* Hà Lan đặt bút ký mua tàu ngầm của Pháp
Theo Defense News, Quốc vụ khanh Quốc phòng Hà Lan Gijs Tuinman và Tổng giám đốc điều hành hãng đóng tàu Pháp Naval Group Pierre Eric Pommellet đã ký hợp đồng mua 4 tàu ngầm, sau gần một thập kỷ cân nhắc, tìm kiếm đối tác thích hợp.
Naval Group dự kiến sẽ bàn giao hai trong số 4 tàu ngầm đầu tiên vào năm 2034, với tàu mới là biến thể chạy bằng năng lượng thông thường của lớp Barracuda. Trong quá trình sản xuất, Pháp cũng nhất trí để các doanh nghiệp Hà Lan có thể tham gia vào một số lĩnh vực như cung cấp hệ thống thủy lực, điều hòa không khí, lớp phủ cách âm, sonar, cấu trúc composite…
Một tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp đang trong quá trình đóng. Ảnh: Naval News |
“Chúng tôi đang hướng đến những tàu ngầm hiện đại phục vụ tối đa lợi ích an ninh của Hà Lan, NATO và châu Âu”, ông Tuinman nêu rõ trong một bài viết trên mạng xã hội X.
Từ năm 2018, Hải quân Hoàng gia Hà Lan lên kế hoạch trang bị 4 tàu ngầm mới để thay thế tàu ngầm lớp Walrus với số lượng tương tự đang phục vụ trong lực lượng này với khoản ngân sách 5,65 tỷ euro.
Tàu ngầm lớp Barracuda có chiều dài 99,5m, rộng 8,8m, cao 7,3m, lượng giãn nước khi nổi là 4.765 tấn, khi lặn là 5.300 tấn, thủy thủ đoàn 60 người, hệ thống điều khiển tiên tiến. Tàu đạt tốc độ hành trình tối đa 46km/giờ, tốc độ khi nổi là 26km/giờ, lặn sâu tối đa 350m.
Hỏa lực của tàu cũng rất đáng nể, gồm 4 ống phóng 533mm dành cho ngư lôi hạng nặng F21, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm MdCN, tên lửa hành trình đối hạm SM39 Exocet, và thủy lôi FG29. Không rõ Hà Lan sẽ sử dụng những vũ khí nào cho các tàu ngầm mới, song có thông tin Amsterdam có thể trang bị cả tên lửa hành trình Tomahawk cho tàu ngầm để nó có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền - tính năng mà lớp Walrus hiện tại còn thiếu.
* Mỹ có sẵn sàng bán F-15 mới nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ?
TurDef đưa tin, quan hệ quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể chứng kiến bước ngoặt đáng kể với khả năng Washington đồng ý bán tiêm kích F-15 cho Ankara.
Theo TurDef, khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua biến thể hiện đại F-15EX Eagle II, một số nguồn tin quân sự Mỹ bày tỏ cởi mở với ý tưởng này. Tuy nhiên, hiện chưa có cuộc họp hoặc yêu cầu chính thức nào giữa hai bên liên quan tới hợp đồng F-15 trong tương lai.
Giới phân tích quân sự đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có thể quan tâm đến F-15 như là một phương án thay thế cho các kế hoạch trước đây của mình là mua tiêm kích của Nga và gần đây có khả năng cân nhắc thêm máy bay Eurofighter Typhoon đang được Anh chào hàng.
Tiêm kích F-15EX Eagle II. Ảnh: StratPost |
Tuy nhiên, nhiều báo cáo chỉ ra rằng Đức, một đối tác trong chương trình Eurofighter Typhoon có thể không nhất trí bán máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại rằng thỏa thuận có thể thất bại. Trong kịch bản nêu trên, F-15 nhiều khả năng trở thành một lựa chọn khả thi cho Ankara.
Dẫu vậy, phải lưu ý rằng, bất kỳ giao dịch nào như vậy sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề xung quanh hệ thống phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã mua từ Nga vào năm 2019 - vốn dẫn đến quyết định của Mỹ áp dụng Đạo luật chống lại đối thủ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) và loại Ankara khỏi chương trình phát triển F-35. Washington sau đó đề xuất bán tiêm kích F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào dự án F-35.
Tiêm kích F-15EX Eagle II là biến thể mới nhất của dòng máy bay chiến đấu hạng nặng F-15. Dù ngoại thất không có nhiều thay đổi so với biến thể trước, nhưng vật liệu chế tạo, động cơ, hệ thống điện tử trang bị trên F-15EX đã thay đổi toàn diện. Không quân Mỹ dự định mua 144 chiếc F-15EX Eagle II để thay thế cho F-15C Eagle (tiêm kích chiếm ưu thế trên không) và F-15E Strike Eagle (tiêm kích đa năng). F-15EX Eagle II hứa hẹn trở thành mảnh ghép hoàn hảo của không quân Mỹ bên cạnh F-22 và F-35.
Ứng dụng nhiều thành tựu từ tiêm kích thế hệ thứ năm F-35, F-15EX cũng được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA), hệ thống tác chiến điện tử mới, tải trọng vũ khí tăng lên 14 tấn so với 8 tấn như ở đa phần các tiêm kích khác. Máy bay có thể đạt tốc độ Mach 2,54 (hơn 3.100km/giờ), trần bay 18,5km và tầm bay 3.900km.
* Ukraine nhận hệ thống Patriot từ Romania
Army Recognition cho hay, một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Romania hỗ trợ đã đến Ukraine. Đáng chú ý, thông tin này trùng với chuyến thăm bất ngờ tới Kiev của tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte, chỉ hai ngày sau khi nhậm chức.
Được biết, Ukraine cũng sẽ nhận được từ Romania xe cộ, phụ tùng thay thế, thiết bị bảo dưỡng, gói hỗ trợ hậu cần ban đầu và các thiết bị khác cần thiết cho hệ thống Patriot.
Binh sĩ Romania canh gác hệ thống tên lửa Patriot. Ảnh: rferl.org |
Việc chuyển giao được tiến hành trong bối cảnh từ nhiều tháng nay Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây bổ sung thêm hệ thống Patriot để tăng cường khả năng phòng không của nước này. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết quân đội nước này cần 25 hệ thống Patriot để bảo vệ đất nước.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, được Mỹ và gần 20 nước đồng minh NATO khác sử dụng. Romania mua 7 hệ thống Patriot từ Mỹ, trong đó đã nhận 4 hệ thống. Các khẩu đội Patriot của nước này được cấu hình theo tiêu chuẩn PAC-3+ của Mỹ, bao gồm tên lửa PAC-2 GEM-T và tên lửa PAC-3 MSE thế hệ mới.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, chính phủ Romania thông báo nhất trí viện trợ 1 hệ thống Patriot của nước này cho Ukraine với điều kiện các đồng minh sẽ thay thế nó bằng một hệ thống phòng không tương tự.
MINH ANH(tổng hợp)