Quân sự thế giới hôm nay (5-3): F-16 và MiG-21 so kè hệ thống điện tử, Pháp đã viện trợ cho Ukraine vũ khí gì?

05/03/2024 06:05

Quân sự thế giới hôm nay (5-3-2024) có những thông tin sau: Pháp đã viện trợ những vũ khí gì cho Ukraine? Italy rút hệ thống phòng không SAMP/T khỏi Slovakia, phi công Romania so sánh hệ thống điện tử hàng không F-16 và MiG-21.

* Italy sẽ rút hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa SAMP/T khỏi Slovakia

Theo Militarnyi, chính phủ Italy đã thông báo với phía Slovakia sẽ rút hệ thống phòng không SAMP/T được triển khai tới đây vào năm ngoái. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, hệ thống phòng không SAMP/T được rút về vì “nó cần thiết hơn cho những nơi khác”.

Ông Fico bày tỏ lo ngại về việc Slovakia lẽ ra giờ đây đã phải đủ khả năng đảm bảo an ninh cho các nhà máy điện và các cơ sở chiến lược khác của mình. Ông Fico cũng nhắc lại việc chính phủ Slovakia đã chuyển hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự của mình khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Italy sẽ rút hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa SAMP/T khỏi Slovakia. Ảnh: Militarnyi

Thay thế cho hệ thống S-300 là hệ thống Patriot do Mỹ triển khai tới Slovakia. Tuy nhiên, hệ thống Patriot sau đó đã bị chuyển đi và hệ thống SAMP/T của Italy đã thay thế hệ thống phòng không đó của Mỹ từ tháng 4 năm ngoái. Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO.

Hiện vẫn chưa rõ quân đội Italy sẽ chuyển hệ thống phòng không SAMP/T ở Slovakia đi đâu. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Italy đã đặt mua thêm 4 hệ thống SAMP/T NG (thế hệ mới) hiện đại nhằm tăng cường năng lực phòng không cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra, một thỏa thuận khung cũng được ký kết về việc mua tên lửa Aster 30 NT1 đã được hiện đại hóa phiên bản lục quân và hải quân.

Hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa SAMP/T được phát triển bởi tập đoàn châu Âu Eurosam. Hệ thống có thể tiêu diệt các mục tiêu đang bay ở khoảng cách hơn 100km và ở độ cao lên tới 25km, có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 35km ở độ cao 25km.

* Hệ thống điện tử hàng không của MiG-21 ngang ngửa với F-16

Bảy phi công đầu tiên của Không quân Romania đã hoàn thành khóa huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện quốc tế tại Căn cứ Không quân 86, đánh dấu sự chuyển đổi từ máy bay MiG sang sử dụng máy bay chiến đấu F-16. Đáng chú ý là trước đó những phi công này đã từng điều khiển máy bay MiG-21 LanceR. Đây là chiến đấu cơ đã được Không quân Romania cho nghỉ hưu vào tháng 5-2023.

Hệ thống điện tử hàng không trang bị cho MiG-21 không thua kém F-16. Ảnh:Air Data News

Sau trải nghiệm lái F-16, phản hồi của những phi công này là rất đặc biệt. Một kênh truyền hình của Romania đã phát cuộc phỏng vấn với một phi công có tên được mã hóa là “Red”. Red là một trong 7 phi công chuyển sang lái F-16 nói trên. Khi được hỏi về sự khác biệt rõ ràng nhất giữa hai loại máy bay, Red cho biết về mặt hệ thống điện tử hàng không thì có rất ít sự khác biệt và khác biệt chính nằm ở đặc điểm khí động học của hai loại máy bay.

Trước đó, MiG-21 Lancer của Romania đã được nâng cấp với sự cộng tác của Elbit Systems của Israel, cải thiện đáng kể trang thiết bị trên máy bay. Những chiếc chiến đấu cơ này cũng được lắp đặt radar EL/M-2032 hiện đại thay vì các phiên bản đã cũ trước đây. Theo một số nguồn tin được Bulgarian Military trích lại, radar này cho phép máy bay phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 75km đến 150km và có khả năng “vạch nhiễu” từ mặt đất để phân biệt các mục tiêu. Do đó, từ góc nhìn của các phi công Romania, sự chênh lệch về mức độ hiện đại của các thiết bị điện tử trên máy bay F-16 và MiG-21 Lancer là không đáng kể.

* Pháp đã viện trợ vũ khí gì cho Ukraine?

Theo Army Recognition, ngày 4-3-2024, Bộ Quân đội Pháp đã công bố danh sách các vũ khí, khí tài quân sự chuyển giao cho Ukraine từ ngày 24-2-2022 đến ngày 31-12-2023. Tính tới thời điểm cuối năm 2023, chính phủ Pháp đã cung cấp cho Ukraine vũ khí, khí tài trị giá 2,615 tỷ euro ngoài khoản đóng góp 1,2 tỷ euro cho Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF).

Tổng cộng, có khoảng 50 loại vũ khí và khí tài quân sự khác nhau đã được Pháp cung cấp cho lực lượng Ukraine từ ngày 24-2-2022 đến ngày 31-12-2023, trong đó có các hệ thống phòng không, xe bọc thép và pháo hiện đại và nhiều loại thiết bị riêng lẻ như hệ thống quang học và thông tin liên lạc, thiết bị hàng hải, thiết bị y tế, giúp nâng cao hiệu quả tác chiến thuật cho quân đội Ukraine.

Pháp đã viện trợ những vũ khí gì cho Ukraine? Ảnh: Army Recognition

Danh mục vũ khí, khí tài Pháp viện trợ cho Ukraine gồm: Súng chống tăng AT4, tên lửa MILAN, hệ thống phòng không Crotale NG, Mistral và SAMP/T, tên lửa tầm xa SCALP, pháo tự hành Caesar, pháo kéo TRF1, một số hệ thống pháo phóng loạt và súng cối, xe tăng bánh lốp AMX10 RC, xe bọc thép, xe địa hình, xe tải, máy bay trinh sát không người lái, thiết bị phát hiện máy bay không người lái, xuồng hơi Zodiacs Futura, súng máy 7,62mm, súng máy 12,7mm, súng trường Famas, súng bắn tỉa, và nhiều loại khí tài khác.

Ngoài viện trợ quân sự, Pháp còn tham gia huấn luyện cho lực lượng vũ trang Ukraine. Gần 10.000 binh sĩ Ukraine đã được Pháp và Ba Lan huấn luyện thông qua các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-5-3-f-16-va-mig-21-so-ke-he-thong-dien-tu-phap-da-vien-tro-cho-ukraine-vu-khi-gi-767435
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-5-3-f-16-va-mig-21-so-ke-he-thong-dien-tu-phap-da-vien-tro-cho-ukraine-vu-khi-gi-767435
Bài liên quan
  • Phần lớn cây trồng vụ đông của Ukraine đang ở tình trạng tốt
    Chỉ khoảng 3% cây trồng vụ đông của Ukraine được đánh giá ở tình trạng không đạt yêu cầu, trong khi 77% được xếp loại tốt tính đến ngày 10/12, theo báo cáo của công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform, trích dẫn dữ liệu từ các nhà dự báo thời tiết nhà nước.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (5-3): F-16 và MiG-21 so kè hệ thống điện tử, Pháp đã viện trợ cho Ukraine vũ khí gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO