Quân sự thế giới hôm nay (28-8): Ai Cập có chuyển hướng tìm mua máy bay tàng hình từ Mỹ sang Trung Quốc?

28/08/2024 07:49

Quân sự thế giới hôm nay (28-8-2024) có những nội dung sau: Ai Cập có chuyển hướng tìm mua máy bay tàng hình từ Mỹ sang Trung Quốc? Không quân Kazakhstan tăng cường năng lực với máy bay chiến đấu Su-30SM; xe chiến thuật JLTV của Mỹ được bàn giao cho Litva.

* Ai Cập chuyển hướng tìm máy bay tàng hình từ Mỹ sang Trung Quốc

Business Insider cho hay, việc chính phủ Mỹ từ chối bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ai Cập có thể đã đẩy Cairo vào lựa chọn tìm mua khí tài tương tự đến từ Trung Quốc.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng từng cam kết bán 20 máy bay F-35A cho Cairo vào năm 2018. Tuy nhiên, sự phản đối từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Israel đã làm thất bại thỏa thuận này.

Máy bay tàng hình J-20 Mighty Dragon của Trung Quốc. Ảnh: Defence Security Asia  

Đối mặt với việc thỏa thuận F-35 bị đóng băng, Ai Cập đã chuyển sự chú ý sang Trung Quốc. Theo Business Insider, giới chức Ai Cập được cho là đang đàm phán với Bắc Kinh để mua các máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc như J-10C Vigorous Dragon và FC-31 Gyrfalcon. J-10C là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện đang phục vụ trong Không quân Trung Quốc và Pakistan, trong khi FC-31 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đang ở giai đoạn phát triển nguyên mẫu.

Bên cạnh đó, Ai Cập còn mong muốn có được J-20 Mighty Dragon, cũng là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến nhất của Trung Quốc, song khả năng ấy gần như phi thực tế bởi Bắc Kinh không có kế hoạch xuất khẩu loại máy bay này.

Ngoài Trung Quốc, Ai Cập còn có thể xem xét các lựa chọn từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, những nước đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình của riêng mình.

Dẫu vậy, theo Business Insider, việc đàm phán mua máy bay chiến đấu từ những quốc gia khác có thể là một cách để Ai Cập gây sức ép lên Mỹ, yêu cầu nước này phải xem xét lại quyết định của mình và quay trở lại hợp đồng cung cấp máy bay F-35 cho Cairo.

* Không quân Kazakhstan tăng cường năng lực với tiêm kích Su-30SM

Theo Bulgarian Military, Không quân Kazakhstan vừa nhận được 6 tiêm kích Su-30SM của Nga, được đánh thứ tự từ 51 đến 56.

Số máy bay Su-30SM mới được bố trí tại sân bay Shymkent và có nhiệm vụ thay thế cho các máy bay chiến đấu MiG-29 cũ đã ngừng hoạt động.

Trước đó Kazakhstan đã mua 24 máy bay Su-30SM từ Nga, bàn giao hoàn tất vào năm 2020. Sau khi mất một máy bay Su-30SM vào năm 2021 do tai nạn, kế hoạch mua sắm mới đã được Astana công bố vào mùa thu năm 2023.

Đến nay, không quân Kazakhstan đã có 29 chiếc Su-30SM. Ảnh: Bộ Quốc phòng Kazakhstan

Vào cuối năm ngoái, có những thông tin gây xôn xao rằng Kazakhstan có thể là khách hàng mới nhất mua máy bay Rafale do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, ít lâu sau, lãnh đạo Không quân Kazakhstan khẳng định theo đuổi kế hoạch mua thêm máy bay Su-30SM.

Bulgarian Military nhấn mạnh, việc Kazakhstan quyết định mua máy bay Su-30SM của Nga thay vì chọn máy bay Rafale theo lời mời từ Pháp là điều đương nhiên. Trang tin này nhấn mạnh, máy bay Su-30SM không chỉ có thể bay xa hơn và mang theo nhiều vũ khí hơn mà khả năng nhận biết tình huống cũng tốt hơn đáng kể, với radar có kích thước xấp xỉ gấp đôi dòng RBE2 của Rafale. Một nhược điểm lớn khác của Rafale được cho là liên quan đến việc các nhà cung cấp vũ khí phương Tây áp đặt lệnh cấm vận đối với những phụ tùng thay thế để hạn chế việc sử dụng khí tài của họ ở nước ngoài.

* Xe chiến thuật JLTV của Mỹ được bàn giao cho Litva

Military Leak dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Litva cho biết 150 xe chiến thuật hỗn hợp hạng nhẹ JLTV đã được nhà sản xuất Oshkosh Defense của Mỹ bàn giao cho nước này. Chúng nằm trong hợp đồng 500 chiếc mà Litva ký với phía Mỹ.

Được biết, những chiếc JLTV của quân đội Litva sẽ được tích hợp hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn cơ động RBS 70 do nước này mua từ nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển vào giữa năm ngoái.

Vì thế, sau khi tới Litva, số xe JLTV trên sẽ được hãng Saab lắp hệ thống RBS 70 trước khi được bàn giao cho quân đội Litva.

Xe JLTV trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn cơ động RBS 70. Ảnh: Saab

JLTV là chương trình chung được khởi động từ năm 2006 của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, gồm hai loại: Xe chiến đấu chiến thuật (CTV) 4 chỗ và xe hỗ trợ chiến đấu (CSV) 2 chỗ. Chương trình này nhằm thay thế xe Humvee và xe quân sự bọc thép chống mìn (MRAP). Trong môi trường tác chiến hiện đại, quân đội Mỹ cần có một dòng xe mới với khả năng tự bảo vệ tốt hơn, trọng lượng chuyên chở cao hơn, và tốc độ nhanh hơn so với Humvee và MRAP.

Xe JLTV chính là sự kết hợp của Humvee và MRAP. Với trọng tải tối đa 7 tấn, xe có kích cỡ lớn hơn Humvee (3,5 tấn), nhỏ hơn MRAP (14 -18 tấn) và có thể dễ dàng vận chuyển bằng trực thăng quân sự. Xe JLTV có thể đạt đến vận tốc 160km/giờ, trong khi Humvee và MRAP chỉ lần lượt đạt 120km/giờ và 104km/giờ.

Không giống Humvee, các bộ phận bọc thép phủ bên ngoài của xe JLTV được chế tạo để chúng dễ bong ra thành từng mảnh khi trúng mìn, vì thế lực nổ sẽ bị phân tán khỏi buồng lái, giúp giảm sát thương. Hỏa lực của xe JLTV là một tháp vũ khí điều khiển bởi binh sĩ hoặc điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn có các thiết bị tác chiến điện tử cũng như công nghệ giám sát tình huống tác chiến... Xe JLTV có nhiều biến thể cho các mục đích sử dụng khác nhau như chở quân, chống tăng, vận tải hạng nhẹ, phòng không, trinh sát, cứu thương, và chỉ huy.

MINH ANH (tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (28-8): Ai Cập có chuyển hướng tìm mua máy bay tàng hình từ Mỹ sang Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO