Quân sự thế giới hôm nay (5-8): Thêm UAV MQ-9 Reaper nữa của Mỹ bị bắn hạ?

05/08/2024 06:53

Quân sự thế giới hôm nay (5-8-2024) có những nội dung sau: Thêm UAV MQ-9 Reaper nữa của Mỹ bị bắn hạ? Hệ thống phòng không Arman mới của Iran có thể đánh chặn được những mối đe dọa nào? Nga chế tạo UAV đo độ bức xạ.

* Thêm UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bị bắn hạ?

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn thông tin từ người phát ngôn của phong trào vũ trang Ansar Allah cho biết, một chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ đã bị hệ thống tên lửa đất đối không của lực lượng Houthi bắn hạ trên bầu trời Yemen.

Theo Bulgatian Military, nguồn tin địa phương đã đăng hình ảnh những mảnh vỡ được cho là của chiếc MQ-9 bị bắn hạ trên mạng xã hội X. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ chưa xác nhận thông tin này. Nếu thông này là chính xác, đây sẽ là chiếc MQ-9 Reaper thứ 8 bị hạ kể từ tháng 10-2023.

Được phát triển bởi Công ty General Atomics Aeronautical Systems, UAV MQ-9 Reaper nổi bật với khả năng giám sát ở độ cao lớn, tấn công chính xác và tính linh hoạt cao. Với sải cánh 20m, dài 11m, cao 3,8m, MQ-9 Reaper có thể mang tải trọng lên tới 1.700kg và sức bền lâu hơn so với các phiên bản tiền nhiệm. Hệ thống đẩy của MQ-9 Reaper bao gồm 1 động cơ tua-bin cánh quạt Honeywell TPE331-10, tạo ra công suất 900 mã lực, cho phép Reaper đạt tốc độ tối đa khoảng 482km/giờ và độ cao hoạt động lên tới 15.240m. Trọng lượng cất cánh tối đa của phương tiện là 4.760kg.

Hình ảnh được cho là xác UAV MQ-9 Reaper bị bắn hạ đăng trên mạng xã hội X.

MQ-9 Reaper sử dụng nhiều hệ thống điều khiển khác nhau, bao gồm điều khiển tầm nhìn cho các hoạt động tầm ngắn và điều khiển ngoài tầm nhìn qua liên lạc vệ tinh cho các nhiệm vụ tầm xa. Các hệ thống điều khiển này bảo đảm cho việc vận hành từ xa một cách hiệu quả. UAV này còn được trang bị hệ thống điện tử hàng không và cảm biến tiên tiến giúp tăng cường khả năng cho cả nhiệm vụ giám sát và chiến đấu.

Khả năng nhận thức tình huống và nhắm mục tiêu của MQ-9 Reaper toàn diện nhờ 1 bộ cảm biến với hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ, tích hợp cảm biến hồng ngoại, camera ban ngày, camera tăng cường hình ảnh và máy đo khoảng cách bằng laser. Hệ thống dẫn đường của UAV này bao gồm GPS và hệ thống dẫn đường quán tính để định vị và dẫn đường chính xác.

MQ-9 Reaper được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa AGM-114 Hellfire, bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II và đạn tấn công trực tiếp GBU-38, cho phép tấn công nhiều mục tiêu với độ chính xác cao.

Phạm vi hoạt động của MQ-9 Reaper là khoảng 1.850km với thời gian hoạt động lên đến 27 giờ. Phạm vi hoạt động và thời gian hoạt động mở rộng này cho phép UAV thực hiện nhiệm vụ trên các khu vực rộng lớn, cung cấp khả năng giám sát và tấn công liên tục.

Các nguồn tin cho biết, chi phí cho 1 chiếc MQ-9 Reaper là khoảng 16,9 triệu USD. Con số này bao gồm cả máy bay, các trạm điều khiển mặt đất và các thiết bị hỗ trợ khác.

* Hệ thống phòng không Arman mới của Iran có thể đánh chặn máy bay chiến đấu hiện đại?

Army Recognition đưa tin, Iran đã phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất có tên gọi là Arman. Theo các thông số kỹ thuật do ngành công nghiệp quốc phòng Iran công bố, Arman có khả năng phát hiện và đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm các hệ thống vũ khí và máy bay chiến đấu hiện đại.

Hệ thống tên lửa phòng không này được giới thiệu lần đầu tiên vào đầu năm nay. Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Iran, Arman được thiết kế để bảo vệ các khu vực nhạy cảm khỏi các mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình, bom dẫn đường trên không, trực thăng và máy bay không người lái. Hệ thống tiên tiến này được trang bị cơ chế phản ứng nhanh với thời gian phản ứng chỉ dưới 20 giây. Ngoài ra, Arman cũng có lợi thế với khả năng triển khai nhanh chóng với tổng thời gian chỉ trong vòng 3 phút.

Arman có khả năng chống lại tên lửa, máy bay không người lái và máy bay với thời gian phản ứng nhanh và phạm vi bao phủ 360 độ. Ảnh: IRNA

Vũ khí mới này của Iran có phạm vi tác chiến tối đa lên tới 120km và khả năng tấn công đồng thời tới 6 mục tiêu. Một trong những tính năng nổi bật của Arman là phạm vi hoạt động 360 độ, bảo đảm bảo vệ toàn diện mà không có bất kỳ điểm mù nào.

Khả năng phát hiện mục tiêu của Arman được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ radar tinh vi, có thể xác định tới 24 mục tiêu trong phạm vi từ 180 đến 200km. Hệ thống có thể đánh chặn các mối đe dọa ở phạm vi 160km và tấn công chúng ở phạm vi 120km.

Arman sử dụng tên lửa Sayyad-3F, một biến thể của tên lửa Sayyad-3, có chiều dài 6,1m, đường kính 40cm và nặng khoảng 1.000kg. Tên lửa này có tầm bắn 120km và có thể đạt độ cao tối đa là 27km, cho phép chống lại các mối đe dọa ở nhiều độ cao khác nhau một cách hiệu quả.

Về mặt cấu hình bệ phóng, Arman có 3 ống phóng, cho phép phản ứng linh hoạt và nhanh chóng với các mối đe dọa. Cấu hình này giúp tăng cường khả năng duy trì hoạt động phòng thủ liên tục nhằm chống lại nhiều mối đe dọa, giúp cung cấp lá chắn đáng gờm cho các khu vực quan trọng. Vũ khí tiên tiến này được cho là sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Iran.

* Nga chế tạo UAV giám sát mức độ bức xạ do hạt nhân gây ra

Các chuyên gia Nga công bố đã phát triển UAV "Ngày tận thế" để giám sát mức độ bức xạ và bảo đảm an toàn cho binh sĩ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Theo miêu tả của đại diện Trung tâm Giải pháp Không người lái toàn diện Nga, UAV này có thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng bảo quản cùng với các thiết bị mặt đất khác. Với công nghệ điều khiển hiện đại, phương tiện này có thể len lỏi qua các ngóc ngách để trinh sát và kiểm tra. UAV này được trang bị cảm biến phát hiện chất độc hại hoặc một máy đo nồng độ giúp cảnh báo phi công trước khi mức độ bức xạ vượt quá giới hạn an toàn.

UAV này có thể bay tối đa 20 phút, phạm vi hoạt động 2km, cho phép thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giám sát ở những khu vực có khả năng bị ô nhiễm phóng xạ. Ảnh: TASS

UAV này có thể bay tối đa 20 phút, phạm vi hoạt động 2km, cho phép thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giám sát ở những khu vực có khả năng bị ô nhiễm phóng xạ. Thời gian triển khai UAV này chỉ mất 30 giây. Phương tiện này có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm dọc theo các khu vực bị tấn công hạt nhân, cũng như phân tích thiệt hại do các cuộc tấn công hạt nhân gây ra.

TRẦN HOÀI(tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-5-8-them-uav-mq-9-reaper-nua-cua-my-bi-ban-ha-788211
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-5-8-them-uav-mq-9-reaper-nua-cua-my-bi-ban-ha-788211
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (5-8): Thêm UAV MQ-9 Reaper nữa của Mỹ bị bắn hạ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO