Quân sự thế giới hôm nay (27-4): Tây Ban Nha cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine

27/04/2024 07:19

Quân sự thế giới hôm nay (27-4) có những nội dung sau: Tây Ban Nha cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine, Trung Quốc đạt đột phá trong dự án phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng laser, Mỹ bán tên lửa AGM-88G cho Ba Lan và Hà Lan.

* Tây Ban Nha cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine

Tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày 26-4 đưa tin, Tây Ban Nha đã đồng ý cung cấp 50 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, theo yêu cầu của NATO và EU về việc các nước châu Âu trang bị hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất để hỗ trợ Ukraine.

Quân đội Tây Ban Nha hiện sở hữu 3 hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 Patriot mua lại từ Đức vào năm 2004 và 2014. Ảnh: Spanish Army 

Ngoài việc hỗ trợ hệ thống Patriot, chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch cung cấp thêm 19 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 cho Ukraine trước tháng 9 năm nay. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay thế tất cả xe tăng Leopard 2A4 của Ukraine bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trong cuộc xung đột với Nga.

Theo Army Certification, binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện ở Tây Ban Nha về cách sử dụng và kỹ thuật bảo trì một số hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 Patriot. Ngoài ra, hơn 200 binh sĩ Ukraine đã tham gia khóa học vận hành hệ thống phòng không Hawk. Các khóa học này nhằm mục đích trang bị cho lực lượng Ukraine những kỹ năng cần thiết để duy trì và sử dụng hiệu quả các hệ thống này trong các hoạt động phòng thủ.

MIM-104 Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không trang bị cho Quân đội Mỹ và các đồng minh. Được phát triển bởi Raytheon và triển khai lần đầu tiên vào năm 1984, hệ thống này đã trải qua nhiều lần nâng cấp. Patriot được tích hợp hệ thống radar và tên lửa đánh chặn trên không, có khả năng phát hiện hơn 100 mục tiêu trên không và tấn công đồng thời nhiều mối đe dọa. Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa đa năng, với tầm bắn dao động từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.

* Trung Quốc đạt đột phá trong dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng laser

Theo Navy Recognition, mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc tiết lộ họ đã đạt được bước tiến đột phá trong việc phát triển hệ thống đẩy laser dưới nước cho tàu ngầm - một hệ thống động cơ đẩy không có bộ phận chuyển động cơ học như truyền thống.

Hình ảnh mô phỏng tàu ngầm chạy bằng năng lượng laser của Trung Quốc. Ảnh: Navy Recognition

Công nghệ tiên tiến này sử dụng hệ thống năng lượng laser 2 megawatt, có thể tạo ra lực đẩy gần 7 tấn, tương đương với lực của động cơ phản lực thương mại, giúp tăng hiệu suất chuyển đổi tia laser thành lực đẩy lên gấp 4 lần.

Hệ thống động cơ đẩy hoạt động không có bộ phận cơ khí, sử dụng sợi quang mỏng của tàu ngầm, nhờ đó loại bỏ rung và tăng cường khả năng tàng hình của tàu ngầm dưới nước. Điều đáng nói, các xung laser không chỉ tạo ra lực đẩy mà còn làm bay hơi nước biển, tạo ra hiện tượng “siêu bọt khí” xung quanh thân tàu, giúp làm giảm đáng kể lực cản của nước.

Theo các nhà nghiên cứu, về mặt lý thuyết, công nghệ này cho phép tàu ngầm có thể di chuyển nhanh hơn nhưng không tạo ra tiếng ồn cơ học, do đó tàu vẫn vô hình trước sóng siêu âm.

* Mỹ bán tên lửa AGM-88G cho Ba Lan và Hà Lan

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt thỏa thuận bán tên lửa chống bức xạ tầm xa AGM-88G AARGM-ER cho Hà Lan và Ba Lan. Thỏa thuận này đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của 2 quốc gia NATO này.

Tên lửa chống bức xạ tầm xa AGM-88G AARGM-ER được phóng từ máy bay F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ. Ảnh: Northrop Grumman

Theo Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, quốc gia này đã chấp thuận bán 265 tên lửa AGM-88G phiên bản có tầm bắn mở rộng AARGM-ER cho Hà Lan, trong khi Ba Lan thỏa thuận mua 360 tên lửa. Các thỏa thuận này cũng bao gồm các thiết bị liên quan và dịch vụ hậu cần, với chi phí ước tính khoảng 700 triệu USD cho Hà Lan và gần 1,3 tỷ USD cho Ba Lan.

Vốn được phát triển cho Hải quân Mỹ, AARGM-ER có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD). Tên lửa này có thể được triển khai trên các nền tảng như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và F/A-18E/F Super Hornet, cũng như máy bay chiến đấu F-35.

AARGM-ER được thiết kế để săn lùng các điểm phát xạ vô tuyến của đối phương - đặc biệt là các radar trên đất liền cũng như trên biển, từ đó cải thiện khả năng sống sót của máy bay chiến thuật. Để tiêu diệt các mục tiêu tầm xa, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ định vị GPS và chỉ bật hệ thống dò radar chủ động ở pha cuối. Với việc lưu được vị trí phát radar cuối cùng, tên lửa có thể bám theo sóng của đài radar đối phương hoặc tấn công vào vị trí ghi nhớ cuối cùng một cách chính xác dù bị gây nhiễu.

AARGM-ER có tầm bắn lên tới 250km và sử dụng động cơ phản lực Ramjet. Ngoài khả năng tấn công hệ thống phòng không, tên lửa còn có khả năng tấn công bệ phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. AARGM-ER được Không quân Mỹ lựa chọn làm vũ khí tấn công tầm xa dự phòng (SiAW).

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-27-4-tay-ban-nha-cung-cap-he-thong-phong-thu-ten-lua-patriot-cho-ukraine-774565
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-27-4-tay-ban-nha-cung-cap-he-thong-phong-thu-ten-lua-patriot-cho-ukraine-774565
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (27-4): Tây Ban Nha cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO