Nga trang bị hệ thống phòng vệ Arena-M cho xe tăng T-72B3M
Theo thông tin được công bố bởi công ty quốc phòng Uralvagonzavod hôm 25-10, quân đội Nga đã trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Arena-M cho các xe tăng T-72B3M. Bước đi này cho thấy nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ cho các loại xe tăng chiến đấu của Nga, trong bối cảnh vũ khí chống tăng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
T-72B3M là phiên bản mới nhất của dòng xe tăng T-72, được trang bị nhiều nâng cấp đáng kể so với các phiên bản trước về sức mạnh hỏa lực, khả năng cơ động và phòng vệ. Những cải tiến chính của T-72B3M bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực, động cơ V-92S2F với công suất 1.130 mã lực và thiết bị ngắm bắn. Tuy nhiên, hệ thống phòng vệ chủ động Arena-M mới chính là một nâng cấp đặc biệt.
Xe tăng T-72B3M. Ảnh: Công ty Uralvagonzavod |
Arena-M là hệ thống phòng vệ chủ động được thiết kế để chặn hoặc phá hủy các loại đạn tấn công trực diện như đạn chống tăng hoặc rocket, trước khi chúng tiếp cận xe tăng. Hệ thống sử dụng radar để phát hiện và theo dõi đạn bay tới trong một phạm vi bán kính nhất định xung quanh xe. Khi phát hiện, Arena-M sẽ tính toán đường đi của đạn, từ đó tự động triển khai các biện pháp đối phó.
Hệ thống này được thiết kế đặc biệt để xử lý các mối đe dọa từ nhiều hướng, nâng cao khả năng phòng vệ trước các loại đạn tốc độ cao của súng phóng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM), hoặc súng chống tăng thông thường (RPG). Lớp phòng vệ bổ sung này giúp giảm thiểu nguy cơ phần giáp xe tăng bị xuyên thủng, từ đó nâng cao khả năng sống sót của T-72B3M trên chiến trường.
Việc Nga tích hợp hệ thống Arena-M vào T-72B3M, thay vì chỉ dành riêng cho các dòng xe tăng đời mới như T-90M và T-14 Armata, khẳng định vai trò của dòng xe tăng T-72 trong chiến tranh hiện đại. Với hơn 25.000 chiếc được sản xuất từ những năm 1970, xe tăng T-72 đã được triển khai ở nhiều chiến trường và vẫn đang phục vụ trong quân đội của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Việc nâng cấp những chiếc xe tăng này với công nghệ phòng vệ chủ động giúp kéo dài thời gian hoạt động của chúng, đồng thời có thể đối phó với các hệ thống chống tăng hiện đại nhất.
Ngoài ra, chi phí hợp lý, bảo dưỡng dễ dàng và hỏa lực mạnh, cũng là những yếu tố giúp T-72B3M trở thành một vũ khí quan trọng trong những chiến dịch quân sự quy mô lớn. Khi được tích hợp thêm hệ thống phòng vệ Arena-M, chúng có thể chống lại các loại vũ khí chống tăng hiện đại. T-72B3M có thể hoạt động trong nhiều môi trường tác chiến khác nhau, ở nhiều chiến trường khác nhau.
Trong bối cảnh công nghệ vũ khí chống tăng ngày càng phát triển, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ cho xe tăng ngày càng trở nên quan trọng. Hiệu quả đã được chứng minh của hệ thống phòng vệ Arena-M mang đến một cách nhìn nhận mới về hướng phát triển của các phương tiện thiết giáp trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng, biến thể tương lai của các dòng xe tăng có thể được tích hợp thêm nhiều tính năng, bao gồm giáp phản ứng nổ và các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và hiệu quả hơn.
Phần Lan mua tên lửa chống xạ AGM-88G cho tiêm kích F-35
Bộ Quốc phòng Phần Lan vừa ký hợp đồng mua tên lửa dẫn đường chống xạ tầm bắn mở rộng (AARGM-ER) AGM-88G, trị giá khoảng 500 triệu USD của hãng Northrop Grumman (Mỹ). Thỏa thuận chính thức được ký kết sau khoảng 1 năm kể từ khi được Chính phủ Mỹ phê duyệt.
Tên lửa AGM-88. Ảnh: Airforce-Technology |
Thỏa thuận bao gồm 150 tên lửa AGM-88G cùng một số tên lửa phục vụ huấn luyện, các thùng chứa tên lửa, phần mềm điều khiển, thiết bị phụ trợ, khóa huấn luyện, phụ tùng thay thế và sửa chữa, tài liệu kỹ thuật, dịch vụ vận chuyển, các dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật và máy móc liên quan được cung cấp bởi chính phủ Mỹ và các nhà thầu.
Số tên lửa này sẽ được trang bị cho đội tiêm kích F-35 của Không quân Phần Lan trong tương lai. Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết, những tên lửa này sẽ được bàn giao song song với thời điểm triển khai đội tiêm kích đa nhiệm F-35A của Không quân Phần Lan, với việc lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển cho Helsinki trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2030.
Tên lửa AGM-88G được gắn trên máy bay F/A-18F Super Hornet. Ảnh: Thedefensepost |
AGM-88G là dòng tên lửa siêu âm không đối đất tầm trung, có chiều dài 4,2m, đường kính 0,25m, sải cánh 1,12m và trọng lượng 361kg. Tên lửa có khả năng bay với tốc độ lên tới Mach 2, giúp tăng khả năng sống sót của những chiếc F-35 khi đối phó với hệ thống phòng không cố định và di động trên mặt đất của đối phương.
Thỏa thuận này được đánh giá cũng sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ của Phần Lan và khả năng phối hợp tác chiến với các đồng minh khác trong khối NATO. Đây cũng là động thái cho thấy Phần Lan đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng không quân, nhất là kể từ khi gia nhập khối NATO hồi tháng 4 năm nay.
Iran sản xuất pháo tự hành RAAD-2M
Bộ Quốc phòng Iran vừa cho ra mắt pháo tự hành RAAD-2M, đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất pháo binh nội địa của quốc gia Tây Á này.
Hệ thống pháo tự hành RAAD-2M được phát triển nhằm mục đích tăng cường sức mạnh hỏa lực, khả năng cơ động và sống sót trên chiến trường cho lực lượng pháo binh Iran. Đây cũng là dấu mốc cho thấy khả năng tự chủ ngày càng cao về vũ khí của nước này.
Pháo tự hành RAAD-2M của Iran. Ảnh: Army Recognition |
Hệ thống pháo tự hành RAAD-2M được thiết kế đặt trên khung gầm dòng xe tăng T-72 của Liên Xô trước đây, với tổng trọng lượng 36 tấn. Thân xe và tháp pháo được làm bằng thép hợp kim đặc biệt, có khả năng chống lại đạn súng bộ binh và nhiều loại mảnh đạn pháo.
Kíp chiến đấu của xe có 5 người, gồm chỉ huy, xạ thủ, lái xe và hai người nạp đạn. Thiết kế động cơ của RAAD-2M đạt hiệu suất cao, cho phép xe di chuyển linh hoạt trên các địa hình, hỗ trợ tổ lái trong quá trình điều khiển, đồng thời đảm bảo tốc độ và sự ổn định trong nhiều điều kiện khác nhau.
Một trong những điểm mạnh nổi bật của RAAD-2M là hệ thống hạ đặt tự động, giúp tăng thời gian ngắm bắn và nâng cao độ chính xác khi khai hỏa. Với hệ thống kính ngắm trực tiếp, hệ thống quan sát hiện đại, cùng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), pháo tự hành RAAD-2M có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp cùng các đơn vị khác trên chiến trường.
Ngoài ra, hệ thống điều khiển hỏa lực tự động giúp nâng cao hiệu quả tác chiến và giảm bớt sức người trong quá trình triển khai tấn công. RAAD-2M cũng được trang bị hệ thống hỗ trợ đảm bảo an toàn trước các đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học (NBC), hệ thống chữa cháy bằng tay và tự động.
Sử dụng nòng pháo 155mm độ dài 8,4m, pháo tự hành RAAD-2M có tầm bắn lên đến 30km khi dùng đạn tiêu chuẩn và tối đa 40km khi dùng đạn tăng tầm. Tốc độ bắn khoảng 4 phát/phút. Ngoài ra, xe còn được trang bị một súng máy 12,7mm trên nóc tháp pháo, để sử dụng trong các tình huống tác chiến ở cự ly gần.
Được trang bị động cơ diesel công suất 700 mã lực, pháo tự hành RAAD-2M có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65km/giờ ở đường quốc lộ và 30km/giờ trên những địa hình không bằng phẳng, có khả năng vượt chướng ngại vật cao 80cm, hào sâu 240cm và lội nước sâu 1,2m. Xe có chiều dài 9,05m, rộng 3,38m, và cao 3,46m (tính cả súng máy 12,7mm trên tháp pháo).
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)