Sống bằng lương hưu

29/06/2023 09:30

Trong số 3,4 triệu người đang nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng chỉ có 500 người hưởng mức lương từ 20 triệu đồng trở lên trong khi đa số hưởng lương rất thấp, chỉ 5 triệu đồng.

Lo lương hưu không đủ sống

Chị bạn tôi là nhân viên y tế trong một bệnh viện Trung ương tại Thủ đô Hà Nội. Với mức thu nhập thực tế bao gồm lương, các khoản trợ cấp độc hại, tiền trực đêm,… bình quân mỗi tháng chị nhận được chưa đến 8 triệu đồng. Còn chồng chị có thu nhập cao hơn chút, khoảng 9 triệu đồng.

Với mức thu nhập từ công việc chính của hai vợ chồng chưa đến 17 triệu đồng mỗi tháng, chị vừa chi tiêu rất dè dặt, vừa phải làm thêm bán hàng online mới kiếm đủ tiền để nuôi được 2 con nhỏ đang tuổi ăn học giữa Thủ đô đắt đỏ.

Cuộc sống hiện tại với bộn bề lo toan là thế, nhưng khi nghĩ đến lúc về già chỉ có thể trông chờ vào lương hưu, chị lại không giấu nổi muộn phiền.

Bởi lẽ, với mức lương làm căn cứ đóng BHXH chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng trong bệnh viện, nếu tham gia BHXH cho đến khi nghỉ hưu, mức lương hàng tháng chị nhận được sẽ “không đủ sống” nếu như không có tích cóp.

Lo lắng của chị bạn tôi cũng đang là nỗi lo của hàng triệu người lao động đang tham gia hệ thống BHXH, nhất là những người làm công chức, viên chức nhà nước. Với mức lương thực tế hiện nay không cao, khi đóng BHXH ở mức “tượng trưng” đến khi về già lương hưu sẽ rất thấp.

Báo cáo đánh giá tác động về đề xuất tăng lương từ 1/7 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người đang nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng với mức bình quân chỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Dù mức lương hưu luôn được điều chỉnh nhưng thực sự đây là mức thấp với những người hết tuổi lao động.

Bình quân lương hưu của người lao động trên cả nước chỉ 5 triệu đồng. (Ảnh: BHXH)

Còn theo BHXH Việt Nam, trong số những người hưởng lương hưu cao chỉ có chưa tới 500 người nhận mức từ 20 triệu đồng/tháng trở lên, trong đó có 382 trường hợp lương hưu từ 20-30 triệu đồng/tháng; có 80 trường hợp nhận lương hưu từ 30-50 triệu đồng/tháng; 9 trường hợp lương hưu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Người cao nhất là ở TP.HCM nhận hơn 124 triệu đồng/tháng.

Các trường hợp nhận lương hưu cao đều làm lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân, với thời gian đóng dài, mức đóng cao. Khi thời điểm trước năm 2007, tiền lương tính đóng BHXH chưa khống chế trần nên những người này tham gia đóng BHXH với mức rất cao.

Muốn lương hưu cao phải tăng mức đóng

Lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian tham gia BHXH. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH. Do vậy đóng cao hưởng cao là đương nhiên.

Tuy nhiên chính sách hưu trí cần phải có sự chia sẻ để không tạo ra sự bất bình đẳng, chênh lệch quá lớn giữa những người tham gia.

Điển hình như trường hợp đang nhận mức lương hưu cao nhất cả nước hiện nay hơn 124 triệu đồng mỗi tháng, nếu từ ngày 1/7 lương hưu tăng thêm 12%, lập tức lương người này tăng thêm 15 triệu đồng/tháng.

Trong khi 2,3 triệu người đang nhận chế độ từ quỹ BHXH với mức lương hưu bình quân chỉ 5,6 triệu đồng/tháng, khi lương hưu tăng 12% thì mỗi người chỉ thêm khoảng 700 nghìn đồng/tháng.

Có thể thấy việc tăng lương hưu tính theo tỷ lệ chung, nên người lương hưu cao được tăng nhiều hơn so với đa số những người hưởng mức thấp, chưa đảm bảo được tính chia sẻ của BHXH.

Bất cập này đã được các cơ quan làm chính sách nhận ra nên đã có sửa đổi quy định về mức BHXH.

Do đó, từ 2017 Luật BHXH đã quy định trần tiền lương tính đóng BHXH chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương khoảng 29 triệu đồng/tháng.

Lương hưu thấp ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh cho người lao động khi về già (Ảnh minh hoạ).

Tất nhiên nếu người lao động muốn đóng BHXH cao hơn thì vẫn có thể tham gia Bảo hiểm hưu trí bổ sung theo luật BHXH quy định.

Quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu; nếu tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn đảm bảo có lương hưu cao.

Thực tế cho thấy, những người hưởng lương hưu cao đa số làm việc ở các doanh nghiệp có mức đóng BHXH sát với thu nhập thực tế. Mức đóng cao ,thời gian dài nên lương hưu cao. Trong khi đa số những người có mức lương hưu thấp mức lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ hơn mức lương cơ bản, không sát với thu nhập.

Do vậy cùng với việc kéo giảm mức trần đóng BHXH thì Luật BHXH cần phải quy định tăng mức đóng sát với thu nhập thực tế của người lao động, ít nhất phải bằng 70 - 80% thu nhập hàng tháng để người lao động khi về gia đảm bảo có mức lương hưu đủ sống.

Việc tăng mức đóng cần quy định bắt buộc, nhất là trong bối cảnh Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu đang nhận được ủng hộ lớn từ người lao động.

Khi thời gian tham gia BHXH ngắn bắt buộc phải tăng mức đóng thì lương hưu mới đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già.

Mà đó là nhu cầu chính đáng của tất cả những người đã, đang và sẽ đóng BHXH, nếu không muốn cậy đến con khi về già, lúc đã sức cùng lực kiệt.

Vũ Văn Điệp

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sống bằng lương hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO