Việc dễ dàng mua thuốc mà không cần kê toa khiến việc sử dụng thuốc giảm đau trở nên phổ biến. Nhiều sinh viên thường sử dụng thuốc giảm đau để cắt nhanh các cơn đau do bệnh lý, chấn thương, căng thẳng hay áp lực học tập. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc giảm đau không chỉ không mang lại lợi ích mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và cuộc sống của người sử dụng.
Đau gì cũng uống giảm đau
Trong cặp ngoài sách vở và các dụng cụ học tập, H.T.K (Sinh viên năm 4, trường Đại học KHXH và Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM) không bao giờ thiếu một vỉ thuốc giảm đau Paracetamol. Thói quen mang theo thuốc mọi lúc mọi nơi bắt đầu từ khi nữ sinh vào đại học. “Đi học nhiều nên đôi lúc mình hay bị đau lưng, đau đầu, mang thuốc theo để có thể dùng ngay khi cần. Tác dụng của thuốc cũng nhanh nên mình hay sử dụng mỗi khi đau là mình uống một viên”, K chia sẻ.
Vì áp lực học tập lại không muốn đến bệnh viện đợi chờ thăm khám, N.T.T (Sinh viên năm 3, trường Đại học KHXH và Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM) luôn "thủ" sẵn trong người những loại thuốc như Panadol, Paracetamol…để mỗi khi cơ thể mệt mỏi hay đau đầu là có thể sử dụng ngay.
“Do thức khuya và thiếu ngủ nên mình hay bị đau đầu, thường thì mình sẽ uống một viên để làm giảm cơn đau nhanh chóng. Trong trường hợp đau nặng, không thể giảm ngay thì mình sẽ uống thêm một viên nữa. Vừa học vừa làm, mình không có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên không muốn đi khám, thuốc giảm đau thì ra hiệu thuốc mua là có nên mình mới ưu tiên sử dụng”, T cho hay.
Không chỉ có hai trường hợp trên, cả K và T đều cho biết, rất nhiều bạn bè cùng lớp cũng thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau như một giải pháp hữu hiệu để xoa dịu những cơn đau, dù là bệnh gì cũng có thể uống. Mỗi khi ra ngoài, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu thuốc giảm đau.
Hệ lụy nghiêm trọng từ thuốc giảm đau.
Theo BS. Nguyễn Hữu Khánh (Khoa Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên khá phổ biến hiện nay: “Đau đầu, đau cổ hay đau lưng do căng thẳng (học tập, làm việc), ngồi nhiều, lười vận động, khá phổ biến ở thế hệ các bạn trẻ. Trong khi việc đi khám được nhiều bạn cho là mất thời gian và không có thói quen này. Việc dùng thuốc giảm đau tự điều trị cũng thông dụng theo đó, vì thuốc giảm đau (ví dụ Paracetamol, Ibuprofen) rất dễ mua mà không cần kê toa”.
BS Khánh cho biết, thuốc giảm đau phổ biến nhất có 2 nhóm thông dụng, đó là Paracetamol (hoặc Acetaminophen) và nhóm kháng viêm non-steroid (NSAIDs) với các thuốc phổ biến là Ibuprofen, Celecoxib, Naproxen,.. Cả 2 đều có những tác dụng phụ riêng và đáng cảnh báo.
“Với nhóm NSAIDs (phổ biến là Ibuprofen, Naproxen, Nabumeton hoặc nhóm mới là Meloxicam, Celecoxib…), công dụng chính của nó là thuốc kháng viêm, giảm đau, thường dùng cho đau khớp hoặc các loại viêm, trừ viêm dạ dày. Dùng thuốc này lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm và loét dạ dày tá tràng, nguy hiểm nhất là gây xuất huyết dạ dày do vết loét. Ngoài ra nó cũng gây độc thận nếu dùng kéo dài mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Một số người bệnh khi uống thuốc sẽ cảm thấy tác dụng phụ như sưng mắt, phù da niêm (do ứ nước). Chưa kể dùng NSAIDs , có một số người bị dị ứng khá nặng nên cần đặc biệt lưu ý.
Với Paracetamol, đây là thuốc dùng cho hạ sốt và giảm đau, tức là chỉ điều trị triệu chứng, không giúp điều trị căn nguyên. Dùng ít (<4g/ngày, cách mỗi 4h-6h) thì có thể có lợi, nhưng dùng nhiều trong ngày thì nguy cơ độc gan là rất cao, nhất là với liều trên 4g/ngày (khoảng 8 viên Paracetamol 500mg trong ngày). Rất nhiều bài báo đã viết về tình trạng ngộ độc gan cấp do Paracetamol”, BS Khánh nói.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc ngộ độc thuốc giảm đau quá liều nhưng vẫn có nhiều trường hợp không chú ý, cứ giảm đau trước rồi tính sau, dẫn đến ngộ độc, nhất là ngộ độc Paracetamol. Tuy có thể điều trị ngộ độc Paracetamol bằng dịch truyền và thuốc giải độc nếu được phát hiện sớm và đưa vào cấp cứu. Tình trạng phát hiện chậm muộn dẫn đến suy tế bào gan không phục hồi.
“Thỉnh thoảng khoa cấp cứu vẫn gặp tình trạng người bệnh trẻ tuổi bị đau bụng dữ dội, qua khám nghiệm và chụp chiếu phát hiện thủng dạ dày do loét, hỏi kĩ bệnh sử thì ghi nhận người bệnh dùng thuốc giảm đau được người thân ở Mỹ gửi về (Advil, hay tên công thức là Ibuprofen) và sử dụng thường xuyên”, BS Khánh cho hay.
Cơn đau khiến cơ thể khó chịu, uống thuốc giảm đau có thể giúp cơ đau suy giảm nhưng lâu dài sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Sử dụng nhiều thuốc giảm đau không thể trị dứt điểm căn bệnh mà còn để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng.
BS Khánh cho biết thêm, trong ngành thần kinh, có một bệnh khá đặc biệt, gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc (Medication overuse headache). Nó xảy ra trước tiên là vấn đề đau đầu do căng thẳng và người bệnh tự ý dùng thuốc giảm đau thấy có đáp ứng tốt nên dùng hoài, lâu dần thành quen , khi thiếu thuốc giảm đau sẽ có cảm giác như đau dai dẳng, cần phải uống thuốc để trị.
“Rõ ràng dùng các thuốc giảm đau kéo dài thì ngoài tác dụng phụ cho gan, thận, dạ dày..., nó còn gây ra một tình trạng đau đầu mới và khó điều trị hơn. Dạng đau đầu mãn tính như vậy khiến sinh viên rất khổ sở trong việc tập trung suy nghĩ, dẫn đến làm việc kém hiệu quả, lâu dần sinh ra suy nghĩ tự ti, chán nản, muốn buông bỏ công việc, một tình trạng trầm cảm và lo âu xảy ra”, BS Khánh nhận định.
Trước tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau của nhiều sinh viên, bác Khánh khuyên: “Sinh viên hay kể cả các bạn trẻ, người lớn, nên có tư duy rằng có bệnh thì hãy đi khám bệnh, hoặc có thể liên hệ với người có kiến thức y tế, tránh việc tự ý mua thuốc ở nhà thuốc, đó thật ra là một nét văn hóa không tốt khi nhà thuốc có thể tự bán thuốc mà không có kê toa, tình trạng quản lý còn lỏng lẻo.
Nếu đau thỉnh thoảng, các bạn vẫn có quyền uống 1 -2 viên giảm đau mỗi ngày, tuy nhiên tình trạng đau hơn 3 ngày thì nên đi khám tại các khoa Thần Kinh, là những bác sĩ chuyên ngành đau có thể chẩn đoán, tham vấn cho bạn chính xác nhất và sử dụng đúng và đủ liều lượng”.