Sinh viên tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy

An Thanh| 24/10/2023 12:34

Đứng trước những thảm họa về cháy nổ, sinh viên, người trẻ thuê trọ đã tự trang bị cho mình hiểu biết nhất định và kỹ năng cần thiết về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Phòng cháy chữa cháy là một trong những vấn đề quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là đối với sinh viên, người thường sống và học tập tại các khu nhà cao tầng, ký túc xá, trường học hay các cơ sở công cộng,... Trong thời gian gần đây, nhiều vụ cháy thương tâm đã xảy ra, thay vì chờ đợi được hướng dẫn, tuyên truyền, nhiều bạn sinh viên đã tự mày mò, tìm hiểu thông qua các clip, video hướng dẫn phòng chống cháy, nổ và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn từ mạng xã hội.

Phòng cháy hơn chữa cháy


Nguyễn Thị Tường Vy (sinh viên năm 4, trường ĐH Sài Gòn) đang trọ tại quận 8, TP.HCM cho biết, sau vụ cháy tại Thanh Xuân, Vy và bạn cùng phòng đã bảo nhau trang bị kiến thức về PCCC. “Ngoài việc trang bị các vật dụng phòng cháy chữa cháy thì mình còn đọc thêm nhiều tài liệu về các thiết bị dễ gây cháy, nổ và xem các clip, video hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, nổ xảy ra. Mình cũng để ý hơn khi sử dụng các đồ dùng trong nhà, không sạc điện thoại hay máy tính qua đêm, tắt hết điện khi ra khỏi nhà hoặc lúc nấu ăn, mình cũng không bỏ đi làm việc khác hay vừa xem phim vừa nấu ăn như mọi khi”, Vy nói.

Trên hết, Tường Vy cho rằng, phòng cháy hơn chữa cháy. Mọi người phải thực hiện đúng các quy định về phòng cháy để tránh dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Trong tình huống nếu có hỏa hoạn xảy ra, cần bình tĩnh, sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa (bình chữa cháy, mền chữa cháy, cuộn vòi chữa cháy,...), tìm lối thoát hiểm gần nhất và gọi 114 để báo cháy.

“Mình nghĩ, việc đầu tiên nên làm khi gặp một đám cháy là bình tĩnh, đánh giá tình hình, mức độ lan truyền và cách thoát hiểm an toàn nhất. Nếu có thể, nên cố gắng dập tắt ngọn lửa bằng các thiết bị phòng cháy chữa cháy có sẵn, như bình cứu hỏa, bình nước, hoặc chăn… Đồng thời, báo động cho mọi người xung quanh biết về tình hình cháy bằng cách kêu cứu, sử dụng điện thoại di động để gọi 114 hoặc kích hoạt còi báo động nếu có”, Vy chia sẻ.

z4810193535325_3be9fe1dc24c23b7f4908f6d0c70f3f7(2).jpg
Sau nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra, các bạn sinh viên ý thức hơn trong việc trang bị về kỹ phòng cháy chữa cháy khi ở trọ. (Ảnh minh họa).

Tự trang bị kỹ năng cơ bản

Tự nhận bản thân là người khá mơ hồ về kỹ năng PCCC và luôn chủ quan trong việc phòng chống cháy, nổ. Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vừa qua, Nguyễn Nhật Minh (sinh viên năm 2, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc trang bị các kiến thức về phòng chống cháy, nổ.

Chẳng đợi ai nhắc nhở, Nhật Minh bắt đầu tự tìm hiểu về cách phòng cháy cơ bản liên quan tới các thiết bị, đồ dùng trong phòng của mình. “Đối với việc phòng cháy, mình đã thay bếp ga mini bằng bếp từ, mình cũng kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị mình hay sử dụng như tủ lạnh, điện thoại, laptop, quạt, lò nướng,... để đảm bảo chúng hoạt động tốt.

Mình cũng tuân thủ các quy định và nguyên tắc về phòng cháy chữa cháy, không sử dụng các thiết bị điện quá công suất, không sạc điện thoại hoặc máy tính gần chăn, gối, vứt rác mỗi ngày và không hút thuốc lá trong phòng,... Trước khi ra khỏi phòng, mình kiểm tra các phích cắm, công tắc, xem đã rút hết chưa, tắt hết chưa thì mới an tâm ra ngoài. Bên cạnh đó, mình luôn chú ý đến thông tin và hướng dẫn về PCCC để tăng cường kiến thức cá nhân”, Nhật Minh kể.

Bên cạnh đó, Nhật Minh tự chuẩn bị thêm cho phòng của mình bình chữa cháy và mặt nạ chống độc để phòng ngừa và xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ không may xảy ra. Đồng thời, Minh ghi nhớ vị trí cầu giao tổng và cầu thang thoát hiểm của dãy trọ.

“Mình xem video hướng dẫn trên mạng để học cách sử dụng bình chữa cháy. Cũng qua Youtube, báo chí, mình nắm bắt những kiến thức cơ bản khi xảy ra hoả hoạn như việc xem xét nguồn cháy do nguyên liệu nào để biết cách dập lửa. Ví dụ: khi cháy điện thì ngắt cầu dao, cháy xe thì dùng cát đắp vào hoặc thấm nước và chăn hoặc vải to để đắp lên, cháy lửa thì dùng nước, bình cứu hoả và vải thấm nước… ”, Nhật Minh chia sẻ.

Tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy

Bên cạnh việc tiếp thu các kiến thức về PCCC thông qua sách vở, báo đài, các trang mạng xã hội,... Trương Thị Hằng Nga (sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn ĐHQG TP.HCM) đang sinh sống tại Ký túc xá khu A, ĐHQG TP.HCM cho hay, Hằng Nga đã từng đăng ký tham gia các buổi hướng dẫn, tập huấn trang bị kiến thức về PCCC do ký túc xá tổ chức vào những năm trước.

Nga nhớ lại: “Tại buổi học, tụi mình sẽ được tìm hiểu, trang bị những kỹ năng cơ bản nhất. Đầu tiên là nhận biết các nguyên nhân và điều kiện gây ra cháy, phân biệt các loại cháy theo nguồn nhiên liệu và cách xử lý phù hợp. Mình được học cách sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy hiệu quả và an toàn. Mình cũng được thực hành với những giả định nhỏ về các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố hỏa hoạn và sau buổi học PCCC như vậy mình không chỉ nhận được kỹ năng mà còn có thể truyền tải đến các bạn cùng phòng”.

z4810212177522_cf5a60bf164244470cd7d398d150b6f7(1).jpg
Các buổi tập huấn kỹ năng PCCC giúp sinh viên nâng cao nhận thức và kỹ năng chủ động, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. (Ảnh minh họa).

Cũng theo Nga, sự hiểu biết về kiến thức cũng như những kỹ năng về PCCC là điều vô cùng cần thiết đối với sinh viên hiện nay. Tham gia các buổi tập huấn kỹ năng PCCC không chỉ giúp mọi người nhận thức rõ về nguy cơ cháy, nổ và hiểu biết về cách phòng cháy chữa cháy mà còn biết cách sử dụng các thiết bị để chữa cháy.

“Không chỉ riêng ký túc xá mà rất nhiều chung cư, nhà trọ cũng trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC. Nhưng mà nếu không có hướng dẫn sử dụng hay được chỉ dẫn thì mình cũng không biết cách để sử dụng nó. Nên mình nghĩ, tham gia các lớp huấn luyện về kỹ năng PCCC là rất cần thiết, vừa giúp rèn luyện và phát triển kỹ năng cần thiết để đối phó với tình huống cháy, nổ, vừa có thể tạo ra một cộng đồng nhận thức và tự bảo vệ an toàn trước nguy cơ cháy, nổ”, Nga bày tỏ.

Trong bối cảnh các sự cố cháy, nổ ngày càng xảy ra phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những nội dung giáo dục quan trọng và thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng của học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/6/2022, nội dung giáo dục PCCC cho học sinh, sinh viên gồm có: tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra. Ngoài ra, sinh viên còn được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO