Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa báo cáo Thường trực UBND TP.HCM về xây dựng Đề án thí điểm thực hiện quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.
Về cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn, Sở TN&MT cho biết, hiện Thành phố đang thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 9/3/2020 (Nghị quyết 27).
Chính phủ đã cho phép UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi; đồng thời, được quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất.
Trên cơ sở đó, TP.HCM đã ban hành các quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trong các năm 2021, 2022 và 2023.
Về quy chế phối hợp để triển khai công tác bồi thường, TP.HCM ban hành quy định khung thời gian thực hiện là 270 ngày, chưa tính thời gian cưỡng chế thu hồi đất, kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi.
Đối với dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND TP.HCM đã xin chính sách đặc thù và được Chính phủ chấp thuận cho thực hiện đồng thời nhiều thủ tục để rút ngắn thời gian.
TP.HCM đã ban hành kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3. Vì có thêm cơ chế đặc thù nên thời gian bồi thường lúc này chỉ còn 223 ngày, rút ngắn được 47 ngày.
UBND TP.HCM xác định dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 sẽ là dự án kiểu mẫu, những dự án sau sẽ thực hiện tương tự.
Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nếu được cho phép triển khai như dự án Vành đai 3, thời gian giải phóng mặt bằng tại các dự án sau này của TP.HCM sẽ được rút ngắn hơn. Hiện các bộ, ngành và Chính phủ đang xem xét vấn đề này.
Tuy nhiên, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị không xây dựng Đề án thí điểm quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trong thời gian chờ ban hành nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 54/2017/QH14. Các dự án sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo quy trình bồi thường 270 ngày.
Lý do là bởi tại dự thảo nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, UBND Thành phố kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế như với công tác bồi thường tại dự án đường Vành đai 3.
Theo đó, sau khi nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 54/2017/QH14 ban hành, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tham mưu quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng áp dụng trên địa bàn thành phố. Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án dự kiến 75.300 tỷ đồng. Đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 18.000 tỷ đồng. Để triển khai dự án sẽ phải thu hồi hơn 410ha đất với 645 hộ dân bị giải toả trắng và 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng.