Quân sự thế giới hôm nay (3-2): Hải quân Nga tiếp nhận tàu ngầm Kronstadt, Thủy quân Lục chiến Mỹ có xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 mới

03/02/2024 08:23

Quân sự thế giới hôm nay (3-2) có những nội dung sau: Hải quân Nga tiếp nhận tàu ngầm Kronstadt, Thủy quân Lục chiến Mỹ nhận xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 từ BAE Systems, Pháp đặt mua 109 pháo tự hành CAESAR thế hệ mới.

* Hải quân Nga tiếp nhận tàu ngầm Kronstadt thuộc Dự án 677

Các hãng tin Nga gần đây xác nhận, tàu ngầm lớp Lada đầu tiên có tên Kronstadt thuộc Dự án 677 đã được đưa vào hoạt động và được biên chế cho Sư đoàn Tàu ngầm 161 thuộc Hạm đội phương Bắc.

Tàu ngầm Kronstadt có chiều dài khoảng 60m, lượng giãn nước 2.700 tấn khi lặn. Ảnh: Nhà máy đóng tàu Admiralty

Được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty nằm ở thành phố St. Petersburg, Kronstadt có chiều dài khoảng 60m, lượng giãn nước 2.700 tấn khi lặn, và được đánh giá là một “quái thú” biển. Theo xác nhận của Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm lớp Lada này có thể lặn ở độ sâu hơn 300m và hoạt động liên tục dưới nước khoảng 45 ngày.

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr. Để tiêu diệt các mục tiêu trên không, Kronstadt có chỗ dành cho tên lửa Igla-1M, Strela-3M và Verba.

Dự án tàu lớp Lada, còn được gọi là Dự án 677, được khởi xướng nhằm thay thế tàu ngầm lớp Kilo đã lỗi thời. Tuy nhiên, quá trình phát triển Lada gặp phải nhiều trở ngại khiến Nga phải duy trì dự án tàu Kilo cải tiến. Theo các nguồn tin của Nga, khác với tàu ngầm lớp Kilo, tàu ngầm lớp Lada có thiết kế hoàn toàn mới lạ, nổi bật với cấu trúc nguyên khối cùng một loạt tính năng hiện đại khác.

* BAE Systems bàn giao xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 đầu tiên cho Thủy quân Lục chiến Mỹ

Military Leak đưa tin, BAE Systems vừa bàn giao bản thử nghiệm của biến thể xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 mới cho Thủy quân Lục chiến Mỹ.

ACV-30 là biến thể thứ 3 của dòng xe chiến đấu đổ bộ được BAE Systems thiết kế, phát triển và chế tạo kể từ khi được chọn làm nhà thầu chính cho chương trình vào năm 2018.

Hình ảnh biến thể ACV-30. Ảnh BAE Systems

Biến thể mới này được trang bị hệ thống tháp pháo điều khiển từ xa với cỡ nòng tầm trung nhằm tăng khả năng sát thương và bảo vệ. ACV-30 có thêm nhiều không gian để vận chuyển binh lính hoặc các thiết bị thiết yếu cho các nhiệm vụ tác chiến và trọng lượng nhỏ hơn để có khả năng cơ động tốt hơn.

Chương trình ACV được khởi xướng nhằm bổ sung một phương tiện tấn công đổ bộ cho Thủy quân Lục chiến Mỹ và cuối cùng là thay thế xe bọc thép tấn công lội nước đã già cỗi.

* Pháp đặt mua 109 pháo tự hành CAESAR 155mm

Pháp vừa công bố hợp đồng mua 109 pháo tự hành CAESAR thế hệ mới (CAESAR NG) nhằm nâng cao năng lực pháo binh của quân đội nước này. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào năm 2026.

Theo Army Recognition, mục đích của hợp đồng trị giá 350 triệu Euro ký kết với Công ty Quốc phòng Nexter của Pháp là nhằm cung cấp cho lực lượng mặt đất của nước này một hệ thống pháo binh cơ động cải tiến, tăng cường cả hỏa lực và khả năng hỗ trợ tầm xa trong các hoạt động quân sự.

CAESAR là loại pháo tự hành sử dụng đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO. Được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và máy tính đường đạn, CAESAR có thể tấn công chính xác các mục tiêu cách xa hơn 40km khi sử dụng đạn tiêu chuẩn.

CAESAR phiên bản nâng cấp có những cải tiến đáng kể cả về khả năng bảo vệ và tính cơ động. Một trong những cải tiến quan trọng nhất của hệ thống này là động cơ 460 mã lực, mạnh mẽ hơn nhiều so với mẫu tiền nhiệm.

Việc mua sắm 109 pháo tự hành CAESAR NG là nhằm nâng cao năng lực pháo binh của Quân đội Pháp. Hình ảnh: Militaryleak

Hệ thống pháo này được lắp đặt trên khung gầm xe tải 6×6 cơ lớp giáp tăng cường, giúp tăng khả năng chống lại hỏa lực của vũ khí nhỏ và mối đe dọa từ thiết bị nổ tự chế. Những tiến bộ đáng chú ý khác của CAESAR NG có thể kể đến là phần mềm điều khiển bắn, hệ thống liên lạc vô tuyến CONTACT và hệ thống gây nhiễu BARAGE do công ty Thales của Pháp phát triển. Những nâng cấp này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn của hệ thống, khẳng định vai trò của một nền tảng pháo binh hiện đại.

Pháp không phải là quốc gia duy nhất đầu tư vào hệ thống pháo CAESAR. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Bỉ đã chấp thuận mua 19 pháo loại này nhằm tăng cường năng lực pháo binh của quân đội. Ngoài ra, hệ thống pháo tự hành này cũng đang được biên chế trong các đơn vị của quân đội Litva.

* Ấn Độ mua 31 siêu UAV mang tên lửa MQ-9

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ mới đây thông báo, Bộ Ngoại giao nước này vừa phê duyệt thỏa thuận cung cấp 31 máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9B cho Ấn Độ trong một hợp đồng trị giá 3,99 tỷ USD.

Với sải cánh rộng khoảng 24m và chiều dài khoảng 11m, MQ-9B có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 5.443kg, có thể hoạt động trên không trong thời gian lên tới 40 giờ, cho phép mở rộng phạm vi thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo. MQ-9B có thể hoạt động ở độ cao lên tới 12.192m, giúp nâng cao khả năng bao quát cho các nhiệm vụ khác nhau.

Hợp đồng trị giá suýt soát 4 tỷ USD này còn bao gồm hệ thống dẫn đường định vị toàn cầu và dẫn đường quán tính, 35 bộ cảm biến thông tin liên lạc L3 Rio Grande, 170 tên lửa Hellfire AGM-114R, 16 tên lửa M36E9 Hellfire, và nhiều vũ khí, trang thiết bị khác.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (3-2): Hải quân Nga tiếp nhận tàu ngầm Kronstadt, Thủy quân Lục chiến Mỹ có xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO