Cụ thể, theo báo cáo, SGK là mặt hàng thiết yếu, số lượng, chất lượng được xác định tương đối chính xác hằng năm; thiết kế, mẫu mã được ổn định trong nhiều năm; số lượng xuất bản và tiêu thụ lớn hơn nhiều so với các loại sách khác.
Tuy nhiên, chi phí phát hành (chiết khấu) SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu khác.
Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành của Nhà xuất bản giáo dục phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Sách giáo khoa mới chiết khấu tới 29%. |
Cụ thể giá các bộ sách hiện nay: Đối với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn.
Các bộ SGK lớp 2 mới có giá từ 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000/cuốn; bộ SGK lớp 2 cũ có giá 53.000 đồng. Bộ sách lớp 3 có giá 177.000 đến 183.000 đồng trong khi bộ hiện hành giá 58.000. Bộ sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng. Sách lớp 10 giá 246.000 -301.000 đồng một bộ tuỳ tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 đồng đến 140.000 đồng. Các mức giá này chưa bao gồm sách tiếng Anh…
Giá SGK cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh Luật Giá, quy định SGK là hàng hóa do Nhà nước định giá, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa SGK. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp hạ giá thành SGK do các chi phí đầu vào bắt buộc tăng như đã phân tích ở trên.
Bộ GD&ĐT nói gì?
Trong báo cáo giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ký cũng khẳng định, mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật giá 2012 và thông tư liên quan quy định, Bộ Tài chính chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Cũng theo báo cáo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá sách, giảm mức chiết khấu phát hành sách.