Quân sự thế giới hôm nay (30-12): Ukraine sẽ sản xuất đạn pháo 155mm, Hàn Quốc đóng tàu ngầm mới

30/12/2023 06:24

Quân sự thế giới hôm nay (30-12) có những nội dung sau: Ukraine lên kế hoạch sản xuất đạn pháo 155mm vào năm 2024, Hàn Quốc đóng tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II thứ ba, Slovenia nhận máy bay vận tải C-27J Spartan đầu tiên.

* Ukraine lên kế hoạch sản xuất đạn pháo 155mm vào năm 2024

Ukraine công bố ý định sản xuất hàng loạt đạn pháo 155mm vào năm 2024. Động thái này rất quan trọng trong bối cảnh Ukraine đang tìm cách xoay xở với "cơn khát" đạn pháo khi xung đột với Nga vẫn tiếp diễn và viện trợ từ các quốc gia phương Tây không thể đáp ứng được nhu cầu.

Ukraine tuyên bố ý định sản xuất hàng loạt đạn pháo 155mm vào năm 2024. Ảnh: US DoD 

Theo Army Recognition,Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược Oleksandr Kamyshin tuyên bố quốc gia này đã bắt đầu phát triển loại đạn 155mm, một loại đạn cần thiết để tăng cường năng lực pháo binh của Ukraine trên chiến trường. Hiện tại, nguyên mẫu của loại đạn này đang được thử nghiệm và dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm tới.

Việc sử dụng nhiều loại đạn pháo trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cho thấy dây chuyền sản xuất đạn pháo 155mm trên thế giới vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu trong xung đột cường độ cao. Do đó, thách thức đặt ra đối với Ukraine là phải thiết lập một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp số lượng đáng kể đạn pháo 155mm để duy trì đủ hỏa lực trên mặt trận. Tuy vậy, việc sản xuất hàng loạt đạn pháo 155mm của Ukraine vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong tìm nguồn cung ứng các linh kiện quan trọng.

Đạn pháo 155mm là loại đạn pháo cỡ nòng lớn, được quân đội NATO và các đồng minh sử dụng rộng rãi. Loại đạn này bao gồm bốn phần: Kíp nổ, thân đạn, thuốc phóng và mồi. Mỗi quả đạn có chiều dài khoảng 60cm, đường kính 155mm, và trọng lượng khoảng 45kg.

Đạn 155mm có thể được cấu hình theo nhiều cách khác nhau, có thể sử dụng các hệ thống dẫn đường chính xác, vật liệu nổ mạnh, xuyên giáp hoặc phân mảnh lớn.

Quyết định sản xuất hàng loạt đạn pháo 155mm vào năm 2024 của Ukraine không chỉ là hành động nhằm tăng cường kho vũ khí quân sự của nước này mà còn hướng tới sự tự chủ trong sản xuất đạn pháo. Bất chấp những thách thức về nguồn cung ứng và sản xuất, nhưng điều này được xem là một bước đi đúng hướng cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

* Hàn Quốc đóng tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II thứ ba

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vừa ký một hợp đồng trị giá 1,1 nghìn tỷ won với công ty Hanwha Ocean để đóng chiếc thứ 3 trong loạt tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II.

Mô phỏng tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

"Jangbogo-III" là một dự án phát triển tàu ngầm thế hệ mới trọng tải trên 3.000 tấn sử dụng công nghệ nội địa, bao gồm các lớp Batch I, II và III - với các tính năng tăng dần cấp độ.

Các tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II dự kiến được giao cho Hải quân Hàn Quốc vào tháng 12-2031, thể hiện một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm. So với tàu ngầm Jangbogo-III lớp Batch-I, các tàu ngầm lớp Batch-II có chiều dài 89m, rộng 9,6m, sử dụng động cơ diesel. Tàu có trọng tải lớn hơn và dài hơn khoảng 5,5m so với tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho thuộc lớp Batch-I đã được bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc trong tháng 8 vừa qua. Bên cạnh đó, lớp Batch-II có thể trang bị tối đa 10 bệ phóng thẳng đứng thay vì 6 bệ phóng như ở lớp Batch-I. Một trong những đặc điểm nổi bật của tàu ngầm Jangbogo-III lớp Batch-II là sự kết hợp giữa hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) và pin lithium-ion. Đây là sự kết hợp chưa từng có ở các tàu ngầm khác trên thế giới.

Theo hợp đồng này, Hanwha Ocean sẽ đóng tổng cộng 17 trong số 24 tàu ngầm theo đơn đặt hàng của Hải quân Hàn Quốc, bao gồm các tàu ngầm lớp Batch-I, II và III. Việc đóng thành công chiếc tàu thứ ba sẽ góp phần củng cố hơn nữa danh tiếng là nhà chế tạo tàu ngầm hàng đầu tại Hàn Quốc của Hanwha Ocean.

* Slovenia nhận máy bay vận tải Leonardo C-27J Spartan đầu tiên

Trang Air Recognition đưa tin, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Leonardo của Italy vừa giao chiếc đầu tiên trong hai chiếc máy bay vận tải C-27J Spartan thế hệ tiếp theo cho Bộ Quốc phòng Slovenia theo thỏa thuận liên chính phủ Italy-Slovenia được ký vào ngày 17-11-2021.

Ngày 18-12 vừa qua, Leonardo kỷ niệm một dấu mốc quan trọng khi đội bay C-27J Spartan đạt 250.000 giờ bay. Ảnh: Leonardo 

Máy bay C-27J Spartan được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm 5 màn hình màu đa chức năng, hệ thống radar chiến thuật, hệ thống liên lạc, hệ thống vệ tinh, hệ thống bảo vệ tên lửa đạn đạo, cùng nhiều công nghệ hiện đại khác.

C-27J thế hệ tiếp theo có thể thực nhiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như vận chuyển hàng hóa, sơ tán thương binh, vận chuyển lính dù, tiếp nhiên liệu, hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và chữa cháy. Bên cạnh đó, máy bay cũng có khả năng tác chiến đa nhiệm trên không, tuần tra hàng hải và các nhiệm vụ thu nhập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát.

Về thông số kỹ thuật, vận tải cơ C-27J có chiều dài 22,07m, sải cánh rộng 28,07m, và chiều cao 9,64m. Máy bay có tải trọng 11,3 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa 32,5 tấn. Được trang bị 2 động cơ cánh quạt Rolls-Royce AE2100-D2A công suất 4.640 mã lực, C-27J có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 602km/giờ, trần bay 9.144m, tầm hoạt động 5,852km.

Cho tới thời điểm hiện tại, C-27J được đánh giá là một trong những loại vận tải cơ tầm trung tốt nhất thế giới. Máy bay vận tải quân sự đa năng này hiện đang được sử dụng ở 17 quốc gia trên toàn thế giới.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (30-12): Ukraine sẽ sản xuất đạn pháo 155mm, Hàn Quốc đóng tàu ngầm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO