* Hàn Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu KF-21
Trong năm nay, Hàn Quốc sẽ chế tạo 40 máy bay chiến đấu KF-21 Boramae với khoản đầu tư 238,7 tỷ won (178,6 triệu USD), ngay cả khi máy bay này đang trong quá trình bay thử nghiệm.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, việc sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu KF-21 là nhằm lấp đầy “khoảng trống” khi đội máy bay chiến đấu già cỗi của không quân nước này nghỉ hưu.
KF-21 Boramae thực hiện chuyến bay đầu tiên. Ảnh: KAI |
Tập đoàn Công nghiệp hàng không Hàn Quốc (KAI), đơn vị sản xuất KF-21, cho biết giai đoạn kỹ thuật và sản xuất sẽ kết thúc vào năm 2026. Còn theo Korea Times, Không quân Hàn Quốc có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu KF-21 đầu tiên vào nửa cuối năm 2026.
Dự kiến, máy bay chiến đấu KF-21 sẽ thay thế các máy bay F-4 và F-5. Năm 2028, Không quân Hàn Quốc sẽ bắt đầu bay những chiếc KF-21 đầu tiên cho các nhiệm vụ không đối không. Lực lượng này có kế hoạch sở hữu tổng cộng 120 chiếc KF-21 Boramae vào năm 2032. Theo đó, Boramae sẽ đóng vai trò là “xương sống” trong Không quân Hàn Quốc.
Được phát triển từ năm 2015, máy bay chiến đấu KF-21 đã được KAI ra mắt tại Triển lãm Hàng không vũ trụ và quốc phòng ADEX ở Seoul tháng 10 năm ngoái.
Tiêm kích KF-21 sử dụng hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động với phạm vi quét và phát hiện mục tiêu rộng, độ phân giải cao và khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu. KF-21 còn được trang bị hệ thống quang điện khẩu độ phân tán cho phép phi công có cái nhìn toàn cảnh về không phận xung quanh, ngay cả khi máy bay không bay theo hướng thẳng về phía mục tiêu.
Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA) và KAI đã thử nghiệm lắp tên lửa tầm xa trên KF-21 nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các nguyên mẫu của KF-21 cũng sẽ được thử nghiệm lắp đặt tên lửa không đối đất và tên lửa không đối không tầm ngắn.
Tháng 4-2023, Công ty Diehl Defense của Đức công bố KF-21 đã bắn thử thành công tên lửa không đối không IRIS-T.
* Hà Lan trang bị tên lửa AGM-114R2 Hellfire cho Apache và Reaper
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán tên lửa Hellfire và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính 150 triệu USD cho Hà Lan.
Trực thăng tấn công AH-64E Apache của Không quân Hoàng gia Hà Lan sẽ được trang bị tên lửa không đối đất AGM-114R2 Hellfire. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan |
Theo Military Leak, chính phủ Hà Lan đã yêu cầu mua tới 386 tên lửa không đối đất AGM-114R2 Hellfire. Theo kế hoạch, tên lửa Hellfire mới này sẽ được trang bị cho trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache và máy bay không người lái MQ-9A Reaper của Không quân Hoàng gia Hà Lan.
Ban đầu, AGM-114 Hellfire - tên lửa không đối đất (ASM) của Mỹ - được phát triển để chống thiết giáp. Sau đó, tên lửa này được phát triển để tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt các loại mục tiêu khác, đặc biệt là các mục tiêu có giá trị cao.
Tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire có khả năng tấn công chính xác đa nhiệm, đa mục tiêu và có thể được phóng từ nhiều nền tảng trên không, trên biển và trên mặt đất, bao gồm MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. AGM-114R2, phiên bản dẫn đường quán tính/laser bán chủ động mới của tên lửa này, có tầm bắn từ 0,5km đến 8km.
* Tàu chiến Nga bị đánh chìm?
Ukraine mới đấy tiết lộ một hoạt động quân sự gần Crimea và khẳng định đã tấn công và đánh chìm thành công một tàu chiến Nga.
Hình ảnh và clip về máy bay không người lái tấn công tàu của Nga được đăng tải trên mạng xã hội X. |
Theo Albawaba, tình báo quân đội Ukraine đã chia sẻ một đoạn video trên mạng xã hội, cho thấy một đội máy bay không người lái đang tấn công một con tàu. Đoạn video kết thúc với cảnh con tàu chìm xuống nước. Ukraine xác định con tàu bị chìm là Ivanovets, một tàu của Hải quân Nga.
Tàu tên lửa nhỏ Ivanovets được định giá 60-70 triệu USD, có thủy thủ đoàn khoảng 40 người. Phía Ukraine không thông tin về số phận của thủy thủ đoàn. Trong khi đó phía Moscow chưa chính thức thừa nhận vụ chìm tàu.
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen của Nga kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
* Tập đoàn Rostec tìm kiếm đối tác phát triển chiến đấu cơ tàng hình Su-75 Checkmate
Tập đoàn Rostec của Nga đang tìm kiếm đối tác tiềm năng cho chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình Su-75 Checkmate. Một trong những đối tác này là Ấn Độ, vốn đang nỗ lực phát triển chiến đấu cơ tiên tiến của riêng mình.
Gần đây, Rostec đã trưng bày Su-75 tại Triển lãm Quốc phòng Thế giới 2024 ở Riyadh, Saudi Arabia để thu hút sự quan tâm của đối tác và khách hàng tiềm năng.
Chiến đấu cơ tàng hình Su-75 Checkmate được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57. Ảnh: Rostec |
Theo Bulgarian Military, nguyên mẫu đầu tiên của Su-75 Checkmate đang trong quá trình nghiên cứu. Dự kiến các cuộc thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm sau. Su-75 Checkmate sẽ có 3 biến thể gồm một chỗ ngồi, hai chỗ ngồi và không người lái.
Su-75 Checkmate là máy bay chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ, được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57. Máy bay được tích hợp trí tuệ nhân tạo, trang bị radar mảng pha ăng ten cho phép theo dõi 30 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu. Với tốc độ Mach 1,8 (tương đương 2,205km/h), chiến đấu cơ tàng hình này có phạm vi hoạt động 3.000km.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)