Nga tăng cường sản xuất xe chiến đấu Courier
Quân đội Nga vừa tiếp nhận một lô xe chiến đấu vũ trang không người lái Courier mới. Loại phương tiện chiến đấu này có khả năng mang nhiều loại vũ khí và đã được sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc tăng cường sản xuất Courier cho thấy Nga đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên chiến trường.
Xe chiến đấu vũ trang không người lái Courier của quân đội Nga. Ảnh: Defense-blog.com |
Xe chiến đấu vũ trang không người lái Courier có thể được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm súng phóng lựu tự động AGS-17 và AGS-30, súng chống tăng RPG, tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) và súng máy 12,7mm. Nó cũng có khả năng triển khai mìn chống tăng, súng phóng tên lửa nhiệt áp RPO-A Shmel và hệ thống tác chiến điện tử (EW); đây là một phương tiện chiến đấu cực kỳ linh hoạt trong các hoạt động trên chiến trường.
Từ chỗ chỉ là một nguyên mẫu ban đầu, những chiếc xe chiến đấu không người lái Courier đã nhanh chóng phát triển thành một loại vũ khí quan trọng cho các hoạt động tác chiến mặt đất. Quân đội Nga đã triển khai loại xe chiến đấu không người lái này ở khu vực Avdiivka để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu.
Quy mô sản xuất xe chiến đấu vũ trang không người lái Courier đã tăng đáng kể từ đầu năm 2024, biến chúng trở thành một trong những phương tiện quân sự được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Điều này cho thấy Nga đang tập trung hơn vào việc phát triển và triển khai các hệ thống không người lái để đối phó với các thách thức trên chiến trường hiện đại.
Philippines sẽ đặt mua 40 chiến đấu cơ trị giá 7 tỷ USD
Philippines đang có kế hoạch đặt mua 40 máy bay chiến đấu từ một nhà sản xuất quốc tế, với giá trị hợp đồng lên tới 7 tỷ USD (khoảng 6,3 tỷ Euro). Mặc dù Manila đã từng quan tâm đến dòng máy bay chiến đấu Gripen do Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Saab của Thụy Điển sản xuất, và thậm chí đang có những bước tiến nhất định trong quá trình thương thảo, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.
Không quân Philippines quan tâm. Ảnh: Army Recognition |
Bên cạnh Saab, một số nhà sản xuất lớn khác cũng đang thể hiện sự quan tâm đến hợp đồng này, bao gồm hai công ty châu Âu là Eurofighter và Dassault Aviation, tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), tập đoàn Korea Aerospace Industries (KAI) (Hàn Quốc) và công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) (Thổ Nhĩ Kỳ).
Triển lãm An ninh và Quốc phòng châu Á (ADAS) được tổ chức tại thủ đô Manila từ ngày 25 đến 27-9 vừa qua, đã mang đến cho các công ty cơ hội giới thiệu các mẫu máy bay của họ. Dòng máy bay Eurofighter Typhoon của công ty Eurofighter, được coi là một trong những đối thủ chính của dòng Dassault Rafale, đã được trưng bày tại triển lãm. Công ty Saab (Thụy Điển) cũng khẳng định vị thế của mình bằng cách trưng bày mô hình máy bay Gripen E/F với các thông số đầy đủ. Hãng Lockheed Martin thì mang đến triển lãm máy bay tiêm kích F-16, một mẫu máy bay đã được chứng minh hiệu quả trong thực chiến. Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) mang đến triển lãm mẫu máy bay tiêm kích KF-21 Boramae, trong khi công ty Turkish Aerospace Industries (Thổ Nhĩ Kỳ) trưng bày một số máy bay của mình, bao gồm Hürkuş, Hürjet và Kaan thế hệ thứ năm.
So với các lựa chọn khác, tiêm kích Gripen vẫn là một lựa chọn phù hợp hơn dành cho Không quân Philippines, bởi tính hiệu quả và chi phí và khả năng đáp ứng các thách thức hoạt động của đất nước. Chương trình này, được gọi là chương trình “Máy bay chiến đấu đa năng” (MRF), nhằm mục đích hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh cho các phi đội Không quân Philippines. Máy bay mua theo chương trình này sẽ bổ sung cho phi đội máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50PH hiện có, do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc sản xuất. Hiện tại, Philippines đang tìm cách mua sắm máy bay chiến đấu đa năng mạnh mẽ hơn để tăng cường khả năng phòng thủ.
Hình ảnh tên lửa của Iran bị Israel đánh chặn trong đêm 1-10
Theo CNN, đêm 1-10, Iran đã bắn khoảng 180 quả tên lửa các loại vào lãnh thổ Israel trong một động thái được cho là đáp trả hoạt động của quân đội Israel ở khu vực biên giới Lebanon chống lại Hezbollah ngày 1-10. Trong đó, quân đội Israel đã đánh chặn được phần lớn, nhưng vẫn có một số tên lửa đánh trúng vào một số khu vực ở miền Trung và miền Nam Israel.
Theo Jerusalem Post (Bưu điện Jerusalem), số liệu ban đầu cho thấy đã có ít nhất 2 người Israel bị thương. Hệ thống phòng không đa tầng của Israel có 3 lớp, bao gồm: Hệ thống hệ thống phòng không tầm ngắn Iron Dome (Vòm sắt): hệ thống phòng không tầm trung David's Sling, có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo; và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa có quỹ đạo bay ngoài bầu khí quyển của trái đất.
Dưới đây là hình ảnh tên lửa Iran bay trên bầu trời Israel và bị đánh chặn trong đêm 1-10 do CNN ghi lại.
Hình ảnh tên lửa Iran bay trên bầu trời Israel và bị đánh chặn trong đêm 1-10. Nguồn: CNN |