'Rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt khe cửa hẹp để trúng thầu giá rẻ'

Hoài Thu| 01/11/2023 14:26

Nêu thực tế nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt qua khe cửa hẹp để trúng thầu, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ khó khăn nhất là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới.

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11, nhiều bất cập trong ngành y tế được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường, với mong muốn tìm hướng giải quyết để giúp ngành y vượt qua giai đoạn khó khăn.

Doanh nghiệp nhìn vào dãy thủ tục đều lắc đầu ngao ngán

Giơ biển tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc mà đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề cập, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhận định việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều so với mua sắm trang thiết bị vật tư tiêu hao y tế.

"Chúng ta đã chia được các nhóm thuốc để đấu thầu, do đó chỉ ít hiện tượng không có thuốc và tình trạng phải mua thuốc ngoài đã giảm đi. Trong khi đó, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối", theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

Ông Hiếu thừa nhận có một số văn bản ra đời giúp ngành y tế "chết đuối vớ được cọc", song số lượng những văn bản như vậy còn quá ít để tạo sự ổn định trong lĩnh vực này.

Rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt khe cửa hẹp để trúng thầu giá rẻ - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh: Phạm Thắng).

Chỉ ra nguyên nhân, vị đại biểu ngành y tế nêu thực tế có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này và "rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau".

Từ thực tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nơi ông làm giám đốc, ông Hiếu nói nhờ được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị tự phê duyệt và tự chịu trách nhiệm nên bệnh viện không bị thiếu dụng cụ, thuốc men.

Song khó khăn lớn nhất, theo ông Hiếu, là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới.

"Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua khe cửa hẹp để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại mục lục để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu", ông Hiếu nêu thực tế và lưu ý cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

Bên cạnh đó, vị đại biểu nêu thực tế việc cấp phép nhập khẩu cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc nhiều năm nay, khiến số hồ sơ đợi cấp phép xếp chồng ngày càng cao mà đầu ra vẫn nhỏ giọt.

"Hiện nay, tôi vẫn phải mang bệnh nhân Việt Nam sang nước ngoài can thiệp vì không thể nhập được dụng cụ phù hợp cho từng trường hợp về nước một cách dễ dàng", ông Hiếu nói.

Theo ông, những công ty lớn khi nhìn vào dãy thủ tục và thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán.

Rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt khe cửa hẹp để trúng thầu giá rẻ - 2

Phiên thảo luận trên hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

Đối với bệnh viện tỉnh, ông Hiếu cho hay khó khăn còn nhiều hơn do quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Đáng nói, tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì tìm lôi ra vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở.

"Hãy giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật", đại biểu Hiếu đề xuất.

Dù đây là giai đoạn khó khăn của ngành y, song ông Hiếu lại thấy đây là cơ hội để chuyển mình một cách toàn diện, nhìn thẳng vào những rào cản để thay đổi tận gốc.

Còn tâm lý sợ sai

Giải trình một số nội dung liên quan đến ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành.

"Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc", bà Lan khái quát bức tranh ngành y tế.

Nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận phần nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập.

"Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương", theo lời bà Lan.

Rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt khe cửa hẹp để trúng thầu giá rẻ - 3

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

Về đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, bà Lan cho biết Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là khoảng trên 22.000 thuốc và trên 1.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực.

Tình trạng thiếu thuốc, theo Bộ trưởng, chỉ xảy ra cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Đối với các bệnh hiếm gặp, Bộ cũng đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Trước đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trong phiên thảo luận chiều 31/10 cho rằng ngoài việc thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân, việc cập nhật danh mục thuốc cũng rất chậm so với các nước.

Đơn cử, Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình 2-4 năm để cho một loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. "Như vậy là mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế", bà Lan nói.

Bà cũng nhắc đến trình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc và đặt vấn đề: "Bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này? Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn vượt khe cửa hẹp để trúng thầu giá rẻ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO