Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, ngày nay nhiều hệ thống robot chiến đấu mặt đất trên chiến trường đang được phát triển và thậm chí có những mẫu đã được đưa vào trang bị. Đặc biệt với khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo, các robot quân sự ngày càng thông minh hơn, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.
Ý tưởng và nguyên mẫu của robot chiến đấu đã xuất hiện từ thế kỷ trước
Các ý tưởng sử dụng robot chiến đấu cho mục đích quân sự đã có từ lâu. Chính họa sĩ, nhà khoa học Leonardo da Vinci vào thế kỷ 15 đã phát minh ra mô hình hiệp sĩ cơ khí. Sau đó, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ I, nhà khoa học Nikola Tesla từng đưa ra ý tưởng chế tạo tàu ngầm mini điều khiển từ xa qua sóng vô tuyến. Tuy nhiên, những giới hạn về công nghệ khiến việc hiện thực hóa những ý tưởng đó là không khả thi, cũng như sự không quan tâm của quân đội các nước.
Xe tăng hạng nhẹ T-26 từng được thử nghiệm trở thành robot chiến đấu của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Rian. |
Tại Liên Xô, các nguyên mẫu xe tăng điều khiển bằng sóng vô tuyến đã xuất hiện vào đầu những năm 1930. Tuy nhiên, tiền thân của robot chiến đấu hạng nhẹ không thể cạnh tranh với các phương tiện chiến đấu bọc thép có người lái trong hoạt động chiến đấu. Nguyên mẫu robot chiến đấu phát triển dựa trên xe tăng hạng nhẹ T-26 từng được sử dụng trong Chiến tranh Mùa Đông ở Phần Lan và bị loại bỏ khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu. Về phía phát xít Đức, quân đội quốc xã từng phát triển robot chiến đấu bánh xích Goliath mang 100kg thuốc nổ với mục tiêu phá hủy xe tăng của Hồng quân Liên Xô, nhưng cũng không thành công.
Sau đó, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Liên Xô và Mỹ đều tích cực phát triển các loại robot chiến đấu cho quân đội. Tiến trình này vẫn đang được tiếp tục tới tận thời điểm hiện tại. Đối với robot chiến đấu trên bộ, xu hướng phát triển được chia làm 3 hướng chính. Đầu tiên là robot quân sự phục vụ rà phá bom mìn ở mặt trận. Thứ hai, các dòng robot vận tải chuyên chở hàng hóa, đạn dược hoặc sơ tán thương binh khỏi chiến trường. Và cuối cùng là robot chiến đấu thực sự với hỏa lực mạnh mẽ, hỗ trợ trực tiếp binh sĩ trong các trận chiến.
Tại sao Nga lại robot hóa các trang bị quân sự?
Thừa hưởng số lượng lớn khí tài quân sự từ thời Liên Xô, cũng như xu hướng phát triển robot chiến đấu trên bộ, Nga trong nhiều thập kỷ qua đã phát triển và thực nghiệm nhiều hệ thống điều khiển để robot hóa các loại trang bị chiến đấu trên bộ.
Tập đoàn quốc doanh Rostec của Nga đã có nhiều chương trình phát triển robot chiến đấu trên bộ dựa trên nền tảng phương tiện chiến đấu lục quân đáng chú ý.
Tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế - Army 2022, Rostec đã trình diễn phiên bản robot của BMP-3 với module chiến đấu tự động Sinitsa. Nó được trang bị pháo tự động 2A72 30mm, súng máy song song 7,62mm và pháo chính 2A70 100mm. Sự khác biệt cơ bản giữa Sinitsa và các module chiến đấu có người lái trước đó là hệ thống hỗ trợ quan sát với góc nhìn toàn cảnh hiện đại với kênh hình ảnh nhiệt. Điều này giúp người điều khiển có thể hoạt động bất kể ngày đêm.
Khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với module chiến đấu tự động Sinitsa. Ảnh: Lenta |
Toàn bộ cơ chế chiến đấu và hỏa lực đều tương tự như xe chiến đấu BMP-3 phiên bản có người lái tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhờ là phiên bản không người lái, robot chiến đấu này có thể hoạt động trong các tình huống nguy hiểm, đe dọa sinh mệnh của các thành viên kíp lái.
Cùng với đó, Viện nghiên cứu khoa học toàn Nga Signal đã giới thiệu tổ hợp thiết bị robot hóa Prometheus giúp chuyển đổi bất kỳ phương tiện chiến đấu mặt đất nào thành robot chiến đấu không người lái. Nhờ thiết kế dạng module lắp ghép, quá trình robot hóa cũng có thể đảo ngược để phương tiện trở lại nguyên gốc với kíp lái điều khiển thông thường.
Theo Giám đốc phụ trách phát triển vũ khí của Rostec, Bekhan Ozdoev, tổ hợp thiết bị Prometheus đang phát triển theo hướng tăng cường khả năng tự động hóa.
“Nếu kết hợp Prometheus với các hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, bạn sẽ có được một “kẻ hủy diệt” thực sự”, ông Bekhan Ozdoev cho biết.
Hướng tới các nền tảng robot quân sự đa dụng
Dựa trên những kinh nghiệm chiến trường và quá trình sử dụng các robot quân sự hoán cải, Rostec gần đây đang tập trung phát triển các nền tảng robot chiến đấu lưỡng dụng theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga. Đáng chú ý là nền tảng robot đa dụng Depesha được giới thiệu trong tháng 6-2024 với khả năng cung cấp vật tư, đạn dược, nhiên liệu cho tiền tuyến và sơ tán thương binh một cách nhanh chóng và lặng lẽ. Với các trang bị khác, Depesha có thể sử dụng những một robot tấn công xung kích hay nhiệm vụ triển khai hoặc rà phá bom mìn. Điều khiển hệ thống Depesha chỉ cần một kỹ thuật viên duy nhất.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, một trong những đặc điểm lợi thế của robot chiến đấu là sự nhỏ gọn và cơ động cao, cũng như khối lượng vận chuyển đáng nể. Depesha chỉ có trọng lượng khoảng 100kg, nhưng có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa gấp nhiều lần trọng lượng của nó.
Robot chiến đấu đa dụng Caracal với khả năng tích hợp nhiều module chiến đấu trên chung một nền tảng. Ảnh: Rian |
Còn tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế - Army-2024, nền tảng robot chiến đấu Caracal đã được giới thiệu. Nó có chức năng tương tự như Depesha, nhưng được tối ưu hơn về khối lượng chuyên chở, tầm hoạt động và khả năng tích hợp các module chiến đấu tùy theo nhiệm vụ. Tại Army-2024, nhiều mẫu robot quân sự lưỡng dụng khác cũng được giới thiệu như Impulse-M kết hợp giữa vận tải quân sự và vũ khí chống tăng hay MGR-4 Shmel cho nhiệm vụ công binh và rà phá bom mìn.
Xu hướng phát triển robot chiến đấu mặt đất mới đang trở thành nhu cầu tất yếu trong mọi cuộc xung đột. Chúng giúp giảm tổn thất xương máu của của người lính trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhờ công nghệ tích hợp và chi phí tối thiểu.
TUẤN SƠN (tổng hợp)