Thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng như: ong đất, tắc kè, mật động vật các loại khoảng 10%…
Đòi hỏi quy trình khắt khe
Bác sĩ Bùi Huy Cận - Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Cơ sở 3 - cho biết từ xa xưa, việc sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền để ngâm rượu rất phổ biến cho đến ngày nay.
Các chế phẩm rượu thuốc thường có nhiều công dụng khác nhau, ở các vị thuốc trên như: lộc nhung, ba kích, nhân sâm…có điểm chung là bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý nam giới.
Ngoài các vị thuốc này, có thể phối hợp thêm một số vị thuốc khác để cấu thành một bài thuốc ngâm rượu.
Các bài thuốc ngâm rượu nhìn chung đều có tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần phải có nguồn dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng, việc sơ chế dược liệu đòi hỏi một quy trình khắt khe và kiểm nghiệm đầy đủ. Rượu sử dụng ngâm phải là loại rượu đạt chất lượng, có thể dùng để uống.
Bác sĩ Huy Cận cho biết thêm, trước khi muốn sử dụng các chế phẩm này, cần phải được tham vấn từ bác sĩ để sử dụng đúng bài thuốc ngâm rượu cho từng đối tượng phù hợp và liều lượng khi sử dụng.
Tránh các trường hợp người sử dụng có mắc một số các bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, đái tháo đường, tăng axit uric, các bệnh lý suy giảm chức năng gan - thận,… Có thể sử dụng các sản phẩm hoặc dược liệu từ các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo cho sức khỏe.
Rượu thuốc được sử dụng nhiều trong văn hóa Việt, không những trong ngày tết mà còn trong các ngày thường.
Đặc biệt trong dịp tết, việc sử dụng rượu bia càng trở nên phổ biến là nguy cơ cho nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, gia tăng tình trạng các bệnh lý nguy hiểm sau kỳ nghỉ tết,… Việc sử dụng rượu cần được kiểm soát và không nên lạm dụng để mọi người vui xuân trọn vẹn, giữ được sức khỏe thật tốt.
Coi chừng mắc xơ gan, tim mạch
TS Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm.
Với các loài động vật ăn thịt sống như rắn, chuột, nhái, ếch, trong lông và bụng đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể.
Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông, khi dùng các con vật như bìm bịp, tắc kè cần nướng chín trước khi ngâm rượu.
Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.
Rượu ngâm động vật nguyên con còn dẫn tới khả năng dị ứng cao bởi động vật thường có các protein lạ khiến người uống có thể bị ngộ độc với các biểu hiện: nôn, buồn nôn, co thắt, khó thở. Nhiều trường hợp ngộ độc nặng nếu không cứu chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
TS Trương Hồng Sơn đưa ra khuyến cáo: Nếu lạm dụng rượu, người uống có thể gặp khoảng 300 mã bệnh và trực tiếp liên quan tới các bệnh: xơ gan, bệnh lý tim mạch…
Rượu ngâm cũng không có gì khác rượu thông thường. Vì vậy, không nên sử dụng rượu ngâm với số lượng nhiều.