Thời gian qua, hàng chục người dân thuộc xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Họ đã phải cùng nhau đóng thêm cọc tre, phủ bạt lên những điểm sạt lở dọc bờ sông Lam để tránh nước đổ xuống cuốn trôi đất của gia đình. Nhiều gia đình còn trồng thêm cây trong vườn, chăng dây nilon làm rào chắn bảo vệ, ngăn trẻ em tiếp cận khu vực sạt lở.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn qua địa bàn 2 xã Đỉnh Sơn và Lạng Sơn (huyện Anh Sơn) dài gần 2km và diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời điểm này là nghiêm trọng nhất.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tín (52 tuổi, trú xóm 1, xã Lạng Sơn) trước đây có hơn 300m2 đất vườn và đất ở nằm bên sông, gần mép nước có hàng tre bảo vệ. 5 năm trước, hàng tre của gia đình bà đã bị nước cuốn trôi, lòng sông ăn sâu vào vườn 20m, chuồng nuôi lợn, gà cũng bị đổ sập.
Sau đợt mưa lớn kéo dài đầu tháng 10 vừa qua, nước sông Lam dâng cao, khi nước rút, xuất hiện tình trạng sạt lở, nhà bà Tín tiếp tục mất hàng chục m2 đất.
"Tôi lo lắm, điểm sạt lở hiện chỉ còn cách nhà tôi khoảng 10m. Cứ thế này chẳng bao lâu nữa căn nhà của gia đình tôi cũng bị đổ sập", bà Tín lo lắng.
Thống kê của xã Lạng Sơn, đoạn dọc sông Lam, ở thôn 1, xã Lạng Sơn đã sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân.
Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ ban đầu, nguyên nhân là nước dâng cao, chảy xiết, trước đó đã sạt lở nhỏ, bên cạnh đó các hộ mới đắp đất cơi nới ra phía bờ sông, chân nền yếu nên đã xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp 10 hộ dân.
Đoạn sạt lở bờ sông Lam qua xóm 1 dài 120m, rộng 20m, sâu 12m, cuốn trôi hơn 15.000m3 đất. Hiện hơn 10 gia đình có nhà kiên cố chỉ cách điểm sạt lở 10-50m. Từ đầu tháng 10 đến nay, chính quyền địa phương huy động máy móc san gạt, hạ thấp điểm sạt, xử lý vết nứt để hạn chế lan rộng.
Tình trạng sạt lở kéo dài nhiều năm nay khiến người dân bất an, lo lắng. Đến nay, vết sạt lở đã kéo dài hơn 700m, cuốn trôi đất nông nghiệp trồng rau và hoa màu của nhiều gia đình. Các điểm sạt diễn ra từng đoạn dọc sông, mỗi điểm dài 30-50m, có nhiều vết rạn nứt, mép lở dựng đứng cao 8-10m so với mặt nước.
Trưa 24/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho biết, tình trạng sạt lở trên diễn ra hơn 5 năm nay. Sau mỗi đợt mưa lũ, diện tích đất nông nghiệp của địa phương lại bị thu hẹp.
"Thống kê cho thấy đến nay khoảng 1,5ha đất bên sông ở thôn Đỉnh Thắng đã bị cuốn trôi. Nhiều năm nay, chính quyền xã đã đề nghị với bên phòng chống bão lụt khắc phục tình trạng trên nhưng chưa thấy có động thái gì. Nếu cứ tình trạng này thì chỉ vài năm nữa đường ra cầu Cây Chanh (xã Đỉnh Sơn) sẽ bị mất", ông Hợi cho biết.
Theo lãnh đạo huyện Anh Sơn, mưa lớn, lũ lụt nhiều năm qua là nguyên nhân gây sạt lở. Còn người dân sống xung quanh sông Lam nơi sạt lở cho rằng việc khai thác cát dọc sông khiến địa chất tại một số vị trí yếu đi, dòng chảy thay đổi, nước bị đẩy thẳng vào hai bên bờ gây sạt lở nghiêm trọng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn, cho biết, nhằm khắc phục tình trạng trên, cơ quan chuyên môn đã lập dự án làm kè bê tông chống sạt lở tại các thôn thuộc xã Lạng Sơn và Đỉnh Sơn, kinh phí dự kiến hơn 10 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An giao các sở, ngành liên quan tham mưu phương án.
"Do sạt lở nhiều, huyện tập trung đề xuất các vị trí trọng yếu (sát nhà dân, đất ở). Đối với phần liên quan đến đất nông nghiệp sẽ đề xuất sau và có hướng xử lý khác", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết.