Số ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu dừng

NGUYỄN LY| 20/08/2023 18:00

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch sốt xuất huyết trong tuần qua trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng. Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn, số ca sốt xuất huyết nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu dừng
Bác sĩ đang điều trị bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: NGUYỄN LY

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng mạnh. Ths.BS Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 20 bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết, hiện tại chưa ghi nhận ca nào nặng. Tuy nhiên, tình trạng sốt và sốc khi nhập viện tăng.

“Người dân cần cẩn trọng trước tình hình dịch hiện nay, đặc biệt những bệnh nhi có bệnh lý nền cần chú ý khi trẻ bị sốt xuất huyết”, bác sĩ Qui chia sẻ.

Ngày 20.8, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong tuần 32 (từ 7.8 -13.8), thành phố ghi nhận có 350 ca bệnh sốt xuất huyết gồm 153 ca nội trú và 197 ca ngoại trú, tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước là 294 ca. Số ca mắc tích lũy đến tuần 32 là 10.280 ca, giảm 74,3% so cùng kỳ năm 2022 là 39.954 ca.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh.

Theo HCDC, dấu hiệu quan trọng nhất trong bệnh sốt xuất huyết là sốt. Vì vậy, người dân cần xác định chính xác thời gian sốt xuất hiện và phải đo bằng nhiệt kế để xác định. Sốt của sốt xuất huyết có đặc điểm là sốt cao 39 - 40 độ C liên tục, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu kèm theo như đau nhức mình, đau đầu, đau sau hốc mắt, người uể oải, khó chịu, chán ăn, buồn nôn, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết,… Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm.

Người bệnh sốt xuất huyết có thể được theo dõi tại nhà hoặc tại bệnh viện. Điều này sẽ được bác sĩ quyết định khi thăm khám. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Khi theo dõi người bệnh tại nhà, chúng ta cần lưu ý một số dấu hiệu để kịp thời đưa đến bệnh viện. Cụ thể các dấu hiệu bao gồm: nôn ói nhiều, đau bụng, có biểu hiện chảy máu chân răng, mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ, lừ đừ, bứt rứt, khó thở, trẻ em có biểu hiện bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù hết sốt...

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không cho muỗi đốt, không cho muỗi đẻ, không cho muỗi ở. Trong đó, quan trọng nhất là không cho muỗi đẻ thông qua hoạt động tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi vằn.Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được như: vải, nylon, lưới chống muỗi, nhựa, gỗ… và phải đảm bảo đậy kín không có khe hở để muỗi bay vào.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu dừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO