỹ chung. “2 triệu, 3 triệu hay 5 triệu,... cả hai đứa mình sẽ đóng bằng nhau. Quỹ này sẽ dành cho toàn bộ các chi tiêu chung như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống,... Còn những khoản phục vụ cá nhân như mua sắm đương nhiên mỗi người đều tự quẹt thẻ”, Trang Ngân nói.

Trang Ngân chia sẻ thêm: “Ngày đầu tháng, tiền lương tự đổ về tài khoản của mỗi người. Sau đó, chúng mình góp vào quỹ chung và mở thành 2 thẻ ghi nợ cùng 1 tài khoản. Với thẻ này, chúng mình có thể thanh toán, chuyển khoản trong hạn mức số tiền có sẵn trong tài khoản. Như vậy rất tiện trong việc chi tiêu chung, ai cũng có thể thực hiện và đối phương vẫn có thể biết.

Thời bố mẹ mình mới dùng tiền mặt chủ yếu còn chúng mình giờ đề chuyển qua các hình thức áp dụng công nghệ 4.0. Quản lý chi tiêu cặp đôi cũng vì thế mà khác đi. Qua rồi thời bố mang một phong bì lương về đưa mẹ, chúng mình giờ độc lập hơn trong tài chính. Không cần phải phân ai nắm giữ, chỉ cần thẳng thắn bày tỏ quan điểm và thống nhất với nhau là được”.

Ngoài ra, với cách chi tiêu không cần dùng tiền mặt này, Trang Ngân cho biết mỗi người lại học được thói quen tiết kiệm hơn. Không những vậy, cô nàng cũng bày tỏ những cuộc trò chuyện về tiền bạc giữa hai người sẽ càng cần duy trì nhiều hơn ở thời điểm đã kết hôn, trở thành vợ chồng.

“Khi kết hôn, chúng mình sẽ có thêm chi phí nội ngoại. Do đó vẫn cần hai người cùng bàn bạc thẳng thắn với nhau để có phương án chi tiêu phù hợp nhất. Còn lại, chúng mình vẫn duy trì lối sống không tiền mặt, quản lý tài chính chung và riêng qua giao dịch trên thẻ. Như vậy vừa minh bạch lại tiện lợi, không cần ghi nhớ quá nhiều”, Trang Ngân chia sẻ.

Theo Phụ nữ mới

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sống chung khi chưa kết hôn: Tiền ai người nấy giữ, sinh hoạt phí thì chia cách nào cho rạch ròi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO