Show của Hương Giang - ý tưởng nhân văn nhưng cách làm bất ổn

12/04/2023 12:21
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Trao đổi với Zing, chuyên gia cho biết chương trình nào cũng cần đảm bảo không vi phạm pháp luật, và phải có ý nghĩa, nhân văn mới tồn tại lâu dài.

Show Miss International Queen Vietnam (MIQVN) - Đại sứ hoàn mỹ 2023 vừa khép lại một mùa nhiều tranh cãi. Chương trình bị Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thông báo sẽ "xử lý nghiêm" vì tổ chức trái phép. Ngoài ra, show này cũng vướng nhiều lùm xùm.

Lạm dụng drama, chung kết thiếu chuyên nghiệp và tổ chức trái phép

Những năm gần đây, các sân chơi sắc đẹp được chú ý nhiều tại Việt Nam. Riêng năm 2022, có hơn 20 cuộc thi hoa hậu ra đời, thị trường sắc đẹp từ đó trở nên “nóng bỏng”. MIQVN của Hương Giang cũng được các fan sắc đẹp quan tâm, đặc biệt là những người thuộc cuộc đồng LGBTQ+.

Với cộng đồng người chuyển giới nữ nói riêng và LGBTQ+ nói chung, chương trình của Hương Giang có ý nghĩa tích cực, góp phần lan tỏa hình ảnh của họ đến với công chúng.

Ê-kíp xây dựng chương trình theo kiểu truyền hình thực tế. Với khán giả, “đặc sản” của các dạng chương trình này là drama. Và MIQVN cũng không ngoại lệ. Chương trình do đó nhiều lần sa đà vào chuyện cãi vã.

Show của Hương Giang - ý tưởng nhân văn nhưng cách làm bất ổn-1

Người đẹp Dịu Thảo đăng quang MIQVN 2023. Ảnh: BTC.

Ngay từ những tập đầu, show thu hút sự chú ý vì drama của thí sinh Huỳnh My. Người đẹp chuyển giới bị cho là có thái độ ngang ngược, bất cần, cãi tay đôi với HLV. Những phát ngôn của cô nhanh chóng viral trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là tình huống chương trình cắt ghép để đẩy cao trào, tạo điểm nhấn cho show.

Ngoài ra, các lùm xùm Đan Tiên từng kỳ thị, nói xấu Hương Giang hay Tường San cặp kè đại gia cũng khiến hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ trở nên xấu đi trong mắt khán giả. Thậm chí, nhiều người thuộc cộng đồng này cũng chỉ trích, cho rằng những drama của MIQVN 2023 làm giảm giá trị, hình ảnh cộng đồng trong mắt công chúng.

Trước đó, MIQVN 2023 từng bị dừng đột ngột buổi họp báo công bố vương miện và top 20 chung cuộc vì thiếu giấy phép tổ chức. Sau đêm chung cuộc, chương trình tiếp tục bị Sở Văn hóa và Thể thao "tuýp còi" vì tổ chức trái phép, chưa có văn bản chấp thuận.

Trên các hội nhóm hoa hậu, một số người cho rằng BTC biết sai nhưng vẫn lách luật, cố ý tổ chức chương trình dù cơ quan chức năng chưa đồng ý. Cách làm này của Hương Giang và ê-kíp khiến chính một bộ phận khán giả trong cộng đồng LGBTQ+ phàn nàn.

Ngoài ra, nhiều khán giả cũng phẫn nộ vì sự cố trước giờ phát sóng đêm chung kết, các fan phải xếp hàng đợi hơn 3 giờ liền mới được vào sân khấu, phải đứng xem dù có vé mời. Họ cho rằng ê-kíp chương trình xem thường khán giả.

Hướng đến mục đích nhân văn, càng cần thực hiện chỉn chu

Đại diện ê-kíp, Hương Giang cho biết: “Làm một chương trình dành cho người chuyển giới thật sự không hề dễ dàng. Để có được đêm thi này, tôi không biết có phải sự đánh đổi hay không, nhưng chắc nó là điều rất cố gắng, nỗ lực của cá nhân tôi và rất nhiều người. Tôi tin, được chứng kiến các em lớn lên từng ngày, ai cũng tự hào”.

“Những cô gái này đẹp, văn minh, tri thức... Các bạn rất giỏi và tài năng, chỉ là chưa có những cơ hội để họ thể hiện. Bởi thế, có thể coi đây là sự đánh đổi, tôi vẫn hiên ngang và ngẩng cao đầu, để được chứng kiến khoảnh khắc đẹp như vậy trong cuộc đời mình. Tôi cũng muốn cảm ơn các em vì đã cùng với tôi, chưa bao giờ bỏ cuộc trong hành trình này, của những người chuyển giới tại Việt Nam”, Hương Giang nói thêm.

Zing liên hệ về những lùm xùm xung quanh cuộc thi và khâu tổ chức chưa tốt, chưa đủ giấy phép vẫn làm, Hương Giang và ê-kíp từ chối đưa ra phản hồi.

Show của Hương Giang - ý tưởng nhân văn nhưng cách làm bất ổn-2
Show của Hương Giang - ý tưởng nhân văn nhưng cách làm bất ổn-3

Hương Giang và vương miện MIQVN 2023. Ảnh: BTC.

Là nhà hoạt động thúc đẩy quyền LGBTQ+ tại Việt Nam, anh Huỳnh Minh Thảo chia sẻ với Zing anh trân trọng các chương trình sắc đẹp cho LGBTQ+, bởi nó không những tạo sân chơi cho người chuyển giới mà còn giúp lan tỏa hình ảnh của cộng đồng.

“Tôi tin nhà nước sẽ sớm có các cơ chế hỗ trợ, để những hoạt động lành mạnh của cộng đồng LGBTQ+ được diễn ra thuận lợi. Chắc chắn là khán giả, đặc biệt là cộng đồng người chuyển giới đã và sẽ luôn ủng hộ chương trình nhân văn, đúng nghĩa về LGBT+", chuyên gia hoạt động thúc đẩy quyền LGBTQ+ nói.

Việc chương trình nhiều drama làm xấu hình ảnh của cộng đồng người chuyển giới, chuyên gia Huỳnh Minh Thảo nêu quan điểm: “Theo tôi, chương trình truyền hình thực tế dù là cho giới nào cũng có thể tạo nên các tình huống drama, gây chú ý chứ không chỉ ở các chương trình hướng đến cộng đồng LGBTQ+. Việc mỗi khán giả cần nghiêm khắc và lên án những chiêu trò gây hại nói chung cho xã hội luôn là cần thiết. Và tôi nghĩ các chương trình hiện tại cũng sẽ phải chịu thất bại nếu chỉ chăm chăm khai thác các yếu tố không lành mạnh này”.

Anh cho rằng nếu chương trình truyền hình thực tế hoàn toàn “trong sạch với drama” thì sẽ khó hút khán giả. “Với cá nhân tôi, cộng đồng nào cũng sẽ có người tốt, người chưa tốt. Việc xem một người đại diện cho cộng đồng là tư tưởng cần loại bỏ dần. Chúng ta nên có cái nhìn công bằng với sự đúng sai của mỗi cá nhân, thay vì đánh giá đến cả một tập thể”, anh chia sẻ thêm.

Nói về lùm xùm liên quan đến việc chương trình không có giấy phép, chuyên gia Huỳnh Minh Thảo cho hay: “Theo tôi, chương trình nào cũng cần phải đảm bảo không vi phạm các điều khoản của pháp luật. Chỉ có chương trình có nội dung nhân văn, ý nghĩa, tuân thủ pháp luật mới có thể tồn tại trong lòng khán giả”.

Theo Zing

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Show của Hương Giang - ý tưởng nhân văn nhưng cách làm bất ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO