Chỉ 2 ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân ngộ độc cồn methanol do uống phải rượu rởm.
HÔN MÊ, TỬ VONG VÌ RƯỢU RỞM
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày thứ 4, tình trạng của anh M. vẫn rất nặng, hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa nặng, phải lọc máu, đặt ống nội khí quản...
Trước đó, ngày mùng 6 Tết (ngày 27/1), anh cùng 9 người khác tham gia bữa tiệc khai xuân ở công ty. Tuy nhiên trong buổi liên hoan, chỉ có 7 người (trong đó có anh M.) uống rượu. Trên đường về, anh bị ngã xe, xây xước đầu gối, không va đập đầu nhưng mắt nhìn tối sầm lại. Nửa đêm, bệnh nhân kêu đau mỏi người, mệt mỏi.
Một trong số các bệnh nhân ở Thái Bình ngộ độc methanol. Ảnh: Ngọc Trang
Sáng hôm sau, anh có biểu hiện mệt nhiều, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau đó, anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu rất cao (134,7 mg/dL), nhiễm toan chuyển hóa nặng. Lúc này, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, trong khi những người uống rượu cùng ông M. chưa ai có biểu hiện tương tự.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân uống cho thấy đây là rượu rởm, hàm lượng methanol chiếm hơn 58%, chỉ 1% là rượu thông thường. Cùng uống rượu với bệnh nhân còn 6 người khác vì thế rất có thể có những trường hợp khác bị ngộ độc methanol mà chưa có biểu hiện bệnh.
Mẫu rượu các bệnh nhân ở Thái Bình uống lưu trữ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - hàm lượng methanol chiếm hơn 58%, chỉ 1% là rượu thông thường. Ảnh: Ngọc Trang
Vì vậy, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã vận động 6 người này từ Thái Bình lên Hà Nội để xét nghiệm. Kết quả trong số 4 người xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện thêm 2 người có nồng độ methanol trong máu cao dù chưa có biểu hiện bất thường. Hai trường hợp còn lại có thể uống rượu nên ít nên nồng độ methanol thấp.
Đại diện Trung tâm Chống độc thông tin thêm cơ sở y tế này còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc methanol với nhiều hình thức khác nhau như uống rượu rởm, cồn sát trùng rởm. Đáng tiếc, một trường hợp đã tử vong là bệnh nhân 46 tuổi, ở Vĩnh Phúc do uống phải cồn sát trùng rởm - thực chất là cồn công nghiệp methanol.
Bệnh nhân này có tiền sử nghiện rượu nặng, gia đình phát hiện anh uống cồn 90 độ pha loãng. Sau uống bệnh nhân nôn nhiều, ý thức lơ mơ và vào biệnh viện tỉnh điều trị. Ý thức không cải thiện nên người bệnh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, anh không qua khỏi.
Cũng đang phải lọc máu tại Trung tâm Chống độc là bệnh nhân L.V.Đ (57 tuổi, Vĩnh phúc). Anh có tiền sử uống nhiều rượu trong thời gian dài. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngày nào anh cũng uống rượu. Đến chiều 29/1, anh cảm thấy mắt mờ, lên cơn co giật, hôn mê. Tại Bệnh viện Bạch Mai, người này được chẩn đoán ngộ độc do uống phải rượu rởm, phải lọc máu.
DẤU HIỆU NGỘ ĐỘC METHANOL TỪ RƯỢU TRÔI NỔI
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, rượu ethanol khi vào cơ thể chuyển hóa rất nhanh, trong khi đó methanol lại ngược lại tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm (sau 7-8 ngày vẫn có thể tồn tại trong máu). Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh...
Đặc biệt, trong Tết, các bệnh nhân có thể uống rượu nhiều, thông thường ethanol (trong rượu thường) sẽ “cạnh tranh” với methanol (cồn công nghiệp), làm quá trình chuyển hóa methanol chậm hơn. Các biểu hiện của ngộ độc của bệnh nhân sẽ chậm hơn so với khi chỉ uống riêng rượu methanol.
Tuy nhiên, ethanol chỉ “trói chân” tạm thời methanol. Vài giờ sau, methanol sẽ chuyển hóa thành chất độc. Vì thế, sau một thời gian, người uống bỗng xuất hiện triệu chứng bất thường, thậm chí đột quỵ mà không hề biết nguyên nhân là ngộ độc rượu methanol từ trước.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu giữ nhiều mẫu cồn sát trùng rởm, thành phần chủ yếu là methanol. Ảnh: Ngọc Trang
Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyểno hóa từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
TS.BS Nguyên cảnh báo từ trước, trong và sau Tết nguyên đán, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu bia. Các ca bệnh ghi nhận nhiều hơn sau ngày mùng 3 Tết.
"Chỉ 2 ngày sau kỳ nghỉ Tết, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cồn methanol với hình thái, nguồn gốc khác nhau", TS.BS Nguyên cho biết. Ảnh: Ngọc Trang
“Chỉ 2 ngày sau kỳ nghỉ Tết, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cồn methanol với hình thái, nguồn gốc khác nhau. Đó là trường hợp uống phải rượu rởm như 7 người ở Thái Bình, uống phải cồn sát trùng dởm dẫn tới tử vong (trường hợp ở Vĩnh Phúc) hay uống phải hóa chất lau chùi, hóa chất đốt… Các hóa chất này đóng chai bán một cách 'nhập nhèm' khiến người dân hiểu nhầm, mua về uống cũng dẫn tới ngộ độc. Hóa chất này tồn tại rất nhiều ở ngoài thị trường”, bác sĩ thông tin.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng chắc chắn tình trạng ngộ độc cồn methanol vẫn sẽ tiếp diễn rất nhiều. Đặc biệt, vào mùa lễ hội, tình trạng uống rượu bia càng gia tăng sẽ làm tăng nguy cơ cao xuất hiện ca ngộ độc.
“Người dân nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc thường rất nặng”, ông nhấn mạnh.
Theo VietNamNet