*Máy bay ném bom chiến lược của Nga có thể mang theo 30 tấn vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh
Mới đây, trên các phương tiện truyền thông của Nga xuất hiện nhiều thông tin chi tiết Dự án máy bay ném bom tàng hình PAK DA Poslannik, trong đó nhấn mạnh đến nhiều "tính năng độc nhất" của chiếc máy bay hiện mới chỉ xuất hiện trên giấy này.
PAK DA là máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa với phạm vi hoạt động dự kiến là 12.000km, có khả năng mang theo 30 tấn vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh. Ảnh: Army Recognition |
PAK DA, nằm trong thế hệ hàng không quân sự mới, đã gặp phải nhiều thách thức và sự hoài nghi trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, các bản cập nhật gần đây cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về công nghệ và khả năng chiến lược của máy bay.
Đại diện nhà phát triển, công ty hàng không và quốc phòng Nga Tupolev, cho biết đến cuối năm 2023, PAK DA đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm sức bền, với chuyến bay đầu tiên ban đầu dự kiến vào năm 2024, hiện có khả năng bị hoãn lại đến năm 2025. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2027.
PAK DA, được mô tả là máy bay ném bom thế hệ thứ sáu, tích hợp công nghệ tàng hình, khoang vũ khí nằm bên trong và có khả năng bay siêu thanh mà không cần đốt sau. Máy bay thế hệ thứ sáu này dự kiến sẽ được trang bị vũ khí laser, khả năng tác chiến mạng trung tâm và có chế độ bay không người lái nhờ những tiến bộ trong hệ thống tự động hóa và điều khiển.
Về thông tin kỹ thuật, PAK DA có trọng lượng cất cánh tối đa là 145 tấn, vận tốc hành trình là 800km/giờ và trần bay lên tới 20.000m. PAK DA có tầm bay dự kiến là 12.000km và tải trọng là 30 tấn, có thể mang theo các loại vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa siêu thanh.
Theo nhà sản xuất, PAK DA có thể mang theo 12 tên lửa hành trình Kh-BD với tầm bắn 6.500km, tên lửa Kh-555, Kh-101/102 hoặc thậm chí là Kh-47 Kinzhal và tên lửa siêu thanh Kh-95 trong tương lai với tầm bắn hơn 5.000km. Đáng chú ý, PAK DA có thể sẽ được trang bị cả tên lửa không đối không, không giống như các phiên bản trước, cho phép máy bay hoạt động độc lập mà không cần máy bay chiến đấu hộ tống đi kèm, tăng cường khả năng sống sót và tính linh hoạt trong hoạt động tác chiến. Ngoài ra, máy bay ném bom này được cho là có khả năng tấn công các mục tiêu trong không gian, bao gồm cả vệ tinh, đáp ứng những tiến bộ trong tương lai.
* Hải quân Anh thử nghiệm thành công ngư lôi Spearfish Mod 1
Hải quân Hoàng gia Anh thông báo đã tiến hành thử nghiệm thành công phiên bản mới nhất của ngư lôi Spearfish, Spearfish Mod 1, trên tàu ngầm lớp Vanguard ngoài khơi bờ biển Scotland.
Spearfish là ngư lôi hạng nặng được sử dụng cho các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tác chiến chống tàu mặt nước (ASuW). Ảnh: British MoD |
Đây là lần đầu tiên ngư lôi Spearfish thế hệ tiếp theo được thử nghiệm trên tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard. Cuộc thử nghiệm bao gồm ngư lôi tấn công các mục tiêu trên mặt nước và dưới nước, cho phép thủy thủ đoàn vận hành vũ khí mới, thử nghiệm khả năng bắn từ hệ thống chiến đấu của tàu ngầm và xác nhận khả năng chỉ huy và kiểm soát vũ khí. Ngư lôi này đã được sử dụng trong gần ba thập kỷ, có khả năng tiêu diệt nhiều mối đe dọa hàng hải khác nhau, bao gồm khinh hạm, tàu khu trục, tàu chiến lớn và tàu ngầm.
Spearfish là ngư lôi hạng nặng do GEC-Marconi Underwater Systems (nay là BAE Systems Underwater Systems) phát triển, được sử dụng cho các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tác chiến chống tàu nổi (ASuW). Ngư lôi có thể được dẫn đường bằng dây hoặc sonar chủ động/thụ động tự động. Với đường kính 53,34cm, dài 7m và nặng khoảng 1.850kg, ngư lôi có thể đạt tốc độ lên tới 148km/giờ và có tầm hoạt động hơn 55km. Spearfish mang đầu đạn nặng 300kg, có thể phát nổ khi tiếp xúc hoặc thông qua ngòi nổ cận âm, tối ưu hóa thiệt hại thông qua các vụ nổ dưới sống tàu ngầm và tàu nổi.
Spearfish Mod 1 là phiên bản nâng cấp của ngư lôi Spearfish. Những cải tiến chính của Mod 1 bao gồm hệ thống dẫn đường tiên tiến và đường truyền dữ liệu băng thông cao, cho phép ngư lôi được dẫn đường bằng dây theo lệnh từ hệ thống chiến đấu của tàu ngầm. Bộ sonar của tàu ngầm nhạy hơn giúp tăng cường độ chính xác dẫn đường. Nếu dây bị đứt, ngư lôi sẽ tiếp tục nhiệm vụ một cách tự động dựa trên các thông số được lập trình và có thể sử dụng sonar chủ động nếu cần thiết. Đầu đạn của Mod 1 được thay thế bằng đạn giảm nhạy, có khả năng chống va đập, nổ, nhiệt và cháy.
* Ấn Độ nhận lô xe tăng T-90 Bhishma Mk-3 nâng cấp đầu tiên
Quân đội Ấn Độ vừa tiếp nhận lô 10 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 Bhishma Mk-3 nâng cấp đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của một loạt đợt giao hàng bổ sung tổng cộng 464 xe tăng vào kho vũ khí của quân đội trong 5 năm tới.
T-90 Bhishma Mk-3 là xe tăng chiến đấu chủ lực, nổi tiếng với hỏa lực mạnh và khả năng bảo vệ bằng giáp tiên tiến. Ảnh: Indian press |
T-90 Bhishma Mk-3, nổi tiếng với hỏa lực mạnh và khả năng bảo vệ bằng giáp tiên tiến, là bản cải tiến đáng kể về khả năng chiến đấu của Quân đội Ấn Độ. Phiên bản Mk-3 gồm các nâng cấp hiện đại, bao gồm hệ thống nhắm mục tiêu tiên tiến, các tính năng sống sót được cải thiện và khả năng cơ động được nâng cao.
Một tính năng quan trọng của T-90 Bhishma Mk-3 là mức độ nội địa hóa cao, với 83% thành phần nội địa và 100% động cơ được sản xuất trong nước. Mức độ nội địa hóa cao này phản ánh cam kết của Ấn Độ trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng nước ngoài và tăng cường sự tự lực trong công nghệ quân sự.
T-90 Bhishma Mk-3 sử dụng giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5, giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại đạn pháo và tên lửa chống tăng. Xe cũng được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động (APS) LEDS-150, giúp tăng khả năng sống sót trước các mối đe dọa hiện đại. Ngoài ra, xe còn có khả năng bảo vệ chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN).
Vũ khí được trang bị trên xe bao gồm pháo chính 125mm 2A46M-5 có bộ nạp đạn tự động, súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy phòng không 7,62mm điều khiển từ xa. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị thêm 12 ống phóng lựu đạn khói trên tháp pháo để ngụy trang.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)