Tại phụ lục II, Thông tư 30/2024/TT-BGTVT quy định về kiểm định xe cơ giới của Bộ GTVT, quy định về nội dung kiểm tra khiếm khuyết, hư hỏng và tiêu chí đánh giá khi kiểm định xe cơ giới đã phân rõ trường hợp thay đổi màu sơn ô tô thế nào sẽ bị từ chối đăng kiểm và trường hợp nào vẫn được chấp nhận.
Cụ thể, chủ xe thay đổi màu sơn ô tô bằng cách dán decal nhưng không làm thay đổi đến nhận diện màu xe ghi trên chứng nhận đăng ký xe, đơn cử như: dán nóc màu đen, trang trí decal thân vỏ xe… sẽ được xếp vào lỗi hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng (MiD).
Do đó, ô tô vẫn đạt hạng mục kiểm tra về màu xe, nếu đạt các hạng mục còn lại, sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định.
Tuy nhiên, nếu thay đổi màu sơn mà màu sơn chiếm diện tích lớn nhất của xe không đúng với màu được ghi trong chứng nhận đăng ký xe, ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm do đây là hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng, làm thay đổi nhận dạng bên ngoài của xe.
Do đó, chủ xe nếu muốn trang trí ô tô bằng cách thay đổi màu sơn xe lưu ý, màu sơn sơn thêm trên xe không được vượt quá 50% diện tích xe. Màu sơn theo đăng ký xe luôn luôn phải là màu sơn chủ đạo của ô tô.
Bên cạnh đó, Thông tư 30/2024 còn quy định trường hợp thân vỏ ô tô bị bong tróc sơn sẽ là hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng và được chấp nhận khi kiểm tra hạng mục này.
Việc phân rõ trường hợp xác định lỗi hư hỏng, khiếm khuyết về màu sơn xe khi đi đăng kiểm tại Thông tư 30/2024 là phù hợp, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân áp dụng khi muốn trang trí ô tô.
Trước khi Thông tư 30/2024 có hiệu lực, Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023 có hiệu lực từ ngày 3-6-2023 cũng đã nêu rõ ô tô dán decal nhưng không làm thay đổi đến nhận diện màu sơn của xe theo giấy đăng ký xe vẫn được chấp nhận khi đăng kiểm.
Tuy nhiên, thay vì dán decal, một số chủ phương tiện lại sơn trực tiếp màu sơn khác lên nóc xe, thân xe tạo điểm nhấn cho xe. Khi đưa xe đi đăng kiểm, không ít trường hợp bị trượt kiểm định với lỗi "màu sơn xe không đúng màu sơn ghi trong chứng nhận đăng ký xe".