Mỹ
Cô Amber Lê (39 tuổi, đang dạy học tập trường trung học Greenville - Bang Pennsylvania, Mỹ) cho biết, ở Mỹ, toàn bộ sách giáo khoa sẽ do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm biên soạn và sản xuất phát hành. Bộ Giáo dục Mỹ chỉ đóng vai trò đưa ra yêu cầu, đánh giá chung, quyền quyết định chọn sách sẽ giao cho các truyền, các bang tự quyết.
Mỗi tiểu bang ở Mỹ sẽ quyết định dạy theo một bộ sách giáo khoa khác nhau, họ không thống nhất một bộ sách chung, thậm chí ngay trong một quận, bang các trường cũng chọn các bộ sách khác nhau để dạy. Việc chọn bộ sách là dân chủ nhưng cũng sẽ có cơ quan giáo dục giám sát và điều chỉnh khi thấy không phù hợp, dựa trên sự biểu quyết của đại đa số phụ huynh, giáo viên, học sinh.
Học sinh có thể lựa chọn học sách giấy hoặc sách giáo khoa điện tử tuỳ ý. Thậm chí các em có thể mượn 100% sách từ thư viện nhà trường hoặc thư viện thành phố, quận, vì giá sách giáo khoa ở Mỹ rất cao từ 20 đến 300 USD/quyển.
Theo cô Amber Lê, sách giáo khoa ở Mỹ được coi như tài liệu học tập bổ trợ, kiến thức chính do giáo viên cung cấp trên lớp, theo giáo án. Sau mỗi giờ học, giáo viên sẽ giao bài tập về nhà, để giải quyết được đề bài học sinh sẽ phải tìm đọc thông tin ở nhiều quyển, nhiều bộ khác nhau. "Để học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa thì cốt lỗi hãy dạy cho học sinh suy nghĩ, tư duy độc lập, gắn kiến thức vói thực tế. Như vậy, dù có học bộ sách giáo khoa nào không quan trọng, miễn các em giải quyết được vấn đề bài tập chung đưa ra", nữ giáo viên nói.
Nhật Bản
Anh Vũ Tiến Hải (28 tuổi, du học sinh Đại học Tohuku) cho biết, ở bậc giáo dục phổ thông, Nhật Bản áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi tỉnh sẽ được quyền lựa chọn bộ sách, đầu sách giáo khoa phù hợp với văn hoá, đặc trưng riêng. Thậm chí có một số tỉnh họ tự biên soạn 30 - 50% nội dung giáo dục riêng kèm với sách giáo khoa để dạy.
Sách giáo khoa ở Nhật Bản sẽ do các đơn vị tư nhân biên soạn dựa trên tiêu chí, quy định nghiêm ngặt của nhà nước.
Học sinh ở Nhật Bản không cần phải mua sách giáo khoa, được hầu hết nhà trường phát miễn phí. Mỗi cuốn sách đều in thông điệp: "Cuốn sách giáo khoa này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận".
Anh Hải nói, Nhật Bản gần giống với mô hình Việt Nam đang áp dụng, giáo viên soạn bài dựa trên khung chương trình và yêu cầu chung do Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể Thao Nhật Bản ban hành, dữ liệu tự do khai thác từ cách sách giáo khoa khác nhau.
Vương quốc Anh
Ở Anh, sách giáo khoa được các doanh nghiệp tổ chức biên soạn, Bộ Giáo dục sẽ thẩm định. Không có bộ sách giáo khoa riêng do Bộ Giáo dục Anh biên soạn.
Hàng năm, giáo viên sẽ chọn lựa các đầu sách giáo khoa phù hợp để soạn giáo án. Đồng thời, học sinh cũng có quyền lựa chọn sách để học trong một khuôn khổ nhất định và có trách nhiệm tự thu thập thông tin để góp ý trên lớp, sử dụng khi làm bài thi hay kiểm tra.
Học sinh cấp 3 ở đây thường phải tự xây dựng lập trường và nhu cầu riêng nên việc học theo nhiều sách giáo khoa. Các giáo viên sẽ đóng vai trò là người định hướng, tư vấn cho học sinh trong việc khai thác thông tin để giải được đề bài học tập.
Đức
Ủy ban sách giáo khoa trường học thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Đức thực hiện chức năng kiểm soát danh mục sách dùng ở các địa phương, lớp học.
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Văn hóa sẽ tổ chức thẩm định, lựa chọn và công bố danh mục các sách giáo khoa được chấp thuận bởi chính quyền bang. Các trường sẽ căn cứ vào danh mục đó mà đăng ký các loại sách giáo khoa sẽ dùng để dạy cho học sinh.
Sau đó, chính quyền các bang ở Đức cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho học sinh, điều này nhằm tăng cường cơ hội cho mọi học sinh tiếp cận tất cả nguồn tài liệu dạy học sử dụng trong nhà trường, sách giáo khoa và các tài liệu dạy học khác.
Ngoài sách giáo khoa, học sinh sẽ được nhà nước cung cấp miễn phí đồ dùng học tập, máy tính, dụng cụ học nghề, thủ công...
Hàn Quốc
Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, toàn bộ học sinh từ cấp tiểu học lên đến trung học phổ thông tại Hàn Quốc đều được hưởng giáo dục miễn phí (bao gồm tiền học phí, sách giáo khoa và phí hỗ trợ vận hành trường học). Sau khi sử dụng, các học sinh không phải trả lại sách.
Hiện ở Hàn Quốc có khoảng 5 - 6 bộ sách giáo khoa khác nhau ở mỗi lớp học. Giáo viên, các trường sẽ quyết định dạy sách gì, nội dung gì, miễn sao họ đảm bảo yêu cầu chung của Bộ Giáo dục đưa ra.
Pháp
Theo luật của Pháp, Bộ Giáo dục sẽ ban hành khung chương trình giáo dục. Còn các bộ sách giáo khoa sẽ được các doanh nghiệp công lập và tư nhân tổ chức biên soạn, phát hành dựa trên sự kiểm định, chấp thuận của Bộ Giáo dục Pháp.
Người quyết định chọn sách là giáo viên. Trước mỗi năm học, giáo viên sẽ đề xuất lên hội đồng giáo dục trường danh mục các sách giáo khoa mong muốn được dạy cho học sinh. Dựa trên nguyện vọng của giáo viên, nhu cầu học sinh, nhà trường sẽ thảo luận và chốt danh mục sách giáo khoa trong chương trình giảng dạy.
Pháp cũng xây dựng một ủy ban quốc gia có quyền phê chuẩn và giám sát tất cả xuất bản phẩm cho người đọc trẻ tuổi. Điều đó có nghĩa là tất cả các sách, không chỉ sách giáo khoa phục vụ các đối tượng tuổi học sinh, đều chịu sự giám sát của cơ quan này.
Trung Quốc
Trung Quốc cũng đang áp dụng mô hình như Việt Nam - một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa.
Trước khi quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa đưa vào trường học dạy chính thức, địa phương có trách nhiệm khảo sát ý kiến giáo viên và xét duyệt gắt gao về chất lượng cũng như mức độ phù hợp, đặc thù. Mỗi khu vực phải chọn ít nhất ba bộ sách giáo khoa trong số những bộ được phép sử dụng. Giáo viên, các trường sẽ căn cứ vào danh mục sách được tỉnh thông qua để chọn áp dụng dạy cho học sinh.