* Senop cung cấp hệ thống ngắm thông minh cho súng phóng lựu Carl-Gustaf
Theo đơn đặt hàng mới nhất của “gã khổng lồ” quốc phòng của Thụy Điển Saab, Công ty cung cấp giải pháp quang điện tử tiên tiến Senop (Phần Lan) thuộc Tập đoàn Patria sẽ cung cấp hệ thống ngắm thông minh ảnh nhiệt Senop AFCD TI cho súng phóng lựu Carl-Gustaf M4 và M3.
Hệ thống ngắm thông minh Senop AFCD TI. Ảnh: Senop |
Hệ thống ngắm thông minh Senop AFCD TI là sự kết hợp giữa kính ngắm ban ngày truyền thống với kính quang học ban đêm clip-on. Với tính năng quang điện tử tiên tiến, tính toán đường đạn, hệ thống ngắm thông minh này giúp mang lại khả năng bắn chính xác đối với cả mục tiêu di chuyển và mục tiêu cố định.
Tùy thuộc vào điều kiện, người vận hành có thể sử dụng camera ảnh ngày, camera ảnh nhiệt hoặc hình ảnh tích hợp để phát hiện, xác định và nhận dạng mục tiêu. Hệ thống ngắm thông minh này là hệ thống kiểm soát hỏa lực nhẹ nhất dành cho súng phóng lựu Carl-Gustaf. Thiết bị chỉ nặng 1,7kg, được thiết kế và chế tạo để đáp ứng các yêu cầu về khả năng sử dụng cao nhất.
“Hỏa thần” Carl Gustaf M4 là phiên bản mới nhất của dòng súng chống tăng huyền thoại Carl Gustaf vốn ra đời từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Carl Gustaf M4 được sử dụng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, vô hiệu hóa tàu đổ bộ và boong ke, dọn chướng ngại vật, tham gia hoạt động tác chiến trong các tòa nhà.
Carl Gustaf M4 dài chưa đến 1 mét, nặng khoảng 7kg, có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn nổ mạnh HE, đạn chống tăng nổ mạnh HEAT, đạn khói và đạn chiếu sáng, đạn dẫn đường bằng laser. Đáng chú ý, súng phóng lựu Carl Gustaf M4 có tốc độ bắn 6 phát/phút; có tầm bắn hiệu quả lên tới 500 mét đối với xe tăng, xe bọc thép; 700 mét đối với các tòa nhà và mục tiêu cố định.
* Khám phá xe tăng chiến đấu chủ lực Tianma-2
Tại triển lãm quốc phòng khai mạc ngày 21-11 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tiết lộ phiên bản nâng cấp Tianma-2 của xe tăng chiến đấu chủ lực Cheonma-2 do nước này sản xuất.
Theo Army Recognition, Tianma-2 có thiết kế giống với xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của phương Tây và Mỹ, có điểm tương đồng với xe tăng Leopard 2A7/A8 của Đức. Còn theo Bulgarian Military, Tianma-2 có những điểm tương đồng về một số hình ảnh với xe tăng T-14 Armata của Nga, M1 Abrams của Mỹ và Zulfiqar của Iran.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Tianma-2 có lớp giáp tiên tiến, hệ thống bảo vệ chủ động và thiết kế hiện đại. Ảnh: Cơ quan báo chí Triều Tiên |
Về thiết kế, vị trí lái xe nằm phía trước bên trái, tháp pháo nằm ở giữa và bộ nguồn gắn phía sau. Xe tăng được vận hành bởi kíp lái 3 người, được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho vũ khí chính - pháo nòng trơn 125mm.
Tháp pháo tích hợp giáp composite dạng mô-đun, tăng cường khả năng bảo vệ chống lại đạn xuyên giáp APFSDS và đạn chống tăng nổ mạnh HEAT. Cấu trúc mô-đun cho phép thay thế nhanh chóng các phần giáp bị hư hỏng trên chiến trường. Ngoài ra, xe tăng còn được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) ở mặt trước và hai bên thân, trong khi giáp lồng thép được lắp ở phía sau. Ngoài ra, xe còn được tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động gồm các cảm biến radar ở mỗi bên tháp pháo để phát hiện mối đe dọa, cùng với các biện pháp đối phó được thiết kế để đánh chặn tên lửa và đạn chống tăng. Để tăng cường khả năng phòng thủ, nóc tháp pháo được trang bị hệ thống phóng chống tăng chống thiết bị không người lái.
Xe còn được trang bị hệ thống ngắm toàn cảnh, cung cấp khả năng theo dõi và thu thập mục tiêu. Hệ thống ngắm ảnh nhiệt và camera quan sát của chỉ huy và pháo thủ giúp nâng cao khả năng chiến đấu ban đêm của xe tăng và cải thiện độ chính xác khi ngắm bắn.
Vũ khí chính của xe tăng Tianma-2 là pháo nòng trơn 125mm. Xe còn được trang bị 1 súng máy đồng trục, 1 súng phóng lựu AGS-30 gắn ở phía bên trái tháp pháo, 2 tên lửa Bulsae-3 lắp trong bệ phóng có thể thu vào ở bên phải tháp pháo.
Theo Giáo sư Sung Woo, chuyên gia quân sự Hàn Quốc, xe tăng mới này của Triều Tiên thuộc mẫu giữa xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 và thứ 4.
* Boeing sẽ nâng cấp máy bay đánh chặn F-15 của Nhật Bản
Boeing (Mỹ) đã giành được hợp đồng trị giá 129 triệu USD để nâng cấp máy bay đánh chặn F-15 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản.
Đội bay F-15 của Nhật Bản gồm 163 chiếc F-15J và 36 chiếc F-15DJ hai chỗ ngồi.
“Đại bàng” F-15 của Nhật Bản. Ảnh: Melany Bermudez |
Theo hợp đồng, Boeing sẽ trang bị cho máy bay đánh chặn F-15 radar mảng pha quét điện tử chủ động APG-82(v)1, vốn đã được trang bị thêm cho F-15E Strike Eagles của Không quân Mỹ và được trang bị trên F-15EX. Việc tích hợp hệ thống radar này sẽ giúp nâng cao khả năng chiến đấu không đối không của máy bay đồng thời cải thiện khả năng phát hiện và nhắm mục tiêu. Ngoài ra, máy bay cũng có thể được trang bị tên lửa không đối đất tầm xa chung, mở rộng khả năng đa nhiệm, biến F-15 thành nền tảng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa.
Defence Blog cho biết gói nâng cấp nói trên thuộc Chương trình “Siêu máy bay đánh chặn” F-15. Hợp đồng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-1-2030.
* Máy bay không người lái MQ-9B đầu tiên của Canada đi vào sản xuất
Hai trong số 11 máy bay không người lái MQ-9B đầu tiên thuộc Dự án hệ thống máy bay điều khiển từ xa của Canada đang được sản xuất tại chi nhánh GA-ASI của Tập đoàn General Atomics, ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Dự kiến máy bay sẽ bay thử nghiệm vào đầu năm 2026.
Hai trong số 11 máy bay không người lái MQ-9B của Canada đang trong quá trình sản xuất. Ảnh: Defence Blog |
Máy bay không người lái MQ-9B dài 11,7 mét, sải cánh rộng 24 mét, tổng trọng lượng cất cánh tối đa 5,67 tấn, tải trọng bên ngoài 2,155 tấn, có thể bay liên tục 35-40 giờ trong mọi điều kiện thời tiết, tốc độ tối đa 388,92km/giờ, phạm vi hoạt động tối đa 9.260km. MQ-9B được thiết kế cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công chính xác.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.