Sài Gòn và Trịnh

01/05/2023 12:00
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Sài Gòn – TPHCM, nơi sự nghiệp âm nhạc của ông thăng hoa hơn cả.

Hẻm Trịnh

Khi mới vào TPHCM, các bạn bè văn chương thường hẹn tôi uống cà phê mỗi ngày ở cái ngõ nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch, khá gần với Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà.

Các bạn văn nói: “Đây là hẻm Trịnh, cuối hẻm là nhà của Trịnh Công Sơn. Ngồi một chút rồi sẽ thấy nhạc sĩ đi ra cùng với bạn bè đấy”.

Sài Gòn và Trịnh-1
Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn Ảnh: Dương Minh Long.

Gọi là cà phê hẻm nhưng thật ra chẳng có quán xá gì, chỉ là một tủ bán cà phê lóc cóc đầu ngõ, còn khách ngồi dưới bóng cây xoài, cứ nắng hướng nào thì tránh hướng ấy. Nắng chang chang mà giữa trưa đến tận chiều ngõ vẫn đầy các nhà thơ, họa sĩ, dịch giả…

Có những người ngồi quán cóc ấy mấy chục năm, dù không quen biết và không bắt chuyện với Trịnh Công Sơn, song trong các câu chuyện trà dư tửu hậu, chắc chắn người ta vẫn sẽ nhắc về người nhạc sĩ gầy gò với cặp kính vừa mới bước chân xuống phố.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc đầu tay tại Sài Gòn, đó là ca khúc Ướt mi, dành tặng cho ca sĩ Thanh Thúy, một cô gái Huế vào Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường ca hát phòng trà.

Trong bài hát đầu tay ấy, người ta thấy Sài Gòn hiện ra vừa hoa lệ với những đêm âm nhạc đài các, nhưng cũng nơi ấy có người nghệ sĩ sống trong ngõ nhỏ chìm lấp trong mưa: “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Lòng tôi như chơi vơi”.

Ca khúc Ướt Mi có nét buồn cổ điển bàng bạc như “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, song ngay trong ca khúc đầu tay, Trịnh Công Sơn đã cho thấy một tinh thần “nhập thế” đầy năng lượng và hy vọng: “Đừng khóc trong đêm mưa/ Đừng than trong câu ca” (Ướt mi)”.

Sài Gòn và Trịnh-2
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và Trịnh Công Sơn Ảnh tư liệu nghệ sĩ.

Theo dịch giả Bửu Ý, những ngày Trịnh Công Sơn đi dạy học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) Trịnh rất buồn và nhạc sĩ thấy rằng mình cần phải về sống tại Sài Gòn, nơi anh có thể phát triển sự nghiệp âm nhạc.

Trịnh Công Sơn không về Sài Gòn một mình, ông đã cố gắng thuyết phục Khánh Ly giã từ Đà Lạt để theo ông hát chốn phồn hoa. Song, thay vì về Sài Gòn để hát với cát xê khổng lồ thì Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường biểu diễn miễn phí cho sinh viên, học sinh.

Khánh Ly từng chia sẻ về mười năm đi hát cùng Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Trịnh Công Sơn rất ít viết các bài hát gắn với một địa danh cụ thể nào đó, nhưng khi đất nước chia cắt, người ta nghe tiếng hát Khánh Ly vang lên với bài “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” cùng câu hát như một tiếng thét vang giữa không trung: “Huế - Sài Gòn - Hà Nội, quê hương ơi sao vẫn còn xa!”.

Tình yêu với Sài Gòn, với quê hương và đất nước là một động lực để Trịnh Công Sơn ôm đàn hát trên đài phát thanh trưa ngày 30/4/1975 (sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh).

Trước khi hát, nhạc sĩ kêu gọi mọi người hãy ở lại xây dựng đất nước: “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta… Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này… Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó…”.

Trịnh Công Sơn cũng nói: “Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước chúng ta”.

Bài hát Nối Vòng Tay Lớn do chính Trịnh Công Sơn trình bày chính là ca khúc đầu tiên được phát trên đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975.

Em còn nhớ…

Sau năm 1975, Trịnh Công Sơn vẫn sống và sáng tác tại TPHCM.

Sài Gòn và Trịnh-3
Nhạc sĩ Trần Tiến và Trịnh Công Sơn ảnh Tư liệu.

Trong bộ phim Sống Với Quê Hương (đạo diễn Lê Văn Duy thực hiện năm 1977), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết: “Anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) gợi ý mình đi thực tế Nông trường Thái Mỹ cùng nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn. Khi thấy có quá nhiều trí thức bỏ thành phố ra đi, anh Sáu Dân bảo: 'Này, Sơn viết cái gì đó kêu gọi trí thức ở lại. Anh nghĩ cậu có thể làm tốt việc này”.Thế là mình viết ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên'.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng xác nhận Trịnh Công Sơn viết Em Còn Nhớ hay Em Đã quên theo lời đề nghị của ông Võ Văn Kiệt. Khi ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm việc tại Hội nhạc sĩ TPHCM.

Hưởng ứng lời đề nghị của ông Võ Văn Kiệt, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng viết ca khúc Đi Qua Vùng Cỏ Non với những câu: “Những được mất riêng của mình đời người ai cũng có/ Hãy cho nhau tình yêu, hãy thương nhau thật nhiều...”.

Ca khúc Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên có nhiều câu nhắc đến “Sài Gòn” - là điều hiếm thấy trong các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì ông rất ít viết về các địa danh. “Em còn nhớ hay em đã quên/ Nhớ Sài Gòn mỗi chiều gặp gỡ/ Nhớ món ăn quen, nhớ ly chè thơm/ Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng”.

Bài hát được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, đặc biệt là giọng nam ấm áp của ca sĩ, diễn viên Chánh Tín.

Trịnh Công Sơn là người “thuyết phục” khá nhiều văn nghệ sĩ đến lập nghiệp ở TPHCM sau năm 1975 và ở khía cạnh nào đó, ông đã góp phần làm cho đời sống âm nhạc tại đây phong phú hơn.

Ca sĩ Mỹ Lệ chia sẻ với truyền thông rằng: “Tôi có tham gia một chương trình xuyên Việt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (…) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói với tôi rằng tôi phải vào TPHCM lập nghiệp, nhóm những người bạn của anh ấy sẽ hỗ trợ, giới thiệu show hát cho tôi. Thế là vì lời hứa, lời khuyên của anh Trịnh Công Sơn mà tôi vào thành phố bắt đầu sự nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học thanh nhạc ở Huế”.

Ca sĩ Hồng Nhung vào TPHCM thì “bị” Trịnh Công Sơn níu chân bởi món phở, vốn là món ăn khoái khẩu của cô. Hồng Nhung kể: “Anh Sơn nghe tôi hát lần đầu tiên là bài “Lặng lẽ nơi này”. Sáng hôm sau, anh Sơn có mời tôi đi ăn phở. Và từ đó trở đi hai anh em hầu như ngày nào cũng gặp nhau”.

Nhạc sĩ Trần Tiến thì kể lại lần đầu tiên gặp Trịnh Công Sơn (1976) tại nhà ông ở TPHCM: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày đó là một người đàn ông bận đồ nhà chùa, dáng điệu thanh tịnh”.

Trần Tiến được mời uống rượu và ngủ lại nhà. Trịnh Công Sơn thường viết thư và khuyên Trần Tiến viết ca khúc, với lý do: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”. Đọc được thư, Trần Tiến “bừng tỉnh” không mê viết giao hưởng nữa mà viết một loạt ca khúc để đời.

Một người đàn anh thân thiết của tôi - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng thường chia sẻ rằng khi anh vào TPHCM, còn chân ướt chân ráo thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn động viên, chia sẻ giúp anh phát triển sự nghiệp tại TPHCM.

Trịnh Công Sơn không chỉ là “thỏi nam châm văn hóa” thu hút các anh em văn nghệ sĩ từ khắp nơi về với TPHCM mà ông còn là chỗ dựa tinh thần đối với anh em văn nghệ trong thành phố.

Tam ca Áo trắng cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trực tiếp hướng dẫn, dạy cho họ cách hát về các tác phẩm của ông. Rất nhiều ca sĩ khác cũng như vậy.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói: “Âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn kết tất cả mọi người, bởi âm nhạc Trịnh Công Sơn chứa đựng một nguồn năng lượng bao la về tình yêu thương đất nước và yêu thương con người”.

Theo Tiền Phong

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sài Gòn và Trịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO