Triều Tiên cáo buộc máy bay không người lái mang truyền đơn của Hàn Quốc đã xâm nhập không phận thủ đô Bình Nhưỡng ít nhất 3 lần trong tháng này.
Để đáp trả, trưa 15/10, Triều Tiên đã kích nổ mìn, phá hủy một phần 2 con đường nối với Hàn Quốc ở biên giới liên Triều. Hàn Quốc đã chỉ trích động thái của Triều Tiên. Quân đội nước này cho biết đang tiếp tục theo dõi sát tình hình và tham vấn đồng minh Mỹ.
Căng thẳng Hàn - Triều gia tăng, vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga - Ukraine, với một mắt hướng đến các hành động của Bắc Kinh, đã khiến các chuyên gia đặt câu hỏi liệu động thái cứng rắn của Triều Tiên có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột mới bùng phát hay không.
Vậy sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Triều Tiên có gì đáng chú ý?
Những con số
Triều Tiên được cho là một trong những quốc gia quân sự hóa nhất thế giới, với "một trong những lực lượng quân sự thông thường lớn nhất thế giới", Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) cho biết trong một tài liệu năm 2021.
Các số liệu do công ty thu thập dữ liệu và trực quan hóa Statista công bố cho thấy chi tiêu quân sự của Triều Tiên có thể đã đạt tới một phần ba GDP của nước này vào năm 2022, tăng đáng kể so với những năm trước, khi Triều Tiên chỉ dành chưa đến một phần tư GDP cho quân đội. Con số này đứng thứ hai - sau Ukraine - về tỷ lệ GDP được phân bổ cho quốc phòng.
Statista cho biết vào năm 2022, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc chiếm khoảng 2,5% GDP của nước này, tương đương với chi tiêu quốc phòng thông thường của các nước NATO và các đồng minh thân cận.
Nhìn chung, Triều Tiên có lực lượng quân sự nhiều gấp đôi so với Hàn Quốc ở phía nam, như Statista đã chỉ rõ trong dữ liệu được công bố vào tháng 6/2023.
Triều Tiên có "lực lượng nhân lực vượt trội" và lợi thế luôn thuộc về Bình Nhưỡng về mặt số lượng tuyệt đối, Andrew Yeo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings và là giáo sư tại Đại học Công giáo Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một nhóm nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại London, vào đầu năm 2023, Triều Tiên có khoảng 1,28 triệu quân nhân thường trực trong lực lượng vũ trang và 600.000 quân dự bị. Hàn Quốc có khoảng 555.000 quân nhân thường trực và hơn 3 triệu quân dự bị.
So sánh về các vũ khí thông thường khác, Bình Nhưỡng cũng vượt qua Seoul. Nước này có 71 tàu ngầm so với 19 tàu của Seoul. Nước này có hơn 3.500 xe tăng chiến đấu chủ lực so với 2.149 xe tăng của Hàn Quốc. Triều Tiên đã thử bom hạt nhân, trong khi Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Chuyên gia Yeo nói với Newsweek rằng, phần lớn vũ khí thông thường của Triều Tiên là loại cũ hơn, từ thời Liên Xô và kém xa khả năng công nghệ tinh vi mà Seoul sở hữu, đặc biệt là với sức mạnh không quân của nước này.
Nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang thông thường giữa hai quốc gia, "giả định là Hàn Quốc sẽ có thể tự mình chống đỡ", ngay cả khi không có liên minh với Mỹ, ông Yeo nói.
Yeo cho biết quân đội Triều Tiên, với tất cả quy mô của mình, vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện sâu rộng mà Hàn Quốc đã đạt được thông qua các cuộc tập trận quân sự với những nước như Mỹ.
"Thực sự không chỉ là về số lượng, mà còn là chất lượng vũ khí và năng lực", chuyên gia Yeo cho biết.
Khả năng tên lửa của Triều Tiên
Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo là một trong những nguồn lo ngại lớn nhất đối với Seoul, Washington và Tokyo. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tập trung vào việc xây dựng năng lực vũ trang thông thường của Bình Nhưỡng và tiến lên với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa trong nước kể từ khi ông lên nắm quyền, DIA nhận định.
Giáo sư Yeo cho biết, các cuộc thử nghiệm tăng đột biến vào năm 2022 và tiếp tục, mặc dù với tốc độ chậm hơn, vào năm 2023 và năm nay cũng không có gì khác biệt.
Bình Nhưỡng cũng đang nâng cấp vũ khí và có thể có sự giúp đỡ của Nga để thực hiện điều này khi họ đang nỗ lực cải tiến hệ thống cung cấp vũ khí của mình, một lĩnh vực mà Triều Tiên đang đặc biệt chú ý, ông Yeo cho biết.
Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm "hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước" được cho là nhằm đáp trả các cuộc tập trận hải quân chung do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thực hiện, Bình Nhưỡng cho hay.
Vào tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên đã ra mắt "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật" đầu tiên, có khả năng mang và phóng vũ khí hạt nhân. Có một số nghi ngờ trong số các nhà phân tích phương Tây về khả năng thực sự của tàu ngầm.
Bình Nhưỡng cho biết vào cuối năm 2023 rằng, họ sẽ "tăng tốc hơn nữa các hoạt động chuẩn bị chiến tranh" trước "các cuộc diễn tập đối đầu chống Triều Tiên chưa từng có của Mỹ và các lực lượng đồng minh".
Triều Tiên cũng đã phóng một vệ tinh do thám và cam kết đưa thêm một số vệ tinh nữa vào quỹ đạo trong năm nay.
Theo Diplomat, vào ngày 4/8, lực lượng vũ trang của Triều Tiên - Quân đội Nhân dân Triều Tiên - đã có màn phô diễn hỏa lực tên lửa đạn đạo chưa từng có, với buổi lễ đánh dấu việc đưa vào sử dụng 250 bệ phóng cho hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn KN-24. Mỗi bệ phóng mang theo bốn tên lửa, tổng cộng có 1.000 tên lửa.
Lần đầu tiên KN-24 được xác nhận đã được phóng thử nghiệm vào ngày 10/8/2019, với việc sản xuất hàng loạt quy mô lớn được cho là đã bắt đầu sớm nhất là vài tháng sau đó. Điều đó có nghĩa là KN-24 đã được sản xuất đầy đủ trong vòng chưa đầy năm năm. Do đó, tốc độ sản xuất hiện tại là hơn 200 tên lửa mỗi năm và có thể gần hoặc vượt quá 300 tên lửa, sẽ cần thiết để trang bị cho tất cả các bệ phóng được nhìn thấy.
Ngoài thực tế là mỗi bệ phóng cho các hệ thống như vậy thường được hỗ trợ bởi một xe nạp đạn để cho phép triển khai thêm tên lửa từ kho, nghĩa là đối với mỗi tên lửa được nhìn thấy trên bệ phóng, thường có ít nhất hai hoặc ba tên lửa đang hoạt động.
Do đó, các bệ phóng mang theo 1.000 tên lửa thường chỉ ra một kho vũ khí ít nhất là 2.000-3.000 quả, chỉ ra rằng Triều Tiên có khả năng sản xuất hơn 400 tên lửa loại này mỗi năm.
Không có loại tên lửa đạn đạo nào khác trên thế giới được cho là đang được sản xuất với số lượng lớn như vậy. Ngoại lệ duy nhất là tên lửa 9K720 của Nga được hệ thống Iskander-M sử dụng, mặc dù chỉ vì sản lượng tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu thời chiến. Triều Tiên đang sản xuất trong thời bình.
Ngoài KN-24, Triều Tiên còn có nhiều loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa đạn đạo tầm xa có tầm bắn 3.000-5.500km; tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn lên tới hơn 10.000km, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), tên lửa siêu vượt âm và đặc biệt là Bình Nhưỡng được cho sở hữu tới khoảng 80-90 đầu đạn hạt nhân, đồng thời nỗ lực thu nhỏ đầu đạn nhằm trang bị cho nhiều loại tên lửa trong biên chế.