Quân sự thế giới hôm nay (28-3): Trung Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công Z-21

28/03/2024 06:50

Quân sự thế giới hôm nay (28-3) có những nội dung sau: Ukraine phá hủy pháo tự hành 2S9 Nona-S của Nga, Hải quân Anh sắp có tàu ngầm mới, Trung Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công Z-21.

* Ukraine phá hủy pháo tự hành 2S9 Nona-S của Nga          

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn video chia sẻ hình ảnh lực lượng Ukraine sử dụng bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) tấn công pháo tự hành 2S9 Nona-S của Nga từ khoảng cách 13km trong khu vực Zaporizhzhia. Cuộc tấn công này đã phá hủy 1 khẩu pháo tự hành 2S9 Nona-S và làm 1 khẩu khác bốc cháy.

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Saab 

Vào tháng 1 năm ngoái, nhiều thông tin cho biết Mỹ sắp chuyển giao bom GLSDB cho Ukraine. Đây là một loại vũ khí uy lực, có khả năng tấn công sâu vào phòng tuyến của đối phương và sức phá hủy không thua kém tên lửa hành trình ở khoảng cách tới 150km. Cuối tháng 1 năm nay, Politico đưa tin bom GLSDB bắt đầu được chuyển tới Ukraine.

Là sản phẩm liên doanh giữa “ông lớn" Boeing (Mỹ) và Saab (Thụy Điển), GLSDB kết hợp động cơ tên lửa đẩy M26 với bom thông minh GBU-39 (SDB), đem lại độ chính xác cao hơn và tầm bắn mở rộng lên tới 150km.

Lực lượng Ukraine sử dụng bom GLSDB tiêu diệt pháo tự hành 2S9 Nona-S của Nga. Ảnh: Army Certification

Bom GLSDB được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị toàn cầu quân sự, giúp giảm đáng kể những thiệt hại ngoài dự kiến và cho phép hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với sai số rất nhỏ. Loại bom này có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS và M-270.

Việc Ukraine triển khai bom GLSDB trên chiến trường đánh dấu một cột mốc quan trọng về khả năng tấn công và phòng thủ. Loại vũ khí tiên tiến này cho phép Ukraine tiếp cận và vô hiệu hóa các mục tiêu chiến lược ở xa chiến tuyến, mang lại lợi thế đáng kể về tầm bắn và độ chính xác.

* Hải quân Anh sắp có tàu ngầm mới

Theo Navy Recognition, Hải quân Hoàng gia Anh đang chuẩn bị đưa tàu ngầm lớp Dreadnought vào sử dụng. Lớp tàu này dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược hạt nhân hàng hải của Anh từ những năm 2030.

Hình ảnh mô phỏng tàu ngầm lớp Dreadnought trong tương lai của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: UK MoD

Dreadnought là đại diện cho thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân tiếp theo của Anh. Tàu được thiết kế để thay thế lớp Vanguard được đưa vào phục vụ từ những năm 1990.

Theo đó, dự án Dreadnought bao gồm 4 tàu ngầm: HMS Dreadnought, HMS Valiant, HMS Warspite và HMS King George VI. Lớp tàu ngầm này sẽ mang theo tên lửa Trident II D-5. Việc phát triển lớp Dreadnought phản ánh cam kết của Anh trong việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân trên biển, đặc biệt là sau khi quả bom hạt nhân WE.177 cuối cùng của Không quân Hoàng gia Anh bị loại biên vào năm 1998.

Việc đóng tàu ngầm lớp Dreadnought bắt đầu từ cuối năm 2016 tại nhà máy đóng tàu của BAE ở Barrow-in-Furness. Lớp tàu này có kích thước lớn hơn lớp cũ, chủ yếu để tích hợp một số tính năng tàng hình mới. Với chiều dài khoảng 153m và lượng giãn nước 17.200 tấn, Dreadnought là tàu ngầm lớn nhất từng được Anh chế tạo. Tàu được vận hành nhờ năng lượng sinh ra từ lò phản ứng hạt nhân PWR3 do Rolls-Royce chế tạo. Tàu sử dụng bánh lái dạng chữ X và hệ truyền động điện tăng áp mới, cung cấp năng lượng cho động cơ điện và mang lại khả năng hoạt động êm hơn so với người tiền nhiệm.

Các tàu ngầm lớp Dreadnought dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 2030, với thời gian phục vụ ước tính từ 35 đến 40 năm.

* Trung Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công Z-21

Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy trực thăng tấn công Z-21 đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm, thể hiện bước tiến mới nhất của Quân giải phóng nhân dân (PLA) trong việc tăng cường năng lực trên không.

Trực thăng tấn công Z-21 của Trung Quốc. Ảnh: Mạng xã hội Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, Z-21 có nhiều điểm tương đồng với mẫu tiền nhiệm Z-20 - phiên bản Trung Quốc của trực thăng UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, Z-21 cũng được cho là rất giống trực thăng tấn công AH-64 Apache.

Các tính năng đáng chú ý của Z-21 bao gồm những cải tiến về hệ thống phòng thủ và thiết kế ống xả động cơ hướng lên trên, giúp giảm tín hiệu hồng ngoại chống lại tên lửa tầm nhiệt. Điều này giúp nâng cao khả năng sống sót của trực thăng trên chiến trường. Buồng lái của Z-21 có thiết kế hai chỗ ngồi song song, tối ưu hóa cho hoạt động chiến đấu. Mặc dù theo những hình ảnh cho thấy trực thăng chưa mang vũ khí nhưng phương tiện này được dự đoán sẽ được trang bị các loại vũ khí tiêu chuẩn trong tương lai.

Z-21 là sản phẩm hợp tác giữa một số đơn vị trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc như Tập đoàn công nghiệp máy bay Cáp Nhĩ Tân và Changhe và Viện thiết kế máy bay 602. Z-21 được dự đoán sẽ thay thế các mẫu trực thăng tấn công hiện có trong kho vũ khí của Trung Quốc như Z-10 và dự kiến được đưa vào sử dụng trong vòng 2 đến 3 năm tới. Việc phát triển trực thăng tấn công Z-21 nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc trong việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực quân sự của mình.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (28-3): Trung Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công Z-21
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO