Số học sinh đau mắt đỏ ở Ninh Bình đang tăng

DIỆU ANH| 22/09/2023 15:36

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) trên địa bàn tỉnh Ninh Bìnhcó xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục, trường học - trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng phải nhập viện điều trị dài ngày.

Số học sinh đau mắt đỏ ở Ninh Bình đang tăng
Từ đầu tháng 9.2023 đến nay tỉ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng cao, đặc biệt là học sinh. Ảnh: Diệu Anh

Tại trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp, Ninh Bình), dịch bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện từ những ngày đầu năm học mới và lây lan rất nhanh. Cô giáo Đỗ Thị Hồng Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, cho biết, đến ngày 22.9, lớp có 14/42 học sinh nghỉ học do đau mắt đỏ.

"Có những học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ từ ngày khai giảng, sau đó lây sang các bạn khác và cả cô giáo. Tất cả học sinh khi phát hiện bị đau mắt đều được cho nghỉ học điều trị, khỏi bệnh mới đến lớp, tuy nhiên bệnh vẫn lây sang các bạn trong lớp" - cô Thu chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Loan, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú cho biết: Hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác sau ngày khai giảng và lây lan rộng trong những ngày gần đây. Hiện nay, lớp ít thì vài học sinh, lớp nhiều có hàng chục em phải nghỉ học do đau mắt. Một bộ phận giáo viên nhà trường cũng mắc bệnh.

"Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên bám sát cùng với gia đình hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho các em trong thời gian tạm nghỉ" - bà Loan cho hay.

Ảnh: Diệu Anh
Nhiều trường hợp đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị nội trú. Ảnh: Diệu Anh

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà Anh, (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) cho biết, cả 2 cô con gái của chị đang học Tiểu học và THCS đều bị đau mắt đỏ phải nghỉ học hơn 1 tuần nay để điều trị nhưng vẫn chưa khỏi.

"Khi cháu đầu có các triệu chứng như đau rát, nhiều rỉ, tôi đã mua thuốc nhỏ và hướng dẫn con vệ sinh mắt. Tuy nhiên, vài ngày sau bệnh không đỡ mà lan sang em gái. Thấy 2 con điều trị tại nhà không đỡ, tôi cho con đến bệnh viện để khám và được chẩn đoán viêm giác mạc cấp nên 2 cháu được chỉ định nhập viện điều trị. Sau 2 ngày được điều trị tích cực bằng cách vệ sinh mắt thường xuyên, uống thuốc và nhỏ thuốc hàng ngày, hiện 2 cháu cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Mắt bớt đỏ, không còn đau rát, khó chịu" - chị Hà Anh chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Thị Hạnh, phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Ninh Bình cho biết, từ đầu tháng 9.2023 đến nay, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại viện tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, bệnh nhân là trẻ nhỏ chiếm tỉ lệ cao, với khoảng gần 50%.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị bệnh đau mắt đỏ, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Số học sinh đau mắt đỏ ở Ninh Bình đang tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO