Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (Pagasa) cho biết lúc 5h sáng 27/5, siêu Mawar đang cách đảo Luzon khoảng 1.320km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh 195km/h (cấp 16), gió giật lên tới 240km/h (trên cấp 17). Bán kính vùng gió mạnh khoảng 570km tính từ tâm bão.
Pagasa dự báo trong 24 giờ tới siêu bão Mawar di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km/h, hướng về vùng biển phía Bắc đảo Luzon, sau đó sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc.
"Siêu bão Mawar có thể duy trì cường độ siêu bão trong khoảng 36-48 giờ tới, cũng không loại trừ khả năng siêu bão có thể mạnh lên trong 12-24 giờ tới. Từ đầu tuần sau, siêu bão sẽ suy yếu nhanh do tương tác với khối khí khô và vùng nước biển mát hơn", Pagasa nhận định.
Còn theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), lúc 9h sáng nay (giờ Nhật Bản), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh 50m/s (tương đương cấp 15), giật 70m/s (trên cấp 17).
Đài Nhật Bản dự báo trong khoảng 3 ngày tới, bão Mawar di chuyển theo hướng tây rồi Tây Bắc với tốc độ từ 20-30km/h, cường độ giữ nguyên cấp 15, giật cấp 17.
Từ khoảng ngày 29 đến 30/5, bão Mawar di chuyển chậm lại, khả năng đổi hướng đi lên phía Bắc rồi Đông Bắc, cường độ suy yếu dần xuống cấp 12-13, giật cấp 14-15.
Theo Trung tâm cảnh báo bão liên hợp (JTWC - Mỹ), siêu bão Mawar đang ở cấp 5 - cấp gây ra thảm họa trên diện rộng với sức gió trên 252km/h (trên 136knots/h).
Sáng nay, sức gió vùng gần tâm bão Mawar mạnh 268km/h (145knots/h).
JTWC nhận định, khi đi vào vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), siêu bão Mawar sẽ suy yếu và đổi hướng di chuyển lên phía Bắc rồi Đông Bắc.
Chiều 27/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đơn vị đang theo dõi sát diễn biến bão Mawar.
"Theo kết quả dự báo ở thời điểm hiện tại, bão Mawar ít có khả năng đi vào Biển Đông", ông Khiêm nói.
Được biết, Mawar là cơn bão thứ 2 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão năm 2023.