* Northrop hiện đại hóa máy bay B-2 của Không quân Mỹ
The Defensepost đưa tin, Northrop Grumman vừa mới giành được hợp đồng trị giá 7 tỷ USD để hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-2 Spirit, một thành phần quan trọng trong kho vũ khí phòng thủ chiến lược của Không quân Mỹ.
Theo thỏa thuận kéo dài đến tháng 5-2029, Northrop Grumman sẽ tiến hành cải tiến máy bay và cung cấp hỗ trợ về hậu cần cần thiết cho máy bay B-2. Hầu hết các hạng mục nâng cấp sẽ được thực hiện ở California.
Hiện tại, có 22 máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ đang nằm trong chương trình hiện đại hóa với mục đích nâng cao khả năng hoạt động của chúng trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Trong những năm gần đây, Northrop Grumman đã phối hợp với Không quân Mỹ để nâng cấp B-2. Những điểm đáng chú ý trong nỗ lực hiện đại hóa máy bay ném bom này là việc tích hợp thành công các loại vũ khí mới, cho phép B-2 triển khai được nhiều loại vũ khí tiên tiến như tên lửa không đối đất JASSM-ER và mở rộng phạm vi tiếp cận và nhắm bắn mục tiêu.
Máy bay ném bom B-2 có khả năng hoạt động ở phạm vi lên tới 9.600km. Ảnh: thedefensepost.com |
Chương trình hiện đại hóa B-2 còn bao gồm việc tích hợp hệ thống theo dõi mục tiêu hỗ trợ bởi radar (RATS), giúp đảm bảo khả năng sử dụng bom hạt nhân B61-12 ngay cả trong các tình huống tín hiệu GPS bị mất khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, hệ thống liên lạc của máy bay ném bom này cũng đang được cải tiến nhằm tăng cường khả năng liên lạc trong môi trường đe dọa ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp toàn diện buồng lái cho B-2 với bộ xử lý đồ họa tiên tiến và màn hình hiện đại.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 có uy lực cực mạnh, có thể xuyên thủng ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, thường được phòng thủ nghiêm ngặt. Theo Không quân Mỹ, B-2 thể hiện bước tiến vượt bậc về công nghệ vì có khả năng mang cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Máy bay ném bom này còn được trang bị các công nghệ tiên tiến giúp “né” được sự phát hiện của hệ thống radar đối phương. B-2 được vận hành bởi phi hành đoàn gồm 2 người và có khả năng hoạt động ở phạm vi lên tới 9.600km.
* Italy chuẩn bị gói viện trợ mới cho Ukraine
Army Recognition dẫn thông tin từ báo La Repubblica cho biết, Chính phủ Italy đang chuẩn bị một chương trình viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó bao gồm hệ thống phòng không tầm trung SAMP-T. Kế hoạch viện trợ này sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Italy vào giữa tháng tới.
Theo tờ báo này, hệ thống phòng không mà Italy dự định cung cấp cho Ukraine đang được triển khai ở Slovakia. Vào tháng 3, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố rằng, Rome đã quyết định rút hệ thống này mà không nói rõ lý do.
Được biết, Italy hiện có 5 hệ thống tên lửa phòng không SAMP-T, trong đó 2 hệ thống sẽ được sử dụng để bảo vệ địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7, 1 hệ thống nữa vẫn được duy trì cho nhiệm vụ phòng không và hệ thống còn lại hiện vẫn đang được triển khai tại Kuwait. Vào năm ngoái, Chính phủ Italy đã viện trợ 1 hệ thống cho Ukraine, nhưng theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống này đã bị phá hủy.
Hệ thống phòng không SAMP-T tại căn cứ không quân Kuchyna, phía Bắc Bratislava, Slovakia. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, việc SAMP-T có được chuyển cho Ukraine hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội Italy. Nếu gói này được thông qua, đây sẽ là hệ thống SAMP-T thứ hai mà Ukraine nhận được.
Được phát triển bởi Tập đoàn Eurosam của Pháp, hệ thống phòng không này được trang bị tên lửa đánh chặn tầm xa dẫn đường bằng radar Aster-30 với tầm bắn lên tới 120km. Hệ thống sử dụng radar đa nhiệm Arabel do hãng Thales phát triển có tầm hoạt động 100km.
Hệ thống này có thể chống lại nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm cả máy bay có người lái và không người lái, và đặc biệt hiệu quả khi chống lại tên lửa hành trình.
Bên cạnh đó, gói viện trợ quân sự lần này còn bao gồm cả các hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất.
* Hải quân Hy Lạp hiện đại hóa khinh hạm MEKO 200
Sau thời gian dài trì hoãn, Hải quân Hy Lạp cuối cùng đã được bật đèn xanh để khởi động chương trình nâng cấp giữa vòng đời cho 4 khinh hạm MEKO 200 lớp Hydra. Trước đó, trong năm 2023, Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho biết sẽ chi khoảng 543 triệu USD cho chương trình này.
Được đưa vào biên chế vào giữa những năm của thập niên 1990, các khinh hạm lớp MEKO 200 của Hải quân Hy Lạp đang trong chương trình hiện đại hóa đáng kể nhằm kéo dài tuổi thọ của chúng. Những tàu này có chiều dài khoảng 117m, rộng 14,8m, lượng giãn nước khoảng 3.200 tấn và được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, phòng không và tác chiến mặt nước.
Hệ thống động cơ đẩy của các khinh hạm lớp này thường kết hợp diesel hoặc turbine khí (CODOG), cho phép di chuyển với tốc độ cao. Theo đó, chúng có thể di chuyển với tốc độ tối đa 55,8km/giờ và tầm hoạt động khoảng 7.200 km ở tốc độ 32,4km/giờ.
Khinh hạm lớp Hydra của Hải quân Hy Lạp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hy Lạp |
Chương trình nâng cấp giữa vòng đời sẽ tập trung vào việc cải thiện nền tảng và nâng cao hệ thống chiến đấu của tàu. Theo đó, TKMS, nhà sản xuất ban đầu, sẽ chịu trách nhiệm cải tiến nền tảng tàu, bao gồm nâng cấp cấu trúc và cải thiện hệ thống đẩy và cơ khí. Trong khi đó, Thales sẽ đảm nhiệm cung cấp hệ thống chiến đấu, bao gồm hệ thống quản lý chiến đấu TACTICOS, tích hợp nhiều cảm biến và các hệ thống vũ khí trên tàu.
Tàu dự kiến còn được trang bị hệ thống liên lạc mới do Hagenuk Marinekommunikation, một công ty con của Atlas Elektronik, cung cấp theo hợp đồng phụ từ TKMS. Vũ khí của khinh hạm gồm nhiều loại tên lửa như tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không ESSM và ngư lôi cùng với một khẩu pháo chính và tổ hợp vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS). Ngoài ra, hệ thống radar và tổ hợp tác chiến điện tử cũng dự kiến sẽ được nâng cấp.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)