Sáp nhập ngân hàng: Lãnh đạo cần tăng quy mô, cổ đông lo 'ôm rơm nặng bụng'

04/05/2023 09:21

Tăng mạng lưới, quy mô là điều không cần bàn cãi sau mỗi thương vụ sáp nhập. Nhưng câu chuyện nợ xấu tăng, độ vênh về nhân sự, công nghệ cũng là điều đáng bàn.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước kỳ họp thứ 5 khai mạc vào 22/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc. 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng "0 đồng" là CBBank, OceanBank, GPBank.

Trong mùa họp cổ đông thường niên 2023 của các ngân hàng vừa qua, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng tiếp tục bị cổ đông chất vấn về phương án nhận chuyển giao bắt buộc nhà băng yếu kém. Tại hầu hết cuộc họp, tên của ngân hàng yếu kém chưa được công bố chính thức. Trong hầu hết tờ trình về phương án sáp nhập tổ chức yếu kém với cổ đông, ban lãnh đạo các ngân đều đề cập tới cơ hội bứt phá tăng trưởng mạnh hơn về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, room tín dụng...

Một số lãnh đạo nói đây là "nhiệm vụ chính trị". Có đơn vị khác thì cho rằng nhận chuyển giao là cơ hội rút ngắn thời gian phát triển mạng lưới…

Tuy nhiên, lợi thế của những thương vụ sáp nhập tổ chức tín dụng cũng giống như bề nổi của tảng băng chìm. Bề mặt khuất dưới tảng băng, lại chính là những hạn chế mà các cổ đông nhìn nhận. Sáp nhập ngân hàng, theo nhiều cổ đông thì sóng gió cũng ngang với cơ hội.

"Nóng" chuyện sáp nhập mỗi mùa họp đại hội cổ đông

Nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng khác là tờ trình duy nhất không được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên năm nay của MSB. Trước đó, lãnh đạo nhà băng này cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập để tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB.

Không tiết lộ cái tên cụ thể, nhưng lãnh đạo MSB hé lộ đây là ngân hàng có tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, chất lượng tín dụng tốt. Phó chủ tịch HĐQT MSB Nguyễn Hoàng An nói tờ trình này mới là bước đầu xin chủ trương. Kết quả cuối cùng không do HĐQT quyết mà cần sự đồng ý của các cổ đông, sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Một cổ đông muốn ban lãnh đạo giải thích rõ phương thức kinh doanh sau sáp nhập, liệu MSB chỉ giúp đỡ quản trị đơn vị này hay phải hạch toán chung khoản nợ xấu. Một cổ đông khác thì cho biết không có thông tin về ngân hàng sáp nhập để đánh giá phương án hiệu quả hay không.

Hay một người khác nhắc lại chuyện Sacombank không thể tái cơ cấu sau thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), dẫn đến cổ đông nhà băng này 6 năm liền vẫn mòn mỏi chờ cổ tức.

Sáp nhập ngân hàng: Lãnh đạo cần tăng quy mô, cổ đông lo ôm rơm nặng bụng - 1

Các ngân hàng lớn mất nhiều năm để có được mạng lưới của đối tác nhưng nhờ sáp nhập có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tại Sacombank, vướng mắc duy nhất khiến nhà băng này chưa thể tái cơ cấu để chia cổ tức là việc xử lý 32,5% cổ phiếu do ông Trầm Bê và người liên quan nắm giữ. Tại phiên họp thường niên vừa rồi, Chủ tịch Dương Công Minh nói rất thấu hiểu với mong mỏi của cổ đông, nhưng hy vọng họ cho ngân hàng thêm thời gian.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông vừa rồi của VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng nhắc lại việc VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, nhà băng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Ông Dũng cũng không tiết lộ đơn vị sẽ nhận chuyển giao.

HDBank cũng được cổ đông thông qua nội dung góp vốn không quá 9.000 tỷ đồng để nhận tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Trong quá khứ, HDBank từng lên kế hoạch sáp nhập PGBank nhưng không thành công. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank, song 2 nhà băng không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Vietcombank và MB cũng là đơn vị tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng bắt buộc mua lại.

Trong phiên họp gần nhất, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết "vẫn trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng và hiện chỉ có thể thông tin như vậy".

Còn tại MB, Phó tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết vấn đề sáp nhập đã được trình và thông qua tại phiên họp thường niên năm trước. Việc này đã bắt đầu từ tháng 3 năm nay, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 mới hoàn tất, do các bước thủ tục kéo dài.

Sáp nhập ngân hàng: Tăng trưởng quy mô đột phá và thách thức

Làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng không phải chỉ "nóng" trong các phiên họp thường niên vài năm nay. Nhiều năm trước, đã có hàng loạt "hôn sự" thành công như SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất, Habubank - SHB, DaiABank - HDBank, MHB - BIDV, Mekong Bank - Maritime Bank, Southern Bank - Sacombank…

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế của Nhà nước. Ngoài việc tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm cơ cấu lại ngành ngân hàng Việt Nam. Từ 42 ngân hàng thương mại giai đoạn 2011-2012, Việt Nam còn 31 nhà băng tính đến hết quý I/2023 (số liệu Ngân hàng Nhà nước), sau hơn 10 năm tái cơ cấu.

Sau hàng loạt những vụ sáp nhập từng thực hiện trong quá khứ, câu chuyện thành công về tăng trưởng quy mô khi cộng hưởng thế mạnh của 2 bên, là điều không cần bàn cãi.

Trả lời báo giới hồi nhận quyết định sáp nhập Habubank năm 2012, ông Đỗ Quang Hiển cho biết nếu tự thân phát triển, HĐQT của SHB cũng như các chuyên gia tính toán nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ mới có được quy mô như sau khi sáp nhập. Trong khi đó, thương vụ với Habubank giúp chỉ mất còn 7 tháng, với chi phí hợp lý.

Hay việc sáp nhập Southern Bank cũng được ông Trầm Bê khi ấy đánh giá giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống các chi nhánh từ 416 điểm giao dịch lên 558 điểm giao dịch, lớn thứ 3 toàn hệ thống thời điểm đó, chỉ sau BIDV và Vietcombank.

"Hôn sự" giữa PGBank - VietinBank đã lỡ dở, nhưng trong quá khứ, theo ước tính của ban lãnh đạo nhà băng, thương vụ có thể giúp tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng, đạt trên 40.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VietinBank cũng sẽ tiếp tục đứng đầu hệ thống.

Sáp nhập ngân hàng: Lãnh đạo cần tăng quy mô, cổ đông lo ôm rơm nặng bụng - 2

Thứ hạng các ngân hàng thay sau những cuộc mua bán, sáp nhập, hợp nhất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng sau "hôn nhân" phải là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu. Song trước mắt, những thách thức gặp phải thường là thêm nợ, vấn đề tài cơ cấu...

Đơn cử, một năm sau sáp nhập Habubank, SHB "ghi danh" vào danh sách những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Sacombank - sau khi sáp nhập Southern Bank - đến nay vẫn chưa xử lý xong số cổ phần của ông Trầm Bê và nhóm liên quan để chia cổ tức.

Năm ngoái, trong phiên họp thường niên, ông Lưu Trung Thái - khi đó là Tổng giám đốc MB - tiết lộ tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc lên tới 47%.

Đó là chưa kể đến bài toán "trộn" nhân sự, cơ cấu… sau sáp nhập khi có sự "vênh" về năng lực. Cổ đông MB năm ngoái cũng chất vấn lãnh đạo câu chuyện nếu nhập chuyển giao tổ chức tín dụng, nhân viên tổ chức này sẽ hoạt động ra sao. Các cổ đông đều lo ngân hàng "ôm rơm nặng bụng".

Hay phải kể đến câu chuyện năm 2018, trước việc Petrolimex mãi không thể thoái vốn, cộng thêm những đồn đoán về việc sáp nhập, hàng loạt nhân viên PGBank nghỉ việc. Tổng số nhân sự nghỉ việc trong năm 2018 lên tới 385 người, theo Dự thảo tài liệu phiên họp thường niên năm 2019 của PGBank. "Số nhân viên nghỉ việc tương đương 23,88%, tỷ lệ này rất cao so với những năm gần đây do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập", báo cáo ban điều hành PGBank thời điểm đó cho biết.

Sáp nhập ngân hàng: Lãnh đạo cần tăng quy mô, cổ đông lo ôm rơm nặng bụng - 3

Đến hết quý I/2023, Việt Nam có 31 nhà băng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia tài chính chỉ ra khó khăn trong M&A ngân hàng tại Việt Nam là câu chuyện tích hợp công nghệ thông tin và những bất ổn về nhân sự. "Tiền sáp nhập đã chông gai, nhưng hậu sáp nhập còn khó hơn", vị này nói.

Cụ thể, năng lực tại nhân sự tại các ngân hàng yếu kém thường có độ chênh so với những đơn vị lớn. Trước đây, sau những thương vụ M&A, cũng diễn ra tình trạng một số ngân hàng phải đào tạo lại nhân sự, số khác cử cán bộ "biệt phái" sang để quản trị. Hệ thống công nghệ cũng phải đầu tư mạnh để khớp sau tái cơ cấu.

Sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội. Ông lưu ý điểm then chốt trong các thương vị sáp nhập là câu chuyện đánh giá đúng tình hình sức khỏe của "đối tác" tiền sáp nhập và việc điều hành hậu sáp nhập.

"Nếu không khéo, rủi ro có thể là làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của nhà băng lớn", vị này cho hay.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/sap-nhap-ngan-hang-lanh-dao-can-tang-quy-mo-co-dong-lo-om-rom-nang-bung-20230502124312071.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/sap-nhap-ngan-hang-lanh-dao-can-tang-quy-mo-co-dong-lo-om-rom-nang-bung-20230502124312071.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sáp nhập ngân hàng: Lãnh đạo cần tăng quy mô, cổ đông lo 'ôm rơm nặng bụng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO