Quân sự thế giới hôm nay (25-9): Hezbollah nâng cấp UAV từ thời Liên Xô thành tên lửa hành trình

25/09/2024 06:54

Quân sự thế giới hôm nay (25-9) có những nội dung sau: Hezbollah nâng cấp UAV từ thời Liên Xô thành tên lửa hành trình; Nhật Bản lắp thêm vũ khí cho xe tăng Type 10; Nam Phi phát triển pháo tự hành 105mm mới.

* Hezbollah nâng cấp UAV từ thời Liên Xô thành tên lửa hành trình

Bulgarian Military dẫn thông báo từ quân đội Israel cho biết vừa tập kích khoảng 1.600 vị trí cất giấu vũ khí của lực lượng Hezbollah, trong đó đáng chú ý có tên lửa hành trình DR-3 được ngụy trang trong một ngôi nhà ở Lebanon.

Thực chất tên lửa DR-3 là một phiên bản nâng cấp của máy bay không người lái (UAV) Tu-143 Flight được Liên Xô phát triển từ những năm 1970 để phục vụ cho mục đích trinh sát chiến trường. Từ khi được triển khai, UAV này đóng vai trò then chốt trong chiến thuật quân sự của Liên Xô.

Chưa có thông tin về việc làm thế nào Hezbollah sở hữu được và cải tiến Tu-143 Flight (trên ảnh) thành tên lửa. Ảnh: Airliners 

Thông tin trên khá bất ngờ bởi mặc dù quân đội Israel cho rằng tên lửa DR-3 có nguồn gốc từ Liên Xô, nhưng chi tiết về quá trình chuyển đổi UAV này thành tên lửa vẫn còn là một bí ẩn. Có thông tin cho rằng, Hezbollah nhiều khả năng đã mua những Tu-143 từ Syria, nơi các hệ thống này được Liên Xô cung cấp.

Ước tính tên lửa DR-3 có tầm bắn lên tới 200km. Nếu được Hezbollah sử dụng thì tên lửa này đủ khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Israel như Tel Aviv, qua đó có thể gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ của Israel. Dù chưa rõ Hezbollah sở hữu bao nhiêu tên lửa DR-3, song báo cáo của quân đội Israel cho biết nhóm này dường như đang lên kế hoạch phóng hơn 150 tên lửa và UAV vào nước này.

Bulgarian Military đánh giá, nhờ những tiến bộ trong công nghệ UAV và tên lửa như trong trường hợp của DR-3, Hezbollah có khả năng thực hiện những cuộc tấn công tầm xa hiệu quả mà không cần phải trực tiếp tham gia vào chiến trường. Vì vậy, Israel cần lưu ý trong việc tăng cường hệ thống phòng thủ trước những mối đe dọa mới.

* Nhật Bản lắp thêm vũ khí cho xe tăng Type 10

Theo Popular Mechanics, Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa xe tăng Type 10 của mình để giải quyết các mối đe dọa trên chiến trường, bao gồm việc lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động (APS) và pháo bắn nhanh 30mm trên những chiếc xe này.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản gần đây đã công bố một tài liệu mua sắm phác thảo những yêu cầu nâng cấp xe tăng Type 10, với mục tiêu cải thiện khả năng phòng thủ trước vũ khí chống tăng và UAV, bao gồm UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và UAV chuyên thả đạn từ trên không, vốn ngày càng phổ biến trong các tình huống chiến đấu hiện đại.

Xe tăng Type 10 của quân đội Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Theo thông tin do Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 3 hệ thống APS đã được chọn để đánh giá là Trophy của hãng Rafael, Strike Shield của công ty Rheinmetall và Iron Fist của nhà thầu Elbit Systems. Các hệ thống này được chọn dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm khả năng bảo vệ chống lại các mối đe dọa, khả năng đánh chặn 360 độ và tổng trọng lượng dưới 1 tấn/hệ thống. Song song với đó, ATLA cũng quyết định tiến hành thử nghiệm module điều khiển từ xa Kongsberg RS6 có tích hợp pháo 30mm.

Mặc dù số lượng xe tăng Type 10 sẽ được hiện đại hóa vẫn chưa được tiết lộ, song Nhật Bản có kế hoạch mua khoảng 300 mô-đun Kongsberg RS6. Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục sản xuất xe tăng Type 10 mới, với 12 xe bổ sung sẽ được đặt hàng vào năm 2025, nâng tổng số lên 148 xe được đưa vào biên chế. Mục tiêu cuối cùng của quân đội Nhật Bản là khai thác khoảng 300 xe tăng loại này.

Type 10 là xe tăng thế hệ thứ 4 của Nhật Bản. Được bắt đầu phát triển từ năm 2002, xe tăng Type 10 có nhiệm vụ bổ sung cho xe tăng hạng nặng Type 90 và thế chỗ xe tăng Type 74 cũ kỹ. Nhờ có thiết kế nhỏ gọn, trọng lượng khoảng 40 tấn cho phiên bản tiêu chuẩn, xe tăng Type 10 có thể di chuyển ở hầu hết các tuyến đường ở Nhật Bản với vận tốc 70km/giờ, phạm vi hoạt động 500km, và phù hợp để vận chuyển bằng đường không, đường biển. Hỏa lực mạnh mẽ của xe tăng Type 10 đến từ pháo chính nòng trơn Rheinmetall L44 120mm do hãng Japan Steel Works sản xuất theo giấy phép từ Đức. Hệ thống nạp đạn tự động giúp giảm kíp xe xuống còn 3 người. Tháp pháo của xe còn có 2 súng máy đồng trục 12,7mm và 7,62mm.

* Nam Phi phát triển pháo tự hành 105mm mới

Army Recognition đưa tin, nhà thầu quốc phòng Denel của Nam Phi đã công bố tích hợp thành công phiên bản cải tiến của pháo kéo G7 105mm lên xe chiến đấu bộ binh cấu hình 8x8 bánh lốp RG41 của hãng này. Sự kết hợp này được gọi là RG41 GT7.

Nền tảng xe chiến đấu RG41 có nguồn gốc từ Dự án Hoefyster, nơi nó được dự định sẽ là phương án mà Denel đề xuất thay thế cho dòng xe chiến đấu Patria vốn được chính quyền Pretoria mua từ Phần Lan và đổi tên thành Badger trong biên chế quân đội Nam Phi.

Pháo tự hành RG41 GT7 được giới thiệu tại một triển lãm. Ảnh: Army Recognition

Denel đã hoàn tất thiết kế, sản xuất nguyên mẫu và tiến hành thử nghiệm RG41 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào mùa hè vừa qua. Xe trang bị tháp pháo điều khiển từ xa chiến thuật (TRT) với cả hai biến thể pháo 20mm và 30mm. Nhận thấy tiềm năng của nền tảng RG41, nhà sản xuất tiếp tục tạo ra một tháp pháo mới mang tên T7 và tiến hành một số sửa đổi kỹ thuật để phù hợp với pháo G7 105mm.

Về thông số kỹ thuật, RG41 GT7 có chiều dài 7,78m, rộng 2,8m, cao 2,38m, trọng lượng không tải là 18,2 tấn, tải trọng 9 tấn, với kíp lái 3 người và chở tối đa 8 binh sĩ. Xe có thể đạt tốc độ 100km/giờ trên đường nhựa và vượt dốc 70%. Giáp của xe đáp ứng tiêu chuẩn STANAG 4569 Cấp độ 2 của NATO và có tùy chọn nâng cấp lên chuẩn cao hơn. Trong khi đó, pháo G7 105mm có thể bắn xa 24km với đạn thông thường hoặc 30km với đạn tăng tầm.

MINH ANH(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (25-9): Hezbollah nâng cấp UAV từ thời Liên Xô thành tên lửa hành trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO