* Mỹ triển khai tàu USS Preble đến Nhật Bản
Theo thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1-8-2024, USS Preble (DDG 88), tàu khu trục lớp Arleigh Burke, sẽ được triển khai tới căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản. USS Preble sẽ thay thế tàu USS Benfold (DDG 65), dự kiến sẽ rời Yokosuka và chuyển đến Everett, Washington.
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Preble (DDG 88). Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Hải quân Mỹ đang tăng cường triển khai phương tiện và bảo dưỡng kỹ thuật tại Nhật Bản để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và tác chiến của lực lượng đóng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tháng 5-2024, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) đã rời căn cứ hải quân Yokosuka, kết thúc gần 9 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Con tàu sân bay lớp Nimitz này đã đóng vai trò then chốt trong nhiều hoạt động, bao gồm cứu trợ thảm họa trong Chiến dịch Tomodachi khi xảy ra trận động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc Nhật Bản năm 2011 và sơ tán công dân Mỹ khỏi Afghanistan.
Việc tàu sân bay USS Ronald Reagan rời Nhật Bản là một phần trong kế hoạch luân chuyển quy mô hơn của Hải quân Mỹ. Tàu sân bay USS George Washington (CVN-73) sẽ là phương án thay thế. Con tàu sẽ bắt đầu nhiệm vụ từ cuối năm nay sau khi hoàn thành quá trình đại tu phức tạp và tiếp nhiên liệu (RCOH).
Song song với đó, Hải quân Mỹ đang mở rộng hoạt động bảo dưỡng các phương tiện hoạt động tại Nhật Bản để rút ngắn thời gian sửa chữa và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trước đây, các tàu chiến của Hải quân Mỹ phải di chuyển quãng đường dài về nước để đại tu, thời gian kéo dài mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Để giải quyết vấn đề này, Hải quân Mỹ đã liên hệ các nhà máy đóng tàu thương mại của Nhật Bản để thực hiện các nhiệm vụ bảo dưỡng. Theo ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, kế hoạch này bao gồm việc thành lập một ủy ban điều phối để kết nối và triển khai nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng, và hoạt động gần đây nhất là tàu USS New Orleans đang được sửa chữa tại một nhà máy đóng tàu của Nhật Bản.
* Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy tàu chiến mới cho Ukraine
Theo trang tin Dumskaya, Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada thứ hai mang tên Hetman Ivan Vyhovsky (F-212) dành cho Hải quân Ukraine tại nhà máy đóng tàu Savunma Teknolojileri Mühendislik ve Ticaret A.Ş. (STM) ngày 1-8-2024.
Lễ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Hetman Ivan Vyhovsky (F-212). Ảnh: Clash Report |
Trước đó, chiếc tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada đầu tiên, với tên gọi là Hetman Ivan Mazepa (F-211), đã được xuất xưởng và đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên Biển Đen.
Hai con tàu hộ vệ tên lửa này được triển khai đóng mới theo dự án MILGEM, với mục đích ban đầu để phục vụ Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, dự án sau đó đã được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ukraine. Hetman Ivan Mazepa (F-211) được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại như pháo phòng không tầm gần Gökdeniz 35mm và hệ thống tên lửa VL MICA của Pháp.
Pháo phòng không tầm gần Gökdeniz 35mm có thể tiêu diệt các mối đe dọa trên không ở khoảng cách 4km với tốc độ bắn cao, trong khi hệ thống tên lửa VL MICA giúp tăng cường năng lực phòng không với tầm bắn lên tới 20km.
Các tàu hộ vệ tên lửa này được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm tác chiến chống ngầm, tuần tra trên biển và bảo vệ bờ biển. Chúng được trang bị cảm biến và vũ khí tinh vi, bao gồm radar giám sát không trung Smart-S Mk 2 của Tập đoàn Thales (Pháp), pháo Super Rapid 76-mm của công ty Leonardo (Italy) và các trạm vũ khí điều khiển từ xa STAMP của công ty Aselsan (Thổ Nhĩ Kỳ). Các con tàu hộ vệ tên lửa này cũng có khả năng triển khai tên lửa chống hạm, với các tùy chọn bao gồm Harpoon và tên lửa Neptune nội địa hóa.
Việc đưa vào hoạt động các tàu hộ vệ tên lửa hiện đại phù hợp với mục tiêu chiến lược của Ukraine nhằm tăng cường an ninh hàng hải và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị đặt ra những thách thức đối với việc hoàn thành toàn bộ dự án này khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vẫn đang diễn ra, Cùng với đó, sự phức tạp của quá trình đóng mới tàu, các lo ngại về an ninh và các vấn đề hậu cần là những trở ngại đáng kể.
* Hà Lan cân nhắc mua hệ thống phòng không NOMADS của Na Uy
Theo trang Army Recognition, quân đội Hà Lan đang quan tâm đến việc mua lại hệ thống phòng không di động tầm gần NOMADS (National Maneuver Air Defence System) do Tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace (Na Uy) phát triển. Kế hoạch này có thể là một phần của hợp đồng quốc phòng hiện có giữa Hà Lan với Na Uy, hướng đến mục tiêu mở rộng sự hiện diện của loại vũ khí này trong các nước đồng minh NATO. Hà Lan dự định mua tới 18 xe gắn hệ thống phòng không NOMADS, với các yêu cầu tùy chỉnh để tăng số lượng tên lửa mang theo.
Hệ thống phòng không NOMADS do Tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace (Na Uy) phát triển. Ảnh: Army Recognition |
Hệ thống phòng không NOMADS được phát triển theo hợp đồng năm 2019 giữa Cơ quan Vật tư quốc phòng Na Uy với quân đội nước này. Ban đầu, 6 xe gắn hệ thống NOMADS đã được đặt hàng, trong đó 3 chiếc đã được thử nghiệm thành công và bàn giao cho quân đội Na Uy.
Mô-đun của hệ thống phòng không NOMADS có thể được gắn trên bất kỳ phương tiện nào đáp ứng các yêu cầu về kích thước và tải trọng, chẳng hạn như xe bánh xích FFG ACSV G5 của quân đội Na Uy.
Ngoài việc được trang bị 2 ống phóng (mỗi ống chứa 2 tên lửa) và radar AESA 3D của công ty Weibel Scientific (Đan Mạch), hệ thống phòng không còn có cơ chế điều khiển vũ khí từ xa với camera ngày/đêm và tầm nhiệt, cùng máy đo khoảng cách bằng laser.
TRUNG THÀNH(Tổng hợp)