* Hàn Quốc mua UAV cảm tử Warmate của Ba Lan
Tờ Rzeczpospolita của Ba Lan đưa tin, lực lượng vũ trang Hàn Quốc đang có kế hoạch mua máy bay không người lái (UAV) cảm tử Warmate của Ba Lan.
Warmate là UAV cảm tử có kích thước nhỏ gọn và có tính di động cao, do công ty WB Electronics của Ba Lan phát triển. Ảnh: Army Recognition |
Theo đó, lực lượng vũ trang Hàn Quốc sẽ ký hợp đồng với công ty WB Electronics, đơn vị phát triển UAV Warmate. Thỏa thuận này sẽ được hoàn tất trong Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế Hàn Quốc (KADEX 2024), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.
Theo hợp đồng, Ba Lan sẽ cung cấp 200 UAV cảm tử Warmate cho Hàn Quốc vào cuối năm nay. Điều này thể hiện sự phát triển trong quan hệ đối tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng và đánh dấu một động thái chiến lược của Hàn Quốc nhằm tăng cường năng lực phòng thủ bằng công nghệ máy bay không người lái tiên tiến.
Warmate là một hệ thống máy bay không người lái tiên tiến được thiết kế để tấn công chính xác. Nó hoạt động như một loại đạn tuần kích đa năng, hay còn gọi là máy bay không người lái cảm tử, có khả năng bay lơ lửng trên không trước khi tấn công các mục tiêu có giá trị với độ chính xác cao. Với kích thước nhỏ gọn, Warmate có thể dễ dàng triển khai bởi lực lượng trên bộ hoặc các phương tiện mặt đất. UAV này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm giám sát, trinh sát và các hoạt động tấn công trực tiếp. Hệ thống truyền video thời gian thực cho phép người vận hành xác định và tấn công mục tiêu hiệu quả đồng thời giảm thiểu thiệt hại.
Điểm độc đáo của Warmate là khả năng chuyển đổi giữa chế độ trinh sát và tấn công, mang lại sự linh hoạt trên chiến trường. UAV có thể được trang bị nhiều đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh hoặc chống tăng, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ. Với tầm bắn khoảng 30km và thời gian hoạt động lên đến 70 phút, Warmate là một vũ khí lý tưởng cho hoạt động tác chiến chiến thuật. Thiết kế mô-đun của nó cho phép tích hợp vào các hệ thống và có thể sử dụng phối hợp với các vũ khí quân sự khác, điều này khiến UAV Warmate trở thành một công cụ có giá trị trong chiến tranh phi đối xứng hiện đại.
*Tây Ban Nha triển khai hệ thống chống máy bay không người lái Cervus tại Slovakia
Quân đội Tây Ban Nha mới đây đã triển khai hệ thống chống máy bay không người lái trong khi thực hiện các nhiệm vụ của NATO tại Slovakia.
Trong quá trình triển khai ở Slovakia, phái bộ NATO cung cấp hình ảnh cho thấy Tây Ban Nha đã sử dụng phiên bản Cervus không có tháp pháo Guardian 2.0. Ảnh: Nhóm tác chiến đa quốc gia NATO tại Slovakia |
Hệ thống Cervus được thiết kế để bảo vệ không phận và bảo đảm an ninh cho các cơ sở quan trọng, cả dân sự và quân sự, trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Phiên bản mới nhất, Cervus III, được tích hợp hệ thống chỉ huy và điều khiển thông qua trí tuệ nhân tạo, kết hợp dữ liệu từ nhiều cảm biến khác nhau như radar, camera, ăng-ten tần số vô tuyến và máy gây nhiễu.
Cervus được trang bị một tháp pháo điều khiển từ xa Guardian tích hợp súng máy 12,7mm. Toàn bộ hệ thống có thể được điều khiển bằng 1 người thông qua một giao diện đồ họa đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành các cảm biến và ra quyết định theo thời gian thực.
Hệ thống này có thể kết hợp các thiết bị phát hiện tần số vô tuyến do TRC phát triển cũng như mô-đun quang điện hiệu suất cao Oteos. Nhờ các thuật toán thị giác nhân tạo và cảm biến, hệ thống có thể tự động phát hiện UAV và định vị chính xác bằng các mô hình trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, Cervus có thể tích hợp radar để mở rộng phạm vi của hệ thống và cải thiện độ chính xác trong khi xác định vị trí mối đe dọa.
Ngoài phát hiện và vô hiệu hóa máy bay không người lái, hệ thống Cervus cũng có thể xác định và theo dõi các chuyển động trên mặt đất, chẳng hạn như phương tiện mặt đất không người lái (UGV). Camera được trang bị trên Cervus có phạm vi hoạt động lên tới 20km, trong khi radar có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 5-10km. Cervus cũng có ăng-ten tần số vô tuyến theo khu vực để xác định vị trí các mối đe dọa và một hệ thống gây nhiễu thông minh có khả năng chống lại nhiều UAV thông qua ăng-ten đơn hướng, tạo ra một vùng bảo vệ xung quanh xe.
* Hy Lạp mua khinh hạm lớp Belharra của Pháp
Theo Reuters, Hy Lạp vừa công bố kế hoạch đàm phán mua khinh hạm lớp Belharra thứ tư từ Pháp. Quyết định này được Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias tiết lộ trong một buổi lễ tại xưởng đóng tàu Lorian ở Pháp.
Khinh hạm lớp Belharra thứ 2 HS Nearchos của Hy Lạp. Ảnh: Army Recognition |
Trước đó, Hy Lạp đã thỏa thuận mua 3 khinh hạm với tổng giá trị 3,34 tỷ USD của Pháp vào năm 2021. Động thái mới này nhằm mục đích tăng cường năng lực Hải quân Hy Lạp khi đất nước này đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài một thập kỷ.
Bộ trưởng Dendias đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của các tàu chiến lớp Belharra, tiết lộ rằng 3 trong số 4 tàu sẽ được trang bị tên lửa hành trình Scalp Naval có tầm bắn lên tới 1.000km.
Khinh hạm lớp Belharra có chiều dài 122m và rộng 17,7m. Được trang bị động cơ diesel hoặc động cơ diesel và tuabin khí kết hợp (CODAD), tàu có thể đạt tốc độ tối đa 50km/giờ và có thể hoạt động trên biển trong 45 ngày.
Tàu có sức chứa 120 người và có sàn đáp cho một trực thăng có thông số kỹ thuật tương tự NH90, H160 và MH-60R Seahawk. Tàu được tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động, mồi bẫy đối phó, tên lửa đa nhiệm, ngư lôi và pháo bắn nhanh.
QUỲNH OANH (tổng hợp)