Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ

Bảo Phước| 09/01/2024 15:44

Khi các nguyên liệu cấu thành món ăn đều thuộc phân khúc bình dân trong thế giới của mình, không gì bất ngờ hơn một thành phẩm đã vươn mình chạm tới đỉnh cao của mỹ vị.

Làn sóng nhập cư qua nhiều thập kỷ tại Sài Gòn – TP.HCM đã mang văn hóa ẩm thực của những gia đình gốc Bắc len lỏi về từng góc phố, ngõ hẻm. Tôi cũng là một người xứ Bắc, vì yêu mảnh đất phương Nam nắng gió này mà quyết định ở lại định cư, lập nghiệp.

TP.HCM là vùng đất hội tụ, giao thoa văn hóa. Ẩm thực từ đó cũng pha trộn nhiều nét đặc sắc của ẩm thực các vùng miền và hương vị của các quốc gia khác trên thế giới. Những món ăn này đã được điều chỉnh để thích ứng với khẩu vị của người dân Nam Bộ, nhưng vẫn giữ cái hồn túy của quê hương, tạo ra một hương vị đậm chất Sài Gòn không nơi nào có được.

Thành phố này không thiếu thứ gì nhưng với những con người tha hương đôi khi vẫn chông chênh nỗi nhớ quê, nhớ gia đình đến thèm phát điên một hương vị xa thật xa trong ký ức. Tôi cũng có những chiều quay quắt nhớ nhung như vậy dù hàng quán ẩm thực xung quanh luôn đủ đầy và tiện lợi. Đó là những chiều giao mùa, khi cái nắng, cái mưa của Sài Gòn ngưng lặng ngoài ô cửa và bất chợt những hương vị tưởng biến mất trong ký ức mà nay hiện về.

Những ngày chênh chao đó, tôi thường lái xe máy qua vài ngã tư nhộn nhịp để tìm cho mình một phần ăn nóng hổi đậm đà vị Bắc. Nhưng đôi lúc “nhập gia tùy tục”, vì muốn nuông chiều khẩu vị của phương Nam mà một vài tiệm Bắc quyết định “làm mới” mùi vị, tạo nên những biến tấu lưng chừng, nên không dễ để tìm ra ngay một địa chỉ ẩm thực gốc Bắc đáng tin cậy giữa thành phố giao thoa bản sắc.

Với tôi, Riêu Cá 3A chính là một trong những “góc nhỏ” hiếm hoi đi ngược lại số đông, với điểm nhấn là món riêu cá chép vừa thổi vừa ăn mà những ai từng thưởng thức đều xuýt xoa khen ngợi. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm tại Sài Gòn, làn khói nghi ngút đưa đẩy những “nốt hương” bổng trầm tỏa ra từ nồi canh riêu cá càng khiến tôi nhớ nhung về món ăn thời thơ ấu với vị chua của khế, vị của mẻ trong bát canh riêu cá của bà, của mẹ nấu mỗi ngày hè nóng nực, hay những ngày đông rét cắt da cắt thịt.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 1

Theo chia sẻ từ chủ quán, Riêu Cá 3A lần đầu ra mắt thực khách vào năm 1989 với mong ước giản dị: đưa món canh riêu cá chép xuất hiện gần gũi trên bàn tiệc Sài Gòn. Miệt mài đi tìm dấu ấn riêng trong suốt hơn 30 năm ròng rã, Riêu Cá 3A cuối cùng đã tìm ra công thức chinh phục trái tim thực khách, từng bước chuyển mình vượt ra khỏi vai trò quán ăn thuần túy để trở thành một phần văn hóa ẩm thực Sài thành.

Vốn là một món ăn quen thuộc trong kho tàng ẩm thực dân gian, tên gọi “canh riêu cá chép” giữ nguyên từ Hán-Việt có nghĩa là món ăn nấu nhiều nước với thành phần chính là cá chép. Cần lưu ý rằng, chữ “riêu” trong tên món lại thực chất đang ám chỉ đến loài cua nhỏ theo cách giải nghĩa của từ điển cổ, nên có thể thấy, bản thân canh riêu cá chép chính là một biến thể của canh riêu thông thường, thay cua bằng cá chép. Nhưng vì sao lại có sự sáng tạo này?

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 2

Bên cạnh là một loại cá phổ biến trong ẩm thực đất Bắc thì theo Đông y, cá chép được biết đến với công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ đang trong thai kỳ. Món ăn từ cá chép không những ngon do thịt cá dày, béo và ít xương dăm mà còn chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng hỗ trợ quá trình lợi tiểu, bình phổi thông sữa hoặc làm sạch đường tiêu hóa. Thành phần protein trong cá chép cũng cho phép cơ thể con người dễ dàng hấp thụ hơn các loại protein khác. Vì vậy, sự sáng tạo ẩm thực của cổ nhân thể hiện trong món canh riêu cá chép là vô cùng ý nghĩa, mang đến giá trị dinh dưỡng cao cho người thưởng thức.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 3

Cá chép dùng trong món canh riêu được đầu bếp làm sạch, khử mùi tanh và bỏ đi túi mật bên trong. Riêng phần nước dùng lại hệt như một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ bắt mắt mà còn đậm đà, được tạo nên bởi những mảng miếng hương sắc của mẻ chua dịu mềm, của thì là và hành lá thơm thơm hòa trong sắc đỏ của cà chua và ớt hiểm, thêm chút mắm, muối phù hợp khẩu vị. Món canh riêu cá có vị ngọt thanh của cá chép, vị chua chua của nước mẻ và mùi thơm của các loại rau gia vị hòa quyện. “Một gắp là say đắm, hai gắp là đắm say!”.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 4

Đầu bếp cẩn thận chuẩn bị các nguyên liệu cho món ăn.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 5

Cá chép được rửa sạch sẽ trước khi chế biến.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 6

Đầu bếp làm sạch cá, loại bỏ túi mật bên trong.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 7

Sau đó, cắt cá thành từng khúc vừa vặn để thực khách thả vào nồi canh.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 8

Món canh riêu cá chép đã sẵn sàng.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 9

Thưởng thức món canh riêu cá chép.

Thưởng thức canh riêu cá chép trên những tầng cao của quán, giữa không gian ngoài trời thoáng đãng có tầm nhìn hướng ra kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tôi như được lắng lòng cảm nhận từng khoảnh khắc yên ả lướt qua trong hương vị quyến rũ của canh riêu nồng nàn.

Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 10
Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ - 11
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Riêu cá chép - vị giao hòa thương nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO